Bà Huỳnh Thị Ngọc Loan (40 tuổi, phường 2, quận 8, TPHCM), chia sẻ bản thân bà được sinh ra và lớn lên trên kênh Tàu Hũ nên đã quá quen với chuyện sập nhà, gãy cột, sống giữa rác thải ngập dòng kênh bốc mùi nồng nặc.
Căn nhà nơi 2 vợ chồng bà và 2 con nhỏ sống ven kênh hiện cũng mục nát, mái tôn gỉ sét… chờ sập, cả gia đình luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ.
“Căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng, mái tôn nằm phơi nắng mưa cả chục năm, cũ kỹ, xập xệ… Dù nhiều lần thót tim khi nhà rung lắc, sụt chân vì những tấm ván lót sàn mục nát nhưng gia đình tôi không còn cách nào khác, vẫn phải ở đây.
Giờ mua nhà mới thì không đủ khả năng, thuê phòng trọ cũng chật chội mà thu nhập bấp bênh, sợ không duy trì được bao lâu”, bà Loan thở dài.
Cách nhà bà Loan không xa, bà Võ Thị Hoa (67 tuổi) cho biết, cả gia đình 7 mẹ con, bà cháu bà sống trong lo sợ giữa căn nhà tạm bợ lụp xụp chưa đến 10m2 ven kênh Tàu Hũ.
“Từ lúc sinh ra tôi đã sống ở đây nên việc nhà bị nghiêng, sập cột, cháy nổ… đều đã trải qua. Cuộc sống của tôi sao cũng được, chỉ mong con, cháu tôi sớm thoát khỏi cảnh sống sợ hãi này”, bà Hoa nói.
Chỉ tay vào căn nhà nhỏ xập xệ, bà Hoa cho biết, phần lớn căn nhà nằm trên mặt nước của kênh Tàu Hũ, dựng bằng những cây gỗ tràm đã bị mục nát.
Mỗi lúc triều cường dâng cao, dòng nước đen kịt đẩy rác thải dâng lên tràn vào nhà, ô nhiễm và việc đi lại, sinh hoạt rất khó khăn.
“Tôi nghe nói khu vực này sẽ giải tỏa mặt bằng nên rất hy vọng số tiền được đền bù đủ để mua một căn nhà nho nhỏ trên bờ hoặc một căn hộ nhà ở xã hội. Tôi rất mong sớm được giải tỏa để đưa gia đình đến nơi khác sống, con cháu không phải chịu cảnh thấp thỏm trốn chạy mỗi ngày”, bà Hoa nói thêm.
Ở một khu vực khác, ông Lê Văn Thành chỉ tay về khu vực bờ kênh Thanh Đa (phường 23, quận Bình Thạnh), vùng bị sạt lở nghiêm trọng rồi cho biết, nhiều năm nay 15 hộ dân ở đây luôn trong cảnh sống bất an.
“Người dân sống cạnh bờ kênh Thanh Đa vẫn chưa hết bàng hoàng vì thời gian gần đây nhiều ngôi nhà bỗng dưng xuất hiện những vết nứt lớn, nền nhà sụt lún, nước ngập vào nhà khiến cuộc sống bị đảo lộn. Thậm chí, nhiều căn nhà bị nghiêng mạnh, có thể đổ sập xuống bất cứ lúc nào”, ông Thành cho hay.
Liên quan công tác di dời nhà ở trên và ven kênh rạch, trước đó, UBND TPHCM đã ban hành kế hoạch tổ chức thực hiện chỉnh trang, phát triển đô thị trên địa bàn giai đoạn 2021 – 2025 và các năm tiếp theo. Mục tiêu đề ra đến năm 2025 là hoàn thành bồi thường, di dời 6.500 căn nhà trên và ven kênh rạch.
Tuy nhiên, báo cáo của Sở Xây dựng TPHCM cho thấy, nguồn vốn ngân sách của thành phố dành cho chương trình di dời rất hạn chế, không đủ đáp ứng nhu cầu.
Phần lớn các tuyến rạch không thể mở rộng hơn so với ranh giới chỉnh trang nên không tạo được quỹ đất có giá trị thương mại, không hấp dẫn các nhà đầu tư, vì vậy phải thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách.
Do đó, Sở Xây dựng đề xuất giải pháp thí điểm cho hộ dân có nhà trên và ven kênh rạch không đủ điều kiện bố trí tái định cư được giải quyết cho thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội khi nhà nước thu hồi đất để chỉnh trang đô thị.