Lộ trình đi như thế này: 7h30 lên xe tại Bến xe An Sương (là một trong 4 bến xe lớn ở TP.HCM, ở quận 12). Xe chạy cà rịch cà tang và tới Bến xe miền Đông mới (Thủ Đức) lúc gần 9h30. Đây mới là bến chính và hoá ra tôi lên xe ở bến An Sương kiểu như xe trung chuyển. Sau đó mới chính thức đi Phan Rang.
Từ Thủ Đức, xe đi vào cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây – Phan Thiết. Chắc mẩm là đi tuyến này thì chừng 4 tiếng đồng hồ sau có mặt Phan Rang. Nhưng không, tới Phan Thiết là xe bắt đầu trả khách từ từ. Cứ vài cây số, vài ba chục cây số thả xuống vài người, không khác gì xe đò ngày xưa.
Trạm dừng nghỉ thì quá tệ, suất ăn từ 50 – 60 ngàn đồng nhưng rất lèo tèo. Nhà vệ sinh dơ. Cũng hãng xe này nhưng tuyến đi miền Tây hoặc Đà Lạt thì đỡ hơn, xe không lóc cóc bỏ khách dọc đường và trạm dừng nghỉ cũng chất lượng hơn, sạch sẽ hơn.
Tôi không hiểu vì sao nhà xe của một hãng thương hiệu bậc nhất nước lại làm ăn như thế, nên gọi cho ông Tổng giám đốc điều hành. Ông cũng chỉ “cảm ơn và xin ghi nhận để điều chỉnh”.
Chắc họ cũng có những cái khó trong việc vừa phục vụ số đông, vừa phải có lãi và vừa đóng thuế. Chưa nói là một số bất hợp lý về luồng tuyến, bến bãi… mà thân phận doanh nghiệp họ thường vì tế nhị cũng không dám lên tiếng.
Nhưng nói gì thì nói, rất khó chấp nhận kiểu dịch vụ vận chuyển đi 350km mà mất tới 8 tiếng đồng hồ liên tục như vậy, ở thời buổi tốc độ cao và đã có đường cao tốc như hiện nay. 8 tiếng tức mất nguyên 1 ngày làm việc.
Với tình trạng đường sá trên quốc lộ 1 (QL1) và dịch vụ như vậy, thì 30/4 tới đây, khi đoạn cao tốc Cam Lâm – Vĩnh Hảo nối thông toàn tuyến từ TP.HCM đi Nha Trang sẽ là tin vui với rất nhiều người.
Lúc đó, nếu đi xe cá nhân và chọn tuyến cao tốc, sẽ chỉ mất 5 giờ, giảm gần ½ thời gian so với đi xe khách thương hiệu (vì họ thường chọn đi QL1 để đón, trả khách).
Đến nay 17/4, trên tuyến Cam Lam – Vĩnh Hảo đã gần như hoàn tất toàn bộ công tác thi công, chỉ còn đang làm bổ sung các biển chỉ dẫn và hoàn thiện phần việc nhỏ ở các nút giao. Hai nhà đầu tư Tập đoàn Đèo Cả và Công ty 194 thở phào sau hơn 30 tháng thi công hết tốc lực, vượt qua bão giá và dịch bệnh.
Ngày 30/4 và 1/5 này, du khách ở hai đầu TP.HCM – Nha Trang đã có thể đi lại nhanh chóng, không tốn thời gian so với đi máy bay là bao nhiêu, chỉ 5 giờ so với đi máy bay phải 4 giờ (2 giờ di chuyển đến sân bay ở hai đầu, ngồi nhà chờ, 1 giờ bay, 45 phút đi từ Cam Ranh đến Nha Trang).
Khi cao tốc nối thông thì người dân, doanh nghiệp có thêm sự lựa chọn. Đó là nguyên tắc công bằng. Đi cao tốc bằng xe cá nhân hay xe khách đều phải mất chi phí cao hơn (sau này khi thu phí), bù lại nhanh chóng, tiện lợi.
Với doanh nghiệp logistics, họ sẽ cân nhắc hơn vì liên quan đến phí cao tốc. Tuy nhiên ít tiêu tốn thời gian, ít hao mòn máy móc và xăng dầu lợi hơn cũng là điều để họ tính toán.
Nói chung, đến 30/4 này, ở phía Nam, từ Nha Trang có thể đi thẳng một mạch Cần Thơ đều bằng cao tốc. Hai, ba năm trước chẳng ai dám tin điều này, bởi chỉ có 51km cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận làm 10 năm cũng chỉ là những miếng vá nham nhở, khởi công tới… 3 lần.
Vậy mà tốc độ sau đó đẩy lên rùng rùng; nhà thầu, chủ đầu tư nào yếu kém là bị điều chuyển. Có dự án, các nhà thầu tương trợ nhau, hỗ trợ nhau về đích, là chuyện xưa nay hiếm. Tốc độ hoàn thành các đoạn cao tốc trên khắp cả nước chuyển biến rất rõ và đem lại lợi ích cho sự phát triển là vô cùng to lớn.
Cao tốc có vai trò của cao tốc. QL1 có vai trò của QL1. Dù già nua nhưng QL1 có sứ mạng không thể thay thế của mình. Các doanh nghiệp đang hoạt động và làm dịch vụ trên tuyến này, chỉ cần điều chỉnh dịch vụ theo hướng tốt hơn thì cũng phục vụ được cho nhiều người với phân khúc riêng của mình.
Và có 2 con đường song song để chia sẻ cho nhau thì chắc chắn hoạt động kinh tế, xã hội của đất nước càng thêm trôi chảy, chứ không để khách đi xe mất 8 tiếng đồng hồ kỳ cạch 350km khổ ải như cái cảnh đang diễn ra hàng ngày hiện nay.