Những thành tựu trên thế giới về việc thực hiện các quyền sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản đã bị lu mờ bởi một sự thật phũ phàng – vẫn còn hàng triệu phụ nữ và trẻ em gái không được hưởng lợi từ những thành tựu đó chỉ vì nguồn gốc hay nơi sinh của họ.
Phụ nữ và trẻ em nghèo thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, các chủng tộc và nhóm bản địa là những người dễ bị tử vong vì không được nhận chăm sóc y tế kịp thời. |
Đây là một trong những nhận định trong báo cáo Tình trạng Dân số thế giới năm 2024 có nhan đề “Những cuộc đời đan xen, Những sợi dây hy vọng: Chấm dứt bất bình đẳng về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản và các quyền”, được Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) công bố ngày hôm nay (17/4).
UNFPA là cơ quan của Liên hợp quốc chuyên trách về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản (SKTD-SKSS).
Báo cáo đã nêu rõ tác động của chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, phân biệt đối xử theo giới tính và các hình thức phân biệt đối xử khác đang tiếp tục cản trở việc đạt được những thành quả chung về sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản cho phụ nữ và trẻ em gái.
Những con số biết nói
Theo báo cáo, phụ nữ và trẻ em nghèo thuộc các nhóm dân tộc thiểu số, các chủng tộc và nhóm bản địa là những người dễ bị tử vong vì không được nhận chăm sóc y tế kịp thời.
Tài liệu nêu rõ, một phụ nữ ở châu Phi bị tai biến khi mang thai hay khi sinh con có nguy cơ tử vong cao gấp 130 lần so với một phụ nữ ở châu Âu hay ở Bắc Mỹ, trong khi phụ nữ gốc Phi ở châu Mỹ có nguy cơ tử vong khi sinh con nhiều hơn phụ nữ da trắng.
Đặc biệt, ở nước Mỹ, tỷ lệ này là cao hơn gấp ba lần so với trung bình của cả nước.
Ước tính hơn nửa số ca người mẹ tử vong dù có thể ngăn ngừa, xảy ra ở các nước chịu khủng hoảng nhân đạo hay xung đột – tức là gần 500 ca tử vong mỗi ngày. Phụ nữ thuộc các nhóm dân tộc bản địa cũng có nguy cơ tử vong vì những nguyên nhân liên quan mang thai và sinh con.
Bên cạnh đó, phụ nữ khuyết tật có nguy cơ bị bạo lực trên cơ sở giới nhiều hơn 10 lần so với phụ nữ không khuyết tật, trong khi những người có xu hướng tình dục và biểu hiện giới đa dạng cũng bị bạo lực tràn lan và vấp phải những rào cản lớn để được chăm sóc.
Ngoài ra, theo UNFPA, mỗi ngày, có 800 phụ nữ tử vong khi sinh con và con số này không hề thay đổi từ năm 2016; 1/4 phụ nữ không thể từ chối quan hệ tình dục và cứ 10 phụ nữ thì có gần một người không thể tự quyết định về sử dụng các biện pháp tránh thai.
Tại 40% các quốc gia có dữ liệu thì đều bị bỏ qua dữ liệu liên quan quyền tự quyết về cơ thể của phụ nữ.
Bất bình đẳng về tiếp cận y tế
Tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận chăm sóc y tế cũng vẫn còn tồn tại dai dẳng, khi mà những nỗ lực cải thiện vấn đề này chủ yếu đem lại lợi ích cho phụ nữ giàu có hơn và những người thuộc các nhóm dân tộc đã có cơ hội được tiếp cận chăm sóc y tế tốt hơn.
Tình trạng bất bình đẳng về tiếp cận chăm sóc y tế vẫn còn tồn tại dai dẳng. (Minh họa của Rosie James trên UNFPA) |
Tất cả phụ nữ và trẻ em gái thuộc các nhóm khuyết tật, người di cư và tị nạn và dân tộc thiểu số, cộng đồng LGBTQIA+, người bị nhiễm HIV và các nhóm thiệt thòi khác đều phải đương đầu với nhiều rủi ro về SKTD-SKSS hơn và bất bình đẳng trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc SKTD-SKSS.
Khả năng dễ bị tổn thương của họ sẽ trở nên trầm trọng hơn dưới tác động của biến đổi khí hậu, khủng hoảng nhân đạo và di cư tràn lan, gây ra những hệ lụy khác nhau cho những phụ nữ bị lãng quên trong xã hội.
Ngoài ra, còn có một thực tế nhức nhối rằng, rất nhiều phụ nữ và trẻ em gái không thể tiếp cận các biện pháp tránh thai, các dịch vụ sinh đẻ an toàn, không nhận được các dịch vụ chăm sóc bà mẹ và các dịch vụ SKTD-SKSS cơ bản khác một cách tôn trọng.
Những tiến bộ bị đe dọa
Những dữ liệu đáng suy ngẫm trên được đưa ra trong bối cảnh năm 2024, đánh dấu tròn 30 năm diễn ra Hội nghị Quốc tế về dân số và phát triển tổ chức tại Cairo, Ai Cập, nơi mà 179 chính phủ tham gia đã cam kết đưa nội dung SKTD-SKSS và các quyền tương ứng vào trung tâm của phát triển bền vững.
Giám đốc điều hành UNFPA, Tiến sĩ Natalia Kanem, cho hay: “Chúng ta đã giảm gần 1/5 tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn, đã giảm 1/3 tỷ lệ tử vong người mẹ và hơn 160 quốc gia đã có những luật pháp chống bạo lực gia đình”.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ đã đạt được, bất bình đẳng trong các xã hội và trong hệ thống y tế vẫn còn rất lớn.
Lưu ý rằng thế giới chưa thực sự dành ưu tiên cho những người bị bỏ lại phía sau, theo Tiến sĩ Kanem, công việc của chúng ta “chưa hoàn thành nhưng không có nghĩa là không thể đạt được nếu có đầu tư bền vững và đoàn kết toàn cầu”.
Báo cáo của UNFPA chỉ ra tầm quan trọng của việc thiết kế những chương trình đáp ứng nhu cầu của cộng đồng – thay vì hướng tiếp cận tràn lan, áp dụng cho mọi trường hợp – và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái để họ có thể đưa ra và thực hiện các giải pháp sáng tạo.
Theo tài liêu, nếu chúng ta đầu tư thêm 79 tỷ USD vào các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình đến năm 2030, chúng ta sẽ ngăn chặn được 400 triệu trường hợp mang thai ngoài ý muốn, cứu được 1 triệu sinh mạng và tạo 660 tỷ USD từ lợi ích kinh tế.