Từ niềm say mê viết báo
Nhà báo Thái Duy, tên khai sinh là Trần Duy Tấn, bút danh: Thái Duy, Trần Đình Vân, sinh năm 1926, tại Bắc Giang. Ông đến với nghề báo từ cuối những năm 40 của thế kỷ trước, gắn bó với báo Cứu Quốc, Giải Phóng, Đại đoàn kết cho đến khi nghỉ hưu. Tôi có cơ duyên được gặp Nhà báo Thái Duy lần đầu tiên vào năm 2017, khi đó Bảo tàng Báo chí Việt Nam chưa ra đời, đang trong quá trình sưu tầm tài liệu, hiện vật, hoàn thiện các bước để tiến tới thành lập.
Thời điểm đó, Bảo tàng có làm phim chân dung và trưng bày về 10 nhà báo lão thành: Thái Duy, Hà Đăng, Phan Quang, Trần Kiên, Lý Thị Trung… Ấn tượng đầu tiên khi tôi gặp Nhà báo Thái Duy đó là hình ảnh của một người có quý tướng với cặp “mày ngài” (theo nhân tướng học, đây là biểu hiện của những người đàn ông có chí khí, đức nhân) kèm ánh mắt hiền từ, tạo cho người cho người đối diện có cảm giác gần gũi, cảm mến ngay từ lần gặp đầu tiên.
Khi tiếp xúc, trò chuyện với Nhà báo Thái Duy, tôi nhận thấy rằng: Ông ít khi nói về bản thân mình mà thường nói nhiều về đồng nghiệp, về tờ báo nơi ông công tác. Ông có phong cách nói chuyện rất tự nhiên và khá dí dỏm, không nặng nề về lý luận mà thiên về thực tế. Ông có tinh thần cầu thị, luôn luôn học hỏi những nhà báo đàn anh, chẳng hạn, ngay từ những năm 1950, ông đã rất cảm phục Nhà báo Hồng Hà với loạt bài phanh phui vụ án tham nhũng của Trần Dụ Châu đăng nhiều kỳ trên báo Cứu Quốc. Chi tiết này được ông nhắc đi nhắc lại nhiều lần với một thái độ say mê, hùng biện. Có lẽ, loạt bài này có tác động đến ông rất nhiều để sau này, Thái Duy trở thành một ngòi bút sắc trong cuộc đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.
Một số cuộc trưng bày chuyên đề của Bảo tàng Báo chí Việt Nam sau này, đều may mắn khi được Nhà báo Thái Duy đến dự, mặc dù tuổi cao nhưng ông vẫn tự bắt taxi đến, gặp gỡ lại những đồng nghiệp từng một thời làm báo chiến trường như: Nguyễn Khắc Tiếp, Phạm Phú Bằng (Báo Quân đội nhân dân), ánh mắt ông ánh lên xiết bao niềm vui, họ cứ say mê kể về những kỷ niệm của một thời làm báo gian khổ mà hào hùng đến quên cả thời gian.
Có thể nói, trời phú cho ông có sức khỏe và một đôi chân dẻo dai, nên khi Bảo tàng Báo chí Việt Nam làm phim về ông, có vài cảnh quay ở quê hương Bắc Giang muốn mời ông về, vẫn được ông vui vẻ nhận lời. Những bước chân thong dong trên cánh đồng quê hương, cái bắt tay ân tình với người nông dân trên cánh đồng lúa xanh rì, trong ông như sống lại những ký ức một thời xông xáo đi xuống các địa phương viết về “khoán chui” từ những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Và trong ánh mắt của nhà báo lão thành ấy, luôn chứa đựng biết bao lòng cảm phục, sự ân tình, đề cao vai trò của nhân dân.
Lần gặp gần đây nhất trong buổi duyệt phim về ông của Bảo tàng Báo chí Việt Nam, ngày 12/7/2023, ông vẫn tự mình bắt xe đến dự, vẫn phong thái điềm tĩnh, trầm ngâm, lắng nghe nhiều hơn phát biểu đã khiến những người có mặt càng thêm cảm phục về cốt cách cao đẹp của một nhà báo lão thành đã có nhiều đóng góp cho nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Khi được hỏi về con đường đến với báo chí, Nhà báo Thái Duy bồi hồi nhớ lại: “Ngay từ thưở niên thiếu, tôi đã được đọc rất nhiều báo, do cha tôi thường đặt mua. Tôi đọc báo để nắm được tình hình lúc bấy giờ mà cũng không biết từ lúc nào, tôi lại có đam mê muốn được viết báo. Ngày đó, Cứu Quốc là tờ báo duy nhất của Đảng, Mặt trận, có chi nhánh ở nhiều liên khu. Tôi nhiều lần gửi bài viết cho báo Cứu Quốc nