Lễ hội tháng 4 là hoạt động thường niên của Trường PTCS Xã Đàn, nơi có đến 60% học sinh câm điếc. Năm nay, trường chọn hoạt động thi giới thiệu sách với các hoạt động sáng tạo của học sinh.
Các nhóm học sinh chọn các tác phẩm được học trong chương trình THCS để giới thiệu kèm theo tranh vẽ, hoạt cảnh, mô hình sinh động. Thậm chí còn tái hiện góc phố cổ Hà Nội, món ăn đặc trưng của Hà Nội là cốm vòng khi review tác phẩm “Miếng ngon Hà Nội”, hay cảnh vua trả kiếm cho thần kim quy trong sự tích hồ Gươm…
Điều thú vị là những học sinh được chọn giới thiệu về cuốn sách của mình đều sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. Trong số các em, có những em bình thường, có em nghe máy nhưng có những em hoàn toàn giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu. Và có lẽ thế ngôn ngữ ký hiệu trở thành ngôn ngữ giao tiếp thông dụng ở đây.
Các bạn học sinh cũng đã trình diễn các tiết mục, giới thiệu sách, tương tác với nhau hay những học sinh ở khu bán hàng ăn, đồ thủ công tự làm cũng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu.
Theo các cô giáo, việc khuyến khích học sinh đọc sách, tái hiện tác phẩm qua các hoạt cảnh, cuộc thi là một cách thay đổi phương pháp dạy học.
Trong khuôn khổ lễ hội có những góc thư viện ngoài trời trưng bày sách để học sinh có thể tiếp cận với những cuốn sách hay, gần gũi với lứa tuổi.
Thầy Phạm Văn Hoan, hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, cũng chia sẻ ông và đồng nghiệp rất quan tâm đến những lễ hội như thế này dành cho học sinh khuyết tật vì điều đó khích lệ tinh thần, giúp trẻ hòa nhập hơn với môi trường sống xung quanh.