Được xác định là lĩnh vực mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông nghiệp, TP Móng Cái đã đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường (BVMT), đầu tư nâng cấp hạ tầng các vùng nuôi tập trung; quản lý quy hoạch các vùng nuôi đồng thời xử lý dứt điểm tình trạng nuôi trồng thủy sản (NTTS) trái phép, ngoài quy hoạch… hướng tới phát triển thủy sản bền vững.
Ứng dụng khoa học công nghệ trong nuôi tôm
Với diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ được quy hoạch hơn 1.800ha, trong đó chủ yếu là diện tích nuôi tôm thẻ chân trắng, TP Móng Cái đặc biệt quan tâm đến việc đầu tư hạ tầng cho các vùng NTTS tập trung. Đến nay, 11/12 xã, phường có diện tích nuôi tôm tại Móng Cái đã hình thành các vùng NTTS tập trung ứng dụng công nghệ nuôi mới, tiên tiến, cho hiệu quả kinh tế cao.
Đồng thời, Móng Cái cũng đặc biệt quan tâm đến công tác BVMT trong hoạt động sản xuất nông nghiệp nói chung, NTTS nói riêng. Thành phố chỉ đạo thực hiện nghiêm công tác đảm bảo môi trường đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh phải thực hiện các điều kiện để BVMT. Trong đó, ủy quyền cho các xã, phường phê duyệt kế hoạch BVMT đối với các hộ có diện tích NTTS lớn hơn 5.000m2 và nhỏ hơn 10ha.
Theo đó, từ năm 2018 đến nay, 100% hộ NTTS trên địa bàn các xã, phường đã được phê duyệt kế hoạch BVMT với bình quân hơn 5.400 hộ nuôi mỗi năm. Các cơ sở sản xuất kinh doanh, NTTS đều tuân thủ quy định về BVMT, thực hiện việc thu gom và xử lý chất thải đúng nơi quy định. Hiện nay, trên các cánh đồng sản xuất nông nghiệp, các xã, phường đã xây dựng được 45 điểm thu gom, chứa bao bì, vỏ chai thuốc bảo vệ thực vật và định kỳ xử lý tiêu hủy theo quy định.
Là một trong số những hộ nuôi tôm theo hình thức công nghiệp từ rất sớm, cơ sở nuôi tôm diện tích 7,2ha của gia đình ông Bùi Văn Trình, thôn Đông, xã Vạn Ninh được đầu tư bài bản với kinh phí hàng chục tỷ đồng quy trình tiên tiến, thân thiện với môi trường được áp dụng.
Mặc dù mới chỉ mới “hồi phục” một phần sau đại dịch Covid-19, vụ nuôi này, ông Trình đã mạnh dạn thả hơn 120 vạn giống cho 7/7 ao nuôi. Ông Trình cho biết: Đến nay, tôi đã thả hơn 60 vạn giống tôm thẻ chân trắng tại 3 ao nuôi. Toàn bộ quy trình nuôi tôm được áp dụng theo tiêu chuẩn VietGAP, đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo quy định về an toàn trong lĩnh vực thủy sản. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước, thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ, nước tuần hoàn qua các khâu nuôi, xử lý và thu gom nước thải, hạn chế việc thay nước trong ao nên 1 năm người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ. Cùng với công nghệ tuần hoàn nước, tôi cũng đã lắp đặt hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường tại toàn bộ các ao nuôi để kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh.
Không chỉ gia đình ông Trình ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến trong nuôi tôm công nghiệp, xã Vạn Ninh đã hình thành 3 vùng NTTS tập trung với diện tích quy hoạch 450ha.
