Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang trong chuyến công du 3 ngày tới Trung Quốc, với đỉnh cao là cuộc gặp giữa người đứng đầu Chính phủ của quốc gia Tây Âu và nhà lãnh đạo cao nhất của quốc gia Đông Á hôm 16/4.
Trong những bình luận được đưa ra vào lúc bắt đầu cuộc gặp của ông với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (Xi Jinping), ông Scholz đã cảnh báo rằng cuộc chiến đang diễn ở Ukraine có nguy cơ làm tổn hại đến “toàn bộ trật tự quốc tế”.
Trong cuộc hội đàm tại nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh hôm 16/4, Thủ tướng Đức cũng cho biết, ông hy vọng Berlin và Bắc Kinh có thể thảo luận về cách để đóng góp nhiều hơn cho nền hòa bình ở Ukraine.
Trong khi Trung Quốc tuyên bố rằng họ là một bên trung lập trong cuộc xung đột.
Ông Scholz hôm 16/4 cũng nói với ông Tập rằng “cuộc chiến của Nga ở Ukraine có tác động tiêu cực rất đáng kể đến an ninh ở châu Âu”, theo một đoạn ghi âm do Văn phòng Thủ tướng Đức công bố và AFP đưa tin.
Chuyến thăm này cũng là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Đức tới Trung Quốc kể từ khi Berlin đưa ra chiến lược “giảm thiểu rủi ro” của mình vào năm ngoái nhằm ngăn chặn Đức bị phụ thuộc quá chặt chẽ vào nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới.
Bình luận về quan hệ song phương, ông Tập cho biết, hợp tác giữa Trung Quốc và Đức không phải là rủi ro mà là sự đảm bảo cho mối quan hệ ổn định và cơ hội cho tương lai.
“Chúng ta phải xem xét và phát triển quan hệ song phương một cách toàn diện từ góc độ chiến lược và dài hạn”, ông Tập nói với ông Scholz. “(Đức và Trung Quốc) nên cảnh giác trước chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng, nhìn nhận vấn đề năng lực sản xuất một cách khách quan và biện chứng từ góc độ định hướng thị trường và toàn cầu”.
Các bình luận của ông Tập được đưa ra trong bối cảnh Liên minh châu Âu (EU), nơi Đức là một thành viên hàng đầu, phàn nàn về việc hàng hóa Trung Quốc tràn ngập thị trường của khối.
Việc Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất trong các lĩnh vực xanh như xe điện và tấm pin mặt trời đã gây ra tranh chấp thương mại với châu Âu và Mỹ, nơi những ngành công nghiệp này cũng nhận được sự hỗ trợ của chính phủ. Nhưng với 5.000 công ty Đức đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc, Đức có thể sẽ mất nhiều hơn so với nhiều đối tác châu Âu nếu xảy ra thương chiến và Bắc Kinh trả đũa EU.
Minh Đức (Theo Digital Journal, Reuters, NY Times)