Litva (Lithuania) vừa ký một ý định thư với Rheinmetall khi gã khổng lồ công nghiệp quốc phòng Đức đang có kế hoạch xây dựng một nhà máy sản xuất đạn dược ở quốc gia vùng Baltic.
Thông tin trên được Bộ trưởng Kinh tế và Đổi mới Litva Ausrine Armonaite công bố hôm 16/4. Theo bà Armonaite, khoản đầu tư của Rheinmetall sẽ là một trong những khoản đầu tư lớn nhất trong lịch sử Litva.
“Nó sẽ thúc đẩy ngành công nghiệp, nền kinh tế của chúng tôi và an ninh khu vực”, vị Bộ trưởng cho biết tại một cuộc họp báo ở thủ đô Vilnius. “Chúng tôi đang thu hút một khoản đầu tư sẽ tạo ra lợi nhuận và giúp chúng tôi đảm bảo quyền tự chủ trong việc mua sắm vũ khí”, bà bổ sung.
Các cuộc đàm phán đã bắt đầu để đạt được một thỏa thuận đầu tư chi tiết, Reuters cho biết. Litva dự kiến các phần việc chính, bao gồm xây dựng nhà máy sản xuất đạn pháo 155 mm tiêu chuẩn NATO, sẽ bắt đầu vào cuối năm nay, tờ Baltic Times đưa tin.
Khoản đầu tư này được đưa ra sau quyết định của Chính phủ Đức nhằm tăng quân số thường trực tại quốc gia vùng Baltic lên khoảng 5.000 người trong vòng 3 năm.
Litva đã chi 2,8% GDP cho quốc phòng vào năm 2023 và dự kiến sẽ chi tiêu tương tự trong năm nay. Hơn thế nữa, Chính phủ Litva hồi tháng 3 cho biết, họ có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng lên ít nhất 3% GDP từ năm 2025 trở đi.
Cũng tại cuộc họp báo ở Vilnius hôm 16/4, Thủ tướng Litva Ingrida Simonyte nói với các phóng viên rằng mọi dự án củng cố và mở rộng năng lực của ngành công nghiệp quốc phòng châu Âu đều là một bước tiến quan trọng.
“Tôi không nghi ngờ gì rằng dự án này cũng sẽ đóng góp đáng kể vào sáng kiến của châu Âu để tất cả chúng ta cảm thấy an toàn hơn…”, Thủ tướng Simonyte nói.
Đức cũng là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Litva. Quốc gia Baltic đã mua pháo tự hành bánh xích Panzerhaubitze 2000 (còn gọi là PzH 2000) do tập đoàn Krauss-Maffei Wegmann (KMW) và Rheinmetall hợp tác phát triển. PzH 2000 sử dụng đạn pháo cỡ 155 mm theo tiêu chuẩn NATO.
Bộ trưởng Quốc phòng Litva Laurynas Kasciunas cho biết, cuộc chiến Nga-Ukraine cho thấy tầm quan trọng của việc có nguồn cung đạn dược độc lập.
“Một trong những bài học chính từ cuộc chiến ở Ukraine: Việc sản xuất đạn dược tại địa phương là lợi ích an ninh quốc gia quan trọng”, Bloomberg dẫn lời ông Kasciunas phát biểu trong cuộc họp báo. “Đây là điều chúng tôi hướng tới trong nhiều năm và nó đang trở thành hiện thực”.
Minh Đức (Theo Anadolu, Kyiv Post, Bloomberg)