Ông Bùi Sơn Trường, Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Ninh, cho biết: Tổng diện tích thả nuôi tôm hàng năm của xã đạt 315ha với sản lượng bình quân đạt 750 tấn tôm thương phẩm; doanh thu bình quân đạt 75 tỷ đồng mỗi năm, trong đó lợi nhuận hàng năm đạt 30 tỷ đồng, góp phần nâng cao thu nhập đời sống của các hộ NTTS. Từ năm 2018, UBND xã đã tổ chức cho 170/170 hộ NTTS ký cam kết bảo vệ môi trường. Hàng năm, xã chủ động phối hợp với Chi cục thuỷ sản (Sở NN&PTNT) lấy mẫu giám sát ATTP không phát hiện chất cấm sử dụng trong quá trình nuôi. Hiện nay, trên địa bàn xã có 10 hộ nuôi hàu hà với tổng diện tích 1,2ha, gồm 55 lồng bè với 830 phao xốp. Đến nay, 10/10 hộ đã thực hiện chuyển đổi phao xốp với 368 phao nhựa đã được thay thế.
Để tăng cường công tác BVMT trong NTTS, xã Vạn Ninh cũng đã hình thành 3 chuỗi liên kết nuôi tôm công nghệ cao. Các chuỗi liên kết sản xuất trên địa bàn đều đảm bảo quy trình khép kín từ con giống, thức ăn đến sản xuất và bao tiêu sản phẩm. Các đại lý thức ăn thực hiện cung cấp giống, thức ăn, vật tư cho các hộ nuôi sau đó thực hiện hướng dẫn, theo dõi quy trình sản xuất. Khi tôm đạt kích thước thương phẩm đủ tiêu chuẩn xuất bán, các đại lý kiểm tra đánh giá, phân loại tôm và liên kết thu mua, bao tiêu sản phẩm.
Còn tại phường Hải Hòa – Vùng nuôi tôm lớn nhất của TP Móng Cái, mặc dù hoạt động NTTS tại đây chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, nhưng ngay từ khi mới “phục hồi”, hơn 200 hộ nuôi tại phường luôn đặc biệt quan tâm đến việc ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường để nuôi tôm bền vững.
Là một trong số những cơ sở nuôi tôm công nghiệp với quy mô lớn, công nghệ nuôi tiên tiến tại Móng Cái, ông Bùi Ngọc Liêm, khu 9, phường Hải Hoà nhớ như in những bài học “nhớ đời” của những đợt dịch bệnh đối với nghề nuôi mà theo ông Liêm, phần lớn nguyên nhân của dịch bệnh đều xuất phát từ yếu tố môi trường nuôi, kiểm soát dịch bệnh.
Triển khai vụ nuôi này, ông Liêm vẫn kiên trì với công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX – một sản phẩm của Mỹ được Hội Nông dân tỉnh triển khai thử nghiệm tại một số cơ sở nuôi tôm trong tỉnh từ nhiều năm qua. Ông Liêm cho biết: “Hạ tầng khu nuôi tôm rộng 6,5ha của gia đình được đầu tư đến thời điểm này đã lên tới hơn 80 tỷ đồng. Hiện nay, toàn bộ diện tích nuôi tôm của gia đình đều đảm bảo các chỉ tiêu, tiêu chí theo tiêu chuẩn VietGAP. Vụ nuôi này, gia đình tôi dự kiến thả nuôi khoảng 4ha. Tuy nhiên, trước đó do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên đến nay, tôi mới thả nuôi hơn 50 vạn tôm giống trên diện tích hơn 2ha”.
Cùng với công nghệ nuôi sử dụng vi sinh BOX, toàn bộ ao nuôi của cơ sở đang ứng dụng công nghệ nuôi tuần hoàn nước do Sở KH&CN triển khai. Đây là công nghệ nuôi được các nhà chuyên môn đánh giá cao. Với công nghệ này, việc ươm giống chỉ mất thời gian 1 tháng và thời gian nuôi chỉ 2 tháng/vụ, giúp người nuôi tôm có thể nuôi từ 3-4 vụ/năm. Với công nghệ nuôi tuần hoàn nước và hệ thống cảnh báo, quan trắc môi trường được lắp đặt tại toàn bộ các ao nuôi, người nuôi tôm có thể kiểm soát được môi trường nước, tình hình dịch bệnh mọi lúc, mọi nơi, giảm thiểu rủi ro về dịch bệnh trong nghề nuôi.
