Theo ghi nhận từ báo cáo của UOB, tỷ giá USD/VND cuối phiên ngày 16.4 chạm ngưỡng 25.176 VND, tăng 0.58% so với phiên ngày trước đó kéo theo sự tăng mạnh về giá USD của các ngân hàng thương mại.
Ghi nhận chiều ngày 16.4, BIDV công bố mức giá mua bán USD lên đến 25.036 – 25.346, tăng gần 47 đồng cả chiều mua và chiều bán so với phiên ngày 15.4.
Techcombank công bố giá mua – bán USD đạt mức 25.082 – 25.348 đồng/USD, tăng 85 đồng chiều mua và 48 đồng chiều bán so với phiên ngày 15.4.
Agribank niêm yết tỷ giá mua – bán USD chạm 25.030 – 25.348 đồng/USD. Vietcombank mua vào USD với mức giá 24.978 đồng và bán ra với mức 25.348 đồng, đây là mức giá niêm yết cao nhất từng được ghi nhận tại ngân hàng này.
Theo đó, đây là phiên thứ hai liên tiếp giá USD bán ra ở các ngân hàng chạm trần tạo ra áp lực rất lớn lên tỷ giá thị trường ngoại tệ.
Theo đại diện nhóm nghiên cứu BIDV trong Hội thảo tham vấn ý kiến đối với báo cáo “Thị trường tài chính Việt Nam 2023 và triển vọng 2024”, nguyên nhân chính khiến cho tỷ giá USD/VND luôn duy trì ở mức cao trong thời điểm này là do thanh khoản hệ thống ngân hàng dồi dào và lãi suất giảm. Tuy vậy, nhóm nghiên cứu đánh giá tỷ giá sẽ tăng nhưng vẫn nằm trong mức kiểm soát (2.6%) nhờ các biện pháp can thiệp kịp thời của Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Trong diễn biến thị trường thế giới, tỷ giá USD tiếp tục tăng cao do nhu cầu dự trữ trong bối cảnh tình hình chính trị căng thẳng gia tăng ở khu vực Trung Đông, theo UOB.
Tại thời điểm này, khi FED tiếp tục cân nhắc về việc hạ lãi suất và nhu cầu ngoại tệ cho xuất nhập khẩu tiếp tục tăng cao, tỷ giá USD/VND sẽ chưa thể hạ nhiệt ngay.
Theo ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành Khối Kinh doanh Tiền tệ, Ngân hàng UOB Việt Nam, tỷ giá USD sẽ tiếp tục có nhiều biến động do kế hoạch tăng lãi suất của FED vẫn chưa chắc chắn. Tỷ giá có khả năng phục hồi vào cuối năm sau khi FED có thể đã tiếp tục giảm lãi suất.
Trên thị trường tự do, ghi nhận ngày 16.4, giá USD đang ở mức 25.470 – 25.600 VNĐ lần lượt ở chiều mua vào và bán ra, tăng 20 đồng ở chiều mua và 50 đồng ở chiều bán so với phiên liền trước.
Theo các chuyên gia tài chính, hiện thị trường vàng đang thiếu nguồn cùng, giá mua – bán vàng trong nước chênh lệch lớn. Điều này dễ xuất hiện tình trạng đầu cơ, nhập lậu vàng, đẩy giá USD tự do tăng cao.
Đáng nói khi giá USD tự do tăng cao, các nhà nhập khẩu cũng có xu hướng mua USD nhiều và vô tình đẩy giá USD trong ngân hàng tăng cao hơn.
Trong báo cáo vĩ mô tiền tệ tháng 4.2024 vừa công bố, WiResearch đánh giá tỷ giá tháng 3 tiếp tục ghi nhận những áp lực khi tỷ giá ở thị trường tự do đã tăng vượt mức đỉnh lịch sử vào đầu tháng, sau đó dao động quanh vùng đỉnh lịch sử.
Ngoài yếu tố từ FED, nhóm phân tích cho rằng nguyên nhân chủ yếu cũng từ chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới.
Để giảm bớt áp lực tỷ giá, vừa qua NHNN đã phát hành tín phiếu nhằm hút bớt thanh khoản ra khỏi thị trường. Tuy nhiên, hiệu quả của biện pháp này có thể chưa được như kỳ vọng do nhiều yếu tố phức tạp, khó lường khác cả trên thị trường quốc tế lẫn trong nước đang tác động đến tỷ giá.
Theo đó, trong tháng qua, NHNN đã tổ chức phiên chào thầu trên kênh cầm cố với kỳ hạn 7 ngày và lãi suất 4.0%.
Tuy nhiên, không có khối lượng trúng thầu, không còn khối lượng lưu hành trên thị trường.
Đồng thời, NHNN đã thực hiện hoạt động hút ròng liên tục trong 15 phiên từ ngày 11-29.3 với tổng khối lượng 171,2 nghìn tỉ đồng và kỳ hạn 28 ngày.
Mức lãi suất trúng thầu dao động từ 1,32-2,5%. Mục tiêu của hoạt động này là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn.