Phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận trong những năm qua có khá nhiều mô hình được triển khai và đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Trẻ hóa giống nha đam
Theo ông Nguyễn Minh Tín, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn GC Food, đơn vị này đang tập trung vào việc trẻ hóa giống nha đam bằng công nghệ nuôi cấy mô. Tập đoàn đang nỗ lực nghiên cứu, ban hành quy trình để sau đó chuyển giao lại cho Sở KH-CN Ninh Thuận, từ đó chuyển giao công nghệ cho bà con nông dân theo chương trình phát triển nông thôn, miền núi.
Theo đánh giá của ông Tín, hiện nay tình trạng nha đam bị bệnh thối nhũn trên địa bàn Ninh Thuận là rất đáng lo ngại. Thế nhưng thông qua công nghệ nuôi cấy mô Invitro mà tập đoàn đang triển khai sẽ loại hết mầm bệnh và cho ra cây giống mới có năng suất cao. Công nghệ này được gọi là trẻ hóa giống nha đam.
“Công nghệ được các quốc gia tiên tiến về nông nghiệp như Thái Lan, Ấn Độ, Israel rất đề cao, nhưng Việt Nam thì chưa ứng dụng nhiều, Tập đoàn GC Food là đơn vị tiên phong thực hiện”, ông Nguyễn Minh Tín chia sẻ.
Cũng theo ông Tín, hiện Tập đoàn GC Food đang sở hữu phòng nuôi cấy mô có diện tích khoảng 200m2, công suất khoảng 250.000 – 300.000 cây/tháng, mỗi năm cho ra khoảng 3 – 3,6 triệu cây. Hiện nay trên địa bàn Ninh Thuận đang có khoảng 105ha nha đam, thiếu trầm trọng nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu sản phẩm nha đam.
“Hiện nay nhà máy chế biến sản phẩm nha đam của Tập đoàn GC Food phải từ chối bớt đơn hàng vì không có đủ lá để sản xuất. Nguồn nguyên liệu là sự sống còn của các nhà máy chế biến. Do đó, Tập đoàn GC Food đang xin chủ trương quy hoạch trên Phước Vinh khoảng 200ha để liên kết, mở rộng diện tích vùng nguyên liệu”, ông Nguyễn Minh Tín thông tin.
Nha đam là loại cây trồng “đại thọ”, từ khi trồng đến khi cho thu hoạch lá khoảng từ 6 – 8 tháng. Nếu được chăm sóc tốt, chu kỳ khai thác cây nha đam có thể kéo dài đến 10 năm. Khi cây nha đam được 6 tháng tuổi trở đi, nếu được chăm sóc tốt sẽ cho từ 6 – 8 tấn lá/ha/tháng, mỗi năm thu hoạch cả trăm tấn lá. Hiện năng suất nha đam ở Ninh Thuận cho bình quân khoảng 4 tấn/ha/tháng.
Trồng nho trong nhà màng bất chấp trời mưa
Theo TS Phan Công Kiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố (Viện Nha Hố), hiện Viện đã hoàn thiện hồ sơ đề nghị ngành chức năng cấp bằng bảo hộ cho 4 giống nho NH01-152, NH02-37, NH02-97 và NH04-102. Ngoài ra, Viện Nha Hố còn có 2 giống nho đã được ngành chức năng chấp nhận đơn xin bảo hộ là NH01-16, NH01-26, đang hoàn thiện hồ sơ.
Cũng theo TS Kiên, Viện Nha Hố đang lưu giữ 245 mẫu giống nho; trong đó, có nhiều mẫu giống triển vọng được tuyển chọn từ vườn như NH01-16, NH01-26, NH02-37, NH04-61, NH04-102, NH04-128 NH02-137, NH01-195 đang được khảo nghiệm, so sánh, sản xuất thử trước khi nhân rộng sản xuất. Ngoài ra, Viện đã và đang thực hiện công tác lai tạo giống theo các hướng chống chịu bệnh thán thư, quả to, chất lượng.
“Viện Nha Hố đã xây dựng được quy trình sản xuất nho ứng dụng công nghệ cao, trồng nho trong nhà màng có mái ni lông che mưa, sử dụng giàn chữ Y; bón phân và tưới nước bằng hệ thống tưới tiết kiệm; điều khiển khí hậu tự động và bán tự động bằng mái che mưa di động, lưới cắt nắng, quạt thông gió và hệ thống phun sương”, TS Phan Công Kiên, cho hay.
Theo ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận, ngoài giống nho NH01-152 đã được đưa vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh, được khuyến cáo nhân rộng trên địa bàn, ngành chức năng Ninh Thuận còn tập trung phát triển các giống nho mới chất lượng, mang lại giá trị kinh tế cao để góp phần vào mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp.
“Hiện Sở NN-PTNT Ninh Thuận đang phối hợp với Viện Nha Hố và các đơn vị có liên quan lựa chọn một số giống nho mới trồng khảo nghiệm, đánh giá tính thích nghi để nhân rộng”, ông Đặng Kim Cương cho hay.
Theo ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Nho Thái An, nhà màng trồng nho được xây dựng kiên cố bằng sắt, mái phủ bạt ni lông, chung quanh phủ lưới chống côn trùng. Để đảm bảo hiệu quả tối ưu cho cây nho trong nhà màng, người trồng nho đầu tư hệ thống tưới nước phun sương tầm thấp để tiết kiệm chi phí công lao động.
“Trồng nho trong nhà màng sẽ hạn chế được tối đa sự ảnh hưởng của thời tiết. Từ đó, giúp cây nho phát triển tốt, ít sâu bệnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với phương pháp trồng nho truyền thống. Nho được bảo vệ trong môi trường khép kín nên trái nho rất an toàn, các loại nấm bệnh thường gặp do côn trùng, sương đêm… gần như không còn đáng ngại. Đặc biệt, nho trồng trong nhà màng khi chín không còn gặp “ác mộng” mỗi khi gặp mưa như trước đây. Bởi nho trồng ngoài trời khi quả chín gặp mưa là hỏng hết, những quả nho chín mọng như muốn rữa trong mưa”, ông Nguyễn Khắc Phòng, Giám đốc HTX Nho Thái An cho hay.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận diện tích táo trong nhà lưới đạt trên 95%, việc trồng táo trong nhà lưới giúp phòng trừ ruồi vàng đục quả và một số bệnh khác đem lại hiệu quả cao hơn hẳn so với trước đây. Còn diện tích nho trồng trong nhà lưới đầu tư lớn, khoảng gần 400 triệu đồng/sào nên diện tích chưa nhiều. Bên cạnh đó, Ninh Thuận cũng có hàng chục ha dưa lưới trồng trong nhà màng, việc trồng măng tây xanh ứng dụng công nghệ cao cũng được người dân triển khai rộng khắp…