Ứng dụng đông y vào làm đẹp
10 năm trước, sau khi tốt nghiệp ngành Y sỹ y học cổ truyền của trường Trung cấp Quốc tế Sài Gòn, lương y Trần Thị Mao vẫn không ngừng học hỏi để dày dặn kinh nghiệm bước vào nghề. Chị tiếp tục tham khảo những phương pháp trị liệu mới, học thêm chứng chỉ đào tạo kỹ thuật viên xoa bóp bấm huyệt, vật lý trị liệu của trường Cao đẳng Công nghệ Y – Dược Việt Nam, đồng thời tham gia rất nhiều khóa đào tạo, nâng cao tay nghề của Hội Nam Y Việt Nam… Bằng vốn kinh nghiệm học hỏi được từ những người thầy đi trước, những kiến thức tự mày mò, dày công nghiên cứu, đến nay, lương y Trần Thị Mao đã tự tin ứng dụng đông y vào trị liệu.
Với lương y Trần Thị Mao, chị không chạy theo số lượng, mà lúc nào cũng muốn phải làm cẩn thận, tỉ mỉ nhất có thể. “Đôi bàn tay của lương y chỉ có thể xoa bóp, nắn chỉnh cho số bệnh nhân có hạn, vì khi dồn sức xoa bóp, bấm huyệt cho bệnh nhân, bàn tay đó rất mỏi và cần phải nghỉ ngơi để có thể dẻo dai trở lại”, nữ y sĩ Mao chia sẻ.
Bệnh nhân đến gặp lương y Trần Thị Mao không chỉ là người Đà Lạt, mà ở tận Hà Nội, TP.HCM, Quảng Nam, Đà Nẵng… Phương pháp trị liệu này không khám được từ xa, mà phải thăm khám trực tiếp thông qua các động tác nắn chỉnh, xoa bóp hàng giờ đồng hồ mới có thể nhận lại kết quả như mong muốn.
Thực tế, nhiều người bệnh nhận được kết quả trị liệu tốt khiến nữ y sĩ Trần Thị Mao càng muốn lan tỏa phương pháp trị liệu ứng dụng đông y vào làm đẹp đến các phòng khám đông y khắp cả nước. “Tôi chỉ mong muốn được chia sẻ nghề cho thật nhiều người, trao cho thật nhiều người bệnh thêm sự tự tin” – lương y Trần Thị Mao tâm sự.
Đã không ít lần, chị đi nhiều tỉnh thành, vùng sâu vùng xa chữa bệnh miễn phí cho người dân. Chị cũng không quản ngại mang phương pháp trị liệu mới mẻ đến các vùng biên Bình Phước, vùng cao Tây Bắc… để nhiều người lấy lại được sức khỏe. Sắp tới, chị sẽ ra Hà Nội, gặp gỡ và trao đổi chuyên môn với Hội đông y Hà Đông, để lan tỏa hơn nữa phương pháp trị liệu bệnh không xâm lấn này. Chị hi vọng, nhiều bệnh nhân được tiếp cận hơn nữa hiệu quả khi ứng dụng đông y vào khám chữa bệnh.
Nữ hoàng “nông sản ế”
Không những chỉ chuyên tâm, hết lòng với bệnh nhân, lương y Trần Thị Mao còn chuyên đứng ra giúp bà con giải cứu nông sản ế. Nông sản của bà con khắp mọi miền Tổ quốc, từ Đà Lạt, Quảng Nam, Quảng Bình đến Thanh Hóa… Hễ vùng quê nào kêu gọi giải cứu khoai tây, khoai lang… là chị đứng ngồi không yên. Chị cười nói, “Gần đây nhất là tôi giải cứu cải thảo, cứ trông thấy người dân mệt mỏi với những ruộng cải thảo ế là tôi không đành lòng. Có gì đó cứ thôi thúc phải giúp đỡ, hỗ trợ, như một mệnh lệnh từ trái tim”.
Những chuyến giải cứu không lợi nhuận, người ta bán 500 đồng, chị cũng nỗ lực kêu gọi bà con, người thân mua với mức giá 500 đồng.
Không chỉ giải cứu nông sản ế, lương y Trần Thị Mao còn say sưa làm từ thiện. Là thành viên của Viện Phát triển Văn hóa và Chăm sóc Sức khỏe Cộng đồng, chị tham gia tất cả các chuyến thiện nguyện từ Nam ra Bắc của Viện như: chữa miễn phí cho người nghèo, gia đình có hoàn cảnh khó khăn cũng như các hoạt động thiện nguyện vào các ngày lễ, Tết. Việc làm của lương y Trần Thị Mao được chính quyền sở tại cũng như các ban ngành tặng nhiều giấy khen quý giá.
Lê Hà