Lương y Nguyễn Công Đức – nguyên giảng viên Đại học Y Dược TP.HCM – cho rằng bệnh từ miệng mà vào. Mỗi khi có đám giỗ, đám tiệc, liên hoan, nhất là dịp Tết chúng ta thường “đãi mình quá hậu” với thịt cá ê hề, dễ dẫn đến gan nhiễm mỡ.
Gan nhiễm mỡ là một trong những biểu hiện của tình trạng dư thừa chất béo. Mỡ còn có thể tích tụ ở một số cơ quan khác như tim, tụy, mạch máu, não, mô bụng, mông, cổ.
Sự dư thừa chất béo trong cơ thể có thể dẫn đến những bệnh lý nguy hiểm như tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não… Một số nghiên cứu gần đây cho biết gan nhiễm mỡ thường đi kèm với rối loạn lipid máu và rối loạn men gan.
Lương y Nguyễn Công Đức cho hay hiện nay việc điều trị bệnh gan nhiễm mỡ không phải dễ dàng. Để phòng ngừa gan nhiễm mỡ, chúng ta cần tránh ăn nhiều chất béo, đường, bột, không uống nhiều rượu và thường xuyên vận động.
Tập luyện các bài thể dục nhẹ nhàng thích nghi với sức khỏe hoặc vận động tích cực để chống loãng xương, giảm béo. Biết nghỉ ngơi thư giãn, cuộc sống phải thoải mái, vô tư.
Đồng thời chú ý bổ sung ăn những thức ăn từ rau củ có tác dụng phòng chống gan nhiễm mỡ.
– Tỏi:
Tỏi và các chế phẩm của tỏi giảm mức bình quân của triglycerid và cholesterol. Hoạt chất chính trong củ tỏi là tinh dầu, với các sulfur và polysulfur vinyl. Trong tỏi giàu chất cay bay hơi có hợp chất sulfur, có thể tẩy trừ chất mỡ lắng đọng trong mạch máu. Nghiên cứu còn chứng minh, dùng tỏi giúp trì hoãn việc hình thành và phát sinh gan nhiễm mỡ.
Lưu ý, y học cổ truyền cho rằng những người mắc bệnh âm hư hỏa vượng và bệnh ở mắt, miệng, lưỡi, hầu họng… không nên dùng nhiều.
– Củ hành tây:
Hành tây chứa chất disulfur allyl và propyl giúp tăng hoạt tính men phân giải chất xơ, xúc tiến phân giải cục máu đông và giảm mỡ trong máu, giúp giảm áp lực máu ngoại vi, làm cho huyết áp ổn định, và phòng ngừa các bệnh tim mạch khác.
– Củ cải:
Củ cải có tác dụng giải độc, hỗ trợ tiêu hóa, trừ táo bón, hạ huyết áp, giảm mỡ. Củ cải có tác dụng chuyển hóa chất mỡ, tránh tích tụ mỡ dưới da, có tác dụng giảm béo phì rõ rệt.
Củ cải không chỉ giúp phòng ngừa chứng cao mỡ máu, chứng béo phì kèm gan nhiễm mỡ, và acid coumaric còn có tác dụng giảm đường huyết và ổn định huyết áp.
– Rau cần:
Y học hiện đại nghiên cứu cho thấy rau cần có tác dụng giảm cholesterol và phân giải chất mỡ. Rau cần thêm các gia vị có công hiệu thông huyết mạch, hạ huyết áp, thanh gan giảm mỡ, khử phong sáng mắt, sảng khoái lợi tiểu và bảo vệ các mao mạch…
– Dưa leo:
Dưa leo chứa chất xơ, có tác dụng nhất định thúc đẩy sự bài tiết chất bã thức ăn và giảm cholesterol. Đồng thời giúp ổn định huyết áp, giảm béo phì, hầu họng sưng đau.
Dưa leo còn chứa acid malonic, có thể ức chế chất đường chuyển hóa thành chất mỡ, thích hợp cho người bệnh béo phì, cao mỡ máu, tăng huyết áp, thống phong.
– Nấm hương (nấm đông cô):
Acid butyric trong nấm hương có tác dụng giảm mỡ huyết thanh. Các chất choline, men oxy hóa và một số acid nucleic có tác dụng giảm huyết áp, giảm cholesterol và giảm mỡ máu, đồng thời phòng ngừa xơ hóa động mạch, xơ gan.
– Nấm mèo (mộc nhĩ):
Các chuyên gia y học cho rằng thành phần dược chất trong nấm mèo là chất acid nucleic, giúp giảm lượng cholesterol trong gan, ngăn ngừa hình thành gan nhiễm mỡ.
Hằng ngày, khi ăn một lượng nấm mèo nhất định có thể làm giảm lượng mỡ máu. Hơn nữa, nấm mèo giàu chất xơ, tăng thể tích đại tiện kích thích nhu động đường ruột để tống cholesterol ra ngoài.
– Giá đậu xanh:
Y học hiện đại cho biết giá đậu xanh chứa hoạt chất giúp ức chế hấp thu mỡ ở ruột non, rất hữu ích cho người già, người bệnh tăng huyết áp, cao mỡ máu, gan nhiễm mỡ…
– Củ sen:
Giúp khai vị, bổ máu, tạo cơ, giải khát, có tác dụng ngừa lão hóa, giảm mỡ, ổn định huyết áp. Dùng củ tươi chế biến món ăn hay củ khô nấu nước uống.
– Lô hội (nha đam):
Lô hội tươi giúp hạ lipid máu và mỡ trong gan, đồng thời làm giảm và ổn định huyết áp, ổn định đường huyết và chống xơ mỡ động mạch. Người bị tỳ vị hư hàn (hay đi cầu lỏng) không nên dùng.