Không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám linh thiêng với âm hưởng của tinh thần hiếu học ngàn năm lịch sử đã mang đến cảm xúc đặc biệt cho buổi lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Hồn khí của gần 1.000 năm yêu nước, yêu học, chí khí vươn lên sánh cùng các cường quốc năm châu của người Việt như hội tụ trong không gian khai mạc ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam.
Đến dự buổi lễ khai mạc có Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, cùng các cấp quản lý ngành xuất bản…
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết: “Trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và thống nhất đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa đổi mới và hội nhập quốc tế, Đảng và Nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực văn hóa, trong đó có văn hóa đọc.
Để văn hóa trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực phát triển đất nước, trước hết chúng ta cần tiếp tục quán triệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục về ý nghĩa, tầm quan trọng của sách và văn hóa đọc đối với việc bồi dưỡng, bồi đắp tri thức, kỹ năng, phát triển tư duy và rèn luyện nhân cách con người, nâng cao tính tự giác trong việc đọc sách, coi việc đọc sách là phương pháp tự học đạt được kết quả thiết thực nhất”.
Trong lời tuyên bố khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói: “Chúng ta đang ở trong không gian cổ kính của Văn Miếu – Quốc Tử Giám – địa điểm trước đây là nơi đào tạo sĩ phu, nhân tài của đất nước, nơi biểu tượng cho tinh thần tôn sư trọng đạo, yêu chữ, quý sách của truyền thống dân tộc” và khẳng định hiền tài của thời nào cũng là nguyên khí của quốc gia. Để có được hiền tài, sách luôn đóng vai trò quan trọng.
Phát triển văn hóa đọc chính là thúc đẩy sức mạnh nội sinh của cả dân tộc. Chuỗi sự kiện trong Ngày Sách và Văn hóa đọc lần này sẽ truyền cảm hứng về văn hóa đọc, giúp người Việt yêu sách và phát triển hơn nữa sức mạnh của mình.
Trong khuôn khổ lễ khai mạc, Cục Xuất bản, In và Phát hành, Cục Thông tin Đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội (Trung tâm Hoạt động văn hóa khoa học Văn Miếu – Quốc Tử Giám) tổ chức trưng bày triển lãm các bộ sách điện tử về Di tích quốc gia đặc biệt Văn Miếu – Quốc Tử Giám; ảnh và sách về đất nước con người Việt Nam trên các phiên bản điện tử hiện đại và các ấn bản trực tiếp.
Tại khuôn viên hồ Văn, hội sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã diễn ra nhộn nhịp, chào đón nhiều bạn đọc.
Hội sách có sự tham gia của gần 60 đơn vị xuất bản, phát hành sách trên cả nước, cung cấp hơn 40.000 đầu sách, mang lại cho những người yêu sách nhiều chương trình, sự kiện giao lưu hấp dẫn, đa dạng về thể loại và số lượng các xuất bản phẩm.
Trong thời gian diễn ra các hoạt động hưởng ứng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bài trí với các thiết kế về chủ đề sách như trưng bày sách quốc sử, sách lịch sử văn hóa việt nam, sách 3D về Văn Miếu – Quốc tử Giám…
Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba được tổ chức theo hướng đa dạng, phong phú, kết hợp các hoạt động truyền thống với phương thức tổ chức hiện đại theo xu thế phát triển của các nền tảng công nghệ, chuyển đổi số.
Chuỗi hoạt động hướng tới các thông điệp: “Sách hay cần bạn đọc”; “Sách quý tặng bạn”; “Tặng sách hay – Mua sách thật”; “Sách hay: Mắt đọc – Tai nghe”
Các hoạt động giới thiệu sách; giao lưu tác giả, tác phẩm; chương trình nghệ thuật; tọa đàm sẽ diễn ra tại khu vực Thủy đình ở Hồ Văn.
Chương trình Lễ khai mạc được dàn dựng công phu kết hợp với những tiết mục văn hóa, nghệ thuật đặc sắc. Trong đó, phần trình diễn 3D mapping kết hợp âm thanh ánh sáng tại không gian Văn Miếu – Quốc Tử Giám là điểm nhấn.