Tuy nhiên, để kích cầu du lịch trong bối cảnh phương án nghỉ trình quá muộn, giá vé máy bay tăng cao không phải chuyện dễ dàng.
Nghỉ dài ngày để kích cầu du lịch
Trước thông tin cán bộ, công chức, viên chức, người lao động cả nước sẽ được nghỉ 5 ngày trong dịp lễ 30/4, 1/5, nhiều DN du lịch cho rằng, việc kéo dài kỳ nghỉ thực sự là cơ hội vàng để thúc đẩy các sản phẩm tour tốt hơn cho du khách, đón đầu mùa du lịch Hè sắp đến.
Tổng Giám đốc Wondertour Lê Công Năng chia sẻ, kỳ nghỉ nghỉ lễ 5 ngày sẽ tác động đến nhu cầu du lịch của người dân, hướng sang các tour kéo dài, có chi phí thấp. “Các tour đường bộ đến Hạ Long, Cát Bà, Sầm Sơn, Sa Pa, Mộc Châu, Ninh Bình… hay tour đường bay đến Đà Nẵng, Thái Lan, Singapore chi phí hợp lý sẽ được các gia đình lựa chọn” – ông Lê Công Năng dự báo.
Việc phát triển đa dạng loại hình vận chuyển tại Việt Nam là điều vô cùng cần thiết, bảo đảm các yếu tố kết nối thuận tiện, thông suốt, rút ngắn thời gian và gia tăng thời gian trải nghiệm của du khách. Khi đa dạng hóa loại hình du lịch, gắn kết giữa đường bộ, tàu hỏa, hàng không sẽ giúp chi phí tour trọn gói giảm, đồng thời còn tạo sự hấp dẫn cho hành trình tham quan của du khách.
Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình
Thông tin từ các DN du lịch cho thấy, ngay sau khi Chính phủ quyết định kéo dài thời gian nghỉ lễ 30/4, lượng khách hàng đặt tour đã tăng mạnh. Giám đốc Marketing Công ty Du lịch Best Price Bùi Thanh Tú cho biết, chỉ 2 ngày sau khi có thông tin về thời gian nghỉ lễ, nhu cầu tìm kiếm tour du lịch tại đơn vị này tăng 20% so với các ngày trước đó và dự kiến tăng hơn nữa trong những ngày tiếp theo. Đặc biệt, tỷ lệ tìm kiếm các dịch vụ trong nước như combo du lịch, khách sạn lưu trú tăng rõ rệt.
Dưới góc độ chuyên gia du lịch, Phó Chủ tịch Hiệp hội Lữ hành Việt Nam Phùng Quang Thắng đánh giá, việc nghỉ lễ kéo dài 5 ngày là tín hiệu kích cầu du lịch. Mặc dù quyết định kéo dài thời gian nghỉ lễ ra hơi muộn nhưng các đơn vị lữ hành đều có kinh nghiệm đón khách dịp này và thường thiết kế sản phẩm đều trong khung từ ngày 27/4 đến hết ngày 1/5 tới.
Ghi nhận ở Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam (VITM Hà Nội) 2024 cho thấy, khá đông người tiêu dùng hỏi về tour 30/4 và du lịch Hè. Phó Giám đốc Công ty Hoàng Việt Travel Lưu Thị Thu nhìn nhận, việc được nghỉ 5 ngày sẽ giúp các công ty lữ hành giải quyết lượng tour tồn. “Công ty hiện còn trống khoảng 30 – 40% chỗ với một số tour quốc tế như Thái Lan. Do đó, việc kéo dài thời gian nghỉ lễ sẽ giúp DN tiêu thụ số lượng tour tồn kho này” – bà Lưu Thị Thu chia sẻ.
Thông tin về các chương trình tour du lịch dịp lễ 30/4 và 1/5, đại diện Công ty Lữ hành Saigontourist cho biết, công ty xây dựng hơn 200 hành trình tour trong và ngoài nước, dự kiến phục vụ hơn 110.000 lượt khách, với hơn 350 đoàn khởi hành trên toàn quốc.
Trong đó, các chùm tour du lịch trong nước tuyến miền Bắc, miền Trung và các tour tới Nhật Bản, châu Âu, thưởng ngoạn mùa hoa anh đào tiếp tục hút khách, có những tuyến đã gần kín chỗ. Ðặc biệt, các tuyến đường bộ tới Ðà Lạt, Nha Trang, Buôn Ma Thuột, Cà Mau… hay tuyến tàu cao tốc Vũng Tàu – Côn Ðảo, Rạch Giá, Phú Quốc được nhiều du khách lựa chọn cho kỳ nghỉ lễ sắp tới.
Yêu cầu bức thiết giảm giá vé máy bay
Việc Chính phủ quyết định kéo dài kỳ nghỉ lễ 30/4 đã tạo cơ hội cho DN tăng doanh thu, tuy nhiên nhiều công ty du lịch tiếc vì kỳ nghỉ 5 ngày được chốt chỉ 2 tuần trước lễ 30/4, khiến họ không kịp bung thêm hàng, khó tạo cú hích lớn cho du lịch Việt. Lãnh đạo một đơn vị lữ hành ở Hà Nội bày tỏ, nếu đề xuất nghỉ lễ được thông qua từ đầu năm, các công ty lữ hành có thể mạnh tay nhập thêm các series booking (lượng vé bung sớm, giá tốt) và tung ra nhiều chương trình kích cầu hấp dẫn hơn.