Ông Lê Văn Khanh, Phó Chủ tịch UBND phường Hải Hòa, cho biết: Phường Hải Hòa có hơn 200 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng với diện tích hơn 300 ha. Từ năm 2017, trên địa bàn phường đã thành lập các chi hội NTTS. Ngoài việc hỗ trợ nhau về kỹ thuật, kinh nghiệm, vật tư trong nghề nuôi, các thành viên của chi hội quy định nghiêm ngặt với nhau về việc thu gom xử lý chế phẩm, rác thải, bao bì trong quá trình nuôi; quy trình xử lý ao tôm khi mắc dịch bệnh… Toàn bộ các hộ nuôi đều ký cam kết bảo vệ môi trường với các nội dung chủ yếu, như: Không sử dụng thuốc thú y thủy sản, hóa chất đã hết hạn sử dụng hoặc ngoài danh mục cho phép trong NTTS; không xây dựng khu NTTS tập trung trên bãi bồi đang hình thành vùng cửa sông ven biển; không phá rừng ngập mặn để NTTS. Thực hiện quy hoạch ao nuôi đảm bảo các quy định về bảo vệ môi trường trong đó yêu cầu bắt buộc tỷ lệ ao chứa, xử lý nước thải chiếm tỷ lệ 20% trên tổng diện nuôi trồng. Yêu cầu các hộ thực hiện nghiêm túc việc xả thải, xử lý nước thải trước khi thải trực tiếp ra môi trường, đặc biệt cấm xả thải đối với các ô nuôi, khu nuôi đang bị dịch bệnh. Đối với 38 hộ nuôi thủy sản lồng bè với 144 bè, phường đã quản lý chặt chẽ đối với quy hoạch và tuyên truyền, vận động các hộ nuôi thực hiện chuyển đổi phao xốp sang các vật liệu nổi theo quy định.
Tăng cường quản lý quy hoạch và chuyển đổi vật liệu nổi trong NTTS
Nhằm khai thác thế mạnh NTTS, TP Móng Cái đã tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý nhà nước về quy hoạch đối với lĩnh vực thủy sản. Tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật các vùng nuôi; thu hút nguồn lực đầu tư từ các thành phần kinh tế vào NTTS; đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật và BVMT trong hoạt động NTTS.
Ngày 12/6/2018, UBND TP Móng Cái đã ban hành Quyết định số 2599/QĐ-UBND về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết vùng NTTS tập trung TP Móng Cái đến năm 2020, tầm nhìn 2030 và chỉ đạo các cơ quan, đơn vị hoàn thành việc cắm mốc các vùng NTTS tập trung trên địa bàn các xã, phường. Tổng diện tích đất, mặt nước phân bổ cho vùng NTTS tập trung đến năm 2030 của thành phố là 2.278,7ha, gồm: Đất ao đầm nước lợ 1.877,7ha; nuôi mặt nước biển (nuôi biển) 260ha; nuôi bãi triều 141ha.
TP Móng Cái chỉ đạo các xã phường trong vùng quy hoạch tổ chức niêm yết công khai Quy hoạch chi tiết vùng NTTS tập trung; quản lý chặt chẽ quy hoạch, đất đai, tài nguyên môi trường; Thông báo cho các cơ sở NTTS trên địa bàn quản lý về chủ trương của thành phố trong công tác quản lý, sử dụng bãi triều, mặt nước biển và đối tượng nuôi; Thực hiện rà soát, xử lý dứt điểm các cơ sở nuôi không phép, không đúng quy hoạch, ảnh hưởng đến luồng lạch, giao thông đường thủy; Ký cam kết đối với các cơ sở NTTS không thả giống tại các khu vực không đúng quy hoạch, chưa được cấp có thẩm quyền giao, cho thuê đất, mặt nước; Không để phát sinh các trường hợp NTTS không phép, không đúng quy hoạch trên địa bàn quản lý.
Đồng thời, thành phố cũng chỉ đạo các xã, phường tổ chức rà soát hiện trạng sử dụng đất, mặt nước tại các vị trí quy hoạch, cập nhật, bổ sung vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của thành phố để làm căn cứ thực hiện giao đất, cho thuê đất, mặt nước biển NTTS theo quy định.
