Mẹ của chị Ngọc Hoàng là tiểu thương, buôn bán nhỏ ở chợ, chưa từng làm công ty nên không tham gia bảo hiểm xã hội. Chị Hoàng muốn sau này mẹ có lương hưu và bảo hiểm y tế hưu trí khi về già nên có ý định mua bảo hiểm xã hội tự nguyện cho mẹ.
Chị Hoàng hỏi: “Hiện mẹ tôi 49 tuổi, nếu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thì đến năm 60 tuổi là có 11 năm đóng bảo hiểm xã hội. Sau đó, tôi đóng thêm 9 năm bảo hiểm cho mẹ trong một lần thì mẹ vẫn đủ điều kiện hưởng lương hưu phải không?”.
Giải đáp thắc mắc này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam chỉ rõ, điểm e khoản 1 Điều 9 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng một lần cho những năm còn thiếu cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Khoản 2 Điều 6 Nghị định số 134/2015/NĐ-CP quy định trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng lương hưu thì thời điểm hưởng lương hưu được tính từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
Như vậy, đến thời điểm mẹ chị Hoàng đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định mà thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) để đủ 20 năm thì được đóng một lần cho thời gian còn thiếu.
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam, thời điểm mẹ của chị Hoàng được hưởng lương hưu là từ tháng liền kề sau tháng đóng đủ số tiền cho những năm còn thiếu.
Trong dự thảo luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), ban soạn thảo đã thống nhất quan điểm giảm điều kiện về số năm đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để được hưởng lương hưu hàng tháng từ 20 năm xuống 15 năm.
Nếu dự luật được thông qua, cùng với quy định đóng một lần cho thời gian còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) như trên thì người lao động lớn tuổi, tham gia bảo hiểm xã hội muộn cũng có nhiều cơ hội được hưởng chế độ hưu trí hơn quy định hiện hành.