Bên cạnh đó, thách thức với ngành du lịch hiện nay là giá vé máy bay đang ở mức cao ngất ngưởng khiến cho chi phí du lịch tăng cao, người dân phải cân nhắc, tính toán lại “hầu bao” trước khi quyết định cho chuyến đi. Khảo sát của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, hiện giá vé máy bay khứ hồi chặng Hà Nội – Phú Quốc đi ngày 28/4, về ngày 3/5 có giá từ 5 – 7 triệu đồng/vé (đã bao gồm thuế, phí), so với ngày thường giá vé chặng bay này đã cao hơn 2,5 triệu đồng/vé.
Thậm chí, nếu khách hàng mua vé hạng thương gia thì giá bán lên đến 12 – 13 triệu đồng/vé. Tương tự, với chặng bay Hà Nội – Nha Trang đi ngày 28/4, về ngày 3/5, có mức giá rẻ nhất 3,9 triệu đồng/vé; khứ hồi lên đến 7,7 triệu đồng/vé, cao hơn từ 1,2 – 1,5 triệu đồng so với thời điểm hiện tại. Với chặng Hà Nội – Đà Nẵng giá vé cao gấp 1,6 lần so với cuối tháng 3.
“Chúng tôi luôn trăn trở, đã làm việc với các đơn vị kinh doanh hàng không. Tuy nhiên, đây là vấn đề liên quan đến cấp có thẩm quyền về quản lý vận tải hàng không. Sắp tới chúng tôi đề xuất để cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền đánh giá lại nhu cầu, chi phí để có chính sách phù hợp” – Phó Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia Việt Nam Phạm Văn Thủy nói.
Giám đốc Tiếp thị truyền thông, Công ty Dịch vụ Lữ hành Saigontourist Đoàn Thị Thanh Trà cho biết, giá vé máy bay chiếm từ 30 – 60% cấu thành giá tour. Việc vé máy bay tăng giá khiến DN sẽ phải tăng giá tour dẫn đến việc nhiều du khách Việt Nam bỏ du lịch nội địa và chuyển hướng sang chọn du lịch nước ngoài.
Lý giải nguyên nhân khiến tour quốc tế đắt khách, Tổng Giám đốc Công ty du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt cho biết, khi lên kế hoạch du lịch, khách hàng sẽ so sánh giá tour nội địa và tour ngoại đến Đông Nam Á và phát hiện những tour này không đắt hơn tour nội địa.
Trong bối cảnh ngành du lịch đang nỗ lực phục hồi nhưng vẫn phải đối diện với rất nhiều thách thức, nhất là tác động từ giá vé máy bay, theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình, ngành hàng không và du lịch cần ngồi lại để tìm “tiếng nói chung,” tạo ra sản phẩm có giá tốt nhất cho thị trường cũng như khách hàng. Đặc biệt là phải có một “nhạc trưởng” để dung hòa lợi ích các bên, tránh tình trạng mạnh ai nấy làm, nhất là vào dịp lễ, Tết, nhu cầu du lịch tăng cao.
Đối với các đường bay không có chuyến bay thương mại, ngành hàng không khích lệ DN lữ hành thuê bao nguyên chuyến, qua đó đa dạng sản phẩm, thêm lựa chọn mới lạ hơn cho du khách và các bên cùng có lợi.
Phân tích nguyên nhân khiến giá vé máy bay quá đắt, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Cương nêu rõ, hiện một chiếc vé máy bay phải chịu 20 loại thuế, phí, chiếm đến 70% cơ cấu giá thành vé.
Chẳng hạn, vé máy bay của Vietjet Air chặng Hà Nội đi Điện Biên Phủ khi chưa có thuế, phí chỉ là 290.000 đồng, tuy nhiên, khách sẽ phải trả 584.000 tiền thuế phí, bao gồm phụ thu dịch vụ hệ thống (quốc nội), phí an ninh soi chiếu, phí sân bay quốc nội, phụ thu quản trị hệ thống… Như vậy, để đến được tay người tiêu dùng, giá cuối cùng của vé máy bay lên tới 897.000 đồng.
“Vì vậy, để giảm giá vé máy bay, giúp thị trường nội địa hút khách, Nhà nước nên giảm một số loại thuế, phí cùng gỡ khó cho ngành hàng không” – ông Đỗ Đình Cương hiến kế.
Các chuyên gia cũng cho rằng, để hút khách sử dụng tour nội địa, các đơn vị kinh doanh, địa phương có điểm đến phải không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch. Bởi khuyến mại về giá sẽ không còn là yếu tố hấp dẫn nữa mà các đơn vị du lịch phải khuyến mại bằng cách thêm dịch vụ mới, nâng cao chất lượng nhằm gia tăng trải nghiệm cho khách hàng.
Một chuyến đi Phú Quốc 4 ngày 3 đêm dịp lễ 30/4 và 1/5 tốn khoảng 10 triệu đồng/người, trong khi tour Thái Lan chỉ gần 7 triệu đồng/khách, đương nhiên du khách sẽ chọn đi nước ngoài. Mặc dù xét về tính hấp dẫn, các điểm đến như Thái Lan, Indonesia… chưa chắc đã bằng Việt Nam, song vé máy bay giá rẻ đang là động lực hút khách tới những quốc gia này.
Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt