Theo CNBC, Trung tâm Khí tượng Quốc gia Các tiểu Vương quốc Ả-rập thống nhất (UAE), cơ quan phụ trách thực hiện các dự án làm mưa nhân tạo ở nước này, phủ nhận thông tin cho rằng họ đã làm mưa trước trận bão hôm 16/4 khiến tình trạng ngập lụt trở nên trầm trọng tại nhiều khu vực, trong đó có thành phố Dubai.
Phó giám đốc trung tâm Omar AlYazeedi nói: “Một trong những nguyên tắc cơ bản của làm mưa nhân tạo là phải xác định trước các đám mây đang ở giai đoạn đầu trước khi mưa, còn khi bão đã sắp xảy ra thì đã quá muộn, không thể tác động được nữa”.
Hôm 16/4, trận mưa lớn nhất từ trước đến nay trút xuống UAE. Thành phố Al Ain ghi nhận lượng mưa 250 mm, trong khi đó ở Dubai là hơn 100 mm. Lượng mưa hàng năm trung bình ở UAE chỉ nằm trong khoảng từ 140-200mm.
Trong tin tức Bloomberg đăng tải, Ahmed Habib, một chuyên gia khí tượng cho rằng trận mưa lịch sử này xảy ra một phần do hoạt động làm mưa nhân tạo. Theo Habib, 6 phi công đã thực hiện nhiệm vụ làm mưa trước khi trận bão xảy ra.
Trung tâm khí tượng cũng đã phủ nhận điều này. Họ cho rằng trận mưa bão hôm 16/4 là hiện tượng tự nhiên.
“Chúng tôi vô cùng coi trọng sự an toàn của người dân, các phi công và máy bay. Trung tâm không bao giờ thực hiện hoạt động làm mưa nhân tạo trong các điều kiện thời tiết khắc nghiệt”, ông AlYazeedi nói.
UAE bắt đầu các dự án làm mưa nhân tạo nhằm giải quyết vấn đề thiếu nước từ những năm 2000. Với công nghệ này, con người sẽ đưa các hóa chất và các hạt nhỏ – thường là muối tự nhiên như kali clorua – vào các đám mây trong khí quyển để tạo ra nhiều mưa hơn. Cho đến nay, UAE thực hiện hơn 1.000 giờ làm mưa nhân tạo mỗi năm.
Vốn là một nước có khí hậu sa mạc và ít mưa, nhưng xu hướng thời tiết tại UAE thay đổi theo thời gian do tác động của biến đổi khí hậu. Lượng mưa tại quốc gia vùng vịnh này tăng trong vài năm gần đây. Một báo cáo từ tạp chí Nature dự đoán lượng mưa tại UAE sẽ tăng 15-30% trong những năm tới.
Trước khi trận mưa lớn hôm 16/4 xảy ra, Cơ quan Quản lý Thảm họa và Các khủng hoảng quốc gia UAE đã cảnh báo trên mạng xã hội, kêu gọi người dân ở nhà và thực hiện các biện pháp an toàn.
Tuy nhiên, cơ sở vật chất ở UAE vốn dành cho kiểu thời tiết truyền thống, ít mưa. Vì vậy hệ thống thoát nước ở đây có thể đã không chịu được lượng mưa lớn chưa từng có, dẫn đến ngập lụt nghiêm trọng tại các tuyến đường, sân bay, đình trệ nhiều hoạt động.