Theo đó, công tác quản lý đất, mặt nước biển NTTS trên địa bàn TP Móng Cái đã từng bước đi vào nền nếp; việc rà soát hoạt động NTTS được chỉ đạo thực hiện thường xuyên đã góp phần cho việc quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên biển ngày càng hiệu quả hơn.
Địa phương đã quyết liệt chỉ đạo, thực hiện công tác di dời, giải tỏa, xử lý những cơ sở NTTS trái phép, không đúng quy hoạch, ảnh hưởng đến ATGT đường thủy. Từ đầu tháng 4/2023, Móng Cái đã triển khai đợt cao điểm thực hiện di dời, giải tỏa các trường hợp NTTS không theo quy hoạch; thu gom, xử lý vật liệu NTTS thải bỏ trên biển.
Qua thống kê, trên địa bàn các xã, phường có 46 hộ dân với 182 giàn bè đang nuôi thủy sản ngoài khu vực quy hoạch. Theo kế hoạch của thành phố, các cơ sở, hộ gia đình NTTS trên biển không đúng quy hoạch trên biển sẽ phải tự nguyện di dời, tháo dỡ, thu gom các bè, mảng, phao, dây nuôi hàu. Đến trước ngày 30/4, những trường hợp không chấp hành việc di dời, tháo dỡ, thu gom tại các khu vực luồng thủy nội địa, không đúng quy hoạch đã phê duyệt, địa phương sẽ thực hiện cưỡng chế.
TP Móng Cái hiện đang tích cực triển khai công tác chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương trong NTTS trên biển. Trong tổng số lượng phao cần chuyển đổi là 54.616 phao, đến nay đã thay thế được 9.995 phao, đạt 18,3%.
Ông Lê Văn Cường, Trưởng phòng Kinh tế TP Móng Cái, cho biết: Hiện nay, tiến độ thay thế phao xốp sang phao nhựa đạt quy chuẩn trên địa bàn còn thấp, chưa đạt kế hoạch đề ra do đặc thù nuôi biển trên địa bàn với phương thức nuôi, hình thức nuôi, quy cách, vật liệu làm lồng, bè nuôi có những đặc trưng riêng do đó đòi hỏi tiêu chuẩn, quy chuẩn về phao nhựa theo quy chuẩn địa phương có kích thước, thể tích lớn hơn các địa phương khác để phù hợp với hình thức nuôi. Trong các đơn vị đã được công bố hợp quy về vật liệu nổi trong NTTS phù hợp theo quy chuẩn địa phương của tỉnh thì phần lớn đều sản xuất các loại phao nhựa loại nhỏ, không phù hợp với loại hình nuôi biển tại Móng Cái. Hiện tại, mới có Công ty TNHH thương mại XNK Vỹ Tuyến có cung cấp loại phao nhựa kích thước lớn đáp ứng được yêu cầu. Trong quá trình thay thế, lắp đặt gặp một số vấn đề về chất lượng sản phẩm của phao nhựa. Từ tháng 8/2022 nguồn cung cấp phao nhựa bị gián đoạn do nhà xuởng của công ty này bị cháy. Kinh phí thay thế, lắp đặt vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương trong NTTS trên biển lớn, giá thành cao dẫn đến tình trạng người dân chần chừ trong việc thay thế vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương.
Để triển khai có hiệu quả công tác chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương trong NTTS trên biển trong thời gian tới TP Móng Cái tiếp tục chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, UBND các xã, phường phối hợp với các đơn vị cung cấp vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương đã được công bố hợp quy để lắp đặt những mô hình thử nghiệm tại các khu vực quy hoạch NTTS trên biển để đánh giá tiêu chuẩn, chất lượng và thông tin cho các cơ sở NTTS trên biển biết, liên hệ thay thế. Dự kiến hoàn thành kế hoạch thay thế chuyển đổi vật liệu nổi theo quy chuẩn địa phương trong năm 2023.