Phát biểu tại hội nghị, ông Ngọ Duy Hiểu – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, mất an toàn trong đời sống công nhân đang dẫn đến nhiều hệ lụy, vì vậy, cần nhiều giải pháp vừa chiến lược vừa cấp bách để công nhân yên tâm làm việc trong nhà máy, được về nhà trọ với cảm giác an toàn như về ngôi nhà của mình.
Trong bối cảnh luật cho phép ra đời tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp, nhiều tổ chức quốc tế thiếu thiện chí lôi kéo, kích động công nhân thực hiện vi phạm pháp luật, hoặc những hành vi gây rối, chống phá. Việc tổ chức hội thảo có ý nghĩa lớn để bàn đầy đủ, toàn diện, vấn đề để đề xuất các giải pháp, kiến nghị các mô hình để Công đoàn cùng chung tay với Công an, xã hội xây dựng môi trường an toàn giúp công nhân yên tâm, cống hiến, gắn với với doanh nghiệp.
Tại hội thảo, các đại biểu đã trình bày nhiều vấn đề cấp bách hiện nay, như: Vấn nạn sử dụng công nghệ cao “móc túi” công nhân; Thực trạng tín dụng đen bủa vây công nhân, người lao động; đề cao cảnh giác, ngăn ngừa cháy nổ tại các khu nhà trọ.
Các giải pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm công nghệ cao móc túi công nhân, lao động; an ninh nhà trọ nhân rộng từ những “Tổ tự quản khu nhà trọ công nhân”; vai trò của tổ chức Công đoàn trong việc ngăn chặn tội phạm, tệ nạn xã hội trong công nhân, người lao động…
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiển – Tổng Biên tập Báo Lao Động, buổi hội thảo đã tập trung vào các nhóm nguy cơ có thể xảy ra với công nhân, người lao động. Đầu tiên là nguy cơ vướng tệ nạn xã hội, đặc biệt là tín dụng đen; thứ hai là nguy cơ mất tài sản; thứ ba là nguy cơ dịch bệnh; thứ tư là nguy cơ cháy nổ, tai nạn thương tích; thứ năm là nguy cơ bị xâm hại, bạo lực.
Ông Nguyễn Ngọc Hiển khẳng định, các tham luận đã đưa ra được giải pháp mang tính thực tiễn rất cao. Thông qua hội thảo này, người lao động có thể nhận biết được những nguy cơ có thể xảy đến, các cấp công đoàn, các cơ quan quản lý sẽ có thêm nhiều giải pháp thiết thực để giúp công nhân, người lao động yên tâm lao động, sản xuất.