Phụ huynh lo đường đến trường xa sau khi sáp nhập
Những ngày qua, do chưa đồng thuận sáp nhập điểm trường lẻ Thanh Nam của Trường tiểu học xã Ngọc Sơn, huyện Thanh Chương, Nghệ An về điểm trường chính, nên một số phụ huynh đang cho con nghỉ học.
Trong hai ngày 12 và 15-4, có khoảng 20 học sinh và nhiều phụ huynh vượt hơn 40km xuống đứng trước trụ sở UBND tỉnh Nghệ An ở đường Trường Thi, TP Vinh để kiến nghị duy trì điểm trường lẻ như lâu nay.
Thông tin từ các phụ huynh chưa đồng thuận chủ trương sáp nhập trường cho rằng điểm trường chính xa, việc đưa đón con hết sức vất vả do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, đều có người đi làm ăn xa.
Phụ huynh mong mỏi sẽ xã hội hóa xây dựng lại điểm trường lẻ Thanh Nam để con em được học gần nhà hơn.
Liên quan đến các kiến nghị của phụ huynh, ông Thái Văn An – chủ tịch UBND xã Ngọc Sơn – cho biết điểm trường lẻ Thanh Nam có 5 lớp học với 159 học sinh, xây dựng từ năm 1976 đến nay đã xuống cấp.
Không gian trong các lớp học ẩm mốc, thiếu ánh sáng và ẩm thấp, không đảm bảo việc dạy học.
Vào năm 2022, Đảng ủy và UBND xã Ngọc Sơn ban hành kế hoạch về sáp nhập điểm trường Thanh Nam về điểm trường chính.
Đến tháng 8-2023, khi đưa ra lộ trình sáp nhập, lãnh đạo xã Ngọc Sơn, đại diện trường tiểu học và mầm non xã, ban vận động đã có cuộc họp làm việc với người dân 3 xóm có học sinh học tại điểm trường lẻ Thanh Nam để lắng nghe các tâm tư, nguyện vọng và đề xuất của phụ huynh.
Theo ông An, để chuẩn bị đón học sinh về điểm trường chính, từ tháng 7-2023, UBND huyện, UBND xã Ngọc Sơn đã tập trung nguồn lực đầu tư, huy động nguồn vận động tài trợ xã hội hóa giáo dục để nâng cấp cơ sở vật chất, mua sắm bổ sung trang thiết bị dạy học.
Qua đó, đã xây mới 6 phòng học, sân, bờ rào, cổng trường, cải tạo nâng cấp văn phòng, 5 phòng chức năng; mua mới 30 máy vi tính, 11 tivi, 70 bộ bàn ghế, xây dựng sân cỏ nhân tạo. Tổng giá trị đầu tư cho các dự án này hơn 8,8 tỉ đồng.
Tuy nhiên, ngày 10-4, việc sáp nhập chính thức được thực hiện thì có 28 học sinh chưa đi học do nhiều phụ huynh phản đối với lý do như đường xa.
“Khoảng cách từ các xóm có con ở điểm lẻ đến điểm trường chính xa nhất chỉ 3km, gần hơn so với nhiều xóm khác trong xã. Việc di chuyển cũng dễ dàng vì ngoài quốc lộ 46 thì còn ba trục đường bê tông khác trong xóm thuận lợi cho phụ huynh đưa con đi học”, ông An nói.
Môi trường học tập tốt hơn cho học sinh
Ông Bùi Xuân Ân – hiệu trưởng Trường tiểu học Ngọc Sơn – cho hay: “Khi sáp nhập điểm trường lẻ về điểm trường chính, điều mong muốn lớn nhất của chúng tôi là để các em có môi trường học tập tốt hơn, các em được đảm bảo an toàn, nhất là mùa mưa bão. Nhà trường sẽ tiếp tục vận động phụ huynh cho con em đến trường, tránh để các em bị thiệt thòi”.
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trình Văn Nhã – chủ tịch UBND huyện Thanh Chương – cho biết: Việc sáp nhập điểm trường, sáp nhập trường nhằm tạo môi trường học tập tốt hơn, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đây cũng là chủ trương của huyện, của xã đã được thông qua và được đa số người dân ủng hộ.
Nếu phản đối việc sáp nhập, không cho học sinh đến trường là vi phạm quyền trẻ em, quyền được giáo dục, được học tập của trẻ em. Huyện sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân cho con em đến trường”.
Năm học 2024-2025, ngoài sáp nhập điểm Trường tiểu học Thanh Nam, huyện Thanh Chương cũng đã sáp nhập thêm 4 điểm trường khác, trong đó có 3 điểm trường tiểu học và một điểm trường mầm non của xã Ngọc Sơn.
Nghệ An đã sáp nhập nhiều điểm trường
Tại Nghệ An, năm 2014 người dân xã Quang Sơn, huyện Đô Lương cho con nghỉ học để phản đối việc sáp nhập điểm trường lẻ làng Vân Hà về trường chính tiểu học xã Quang Sơn.
Đầu tháng 9-2022, hàng trăm phụ huynh xã Khai Sơn, huyện Anh Sơn cũng không cho con đến trường để yêu cầu lãnh đạo địa phương, nhà trường giải quyết việc họ phản đối sáp nhập hai trường THCS Lạng Sơn và THCS Khai Sơn thành Trường THCS Khai Lạng.
Chính quyền địa phương sau đó đã tổ chức nhiều buổi đối thoại với phụ huynh, tìm giải pháp đưa học sinh tới trường trở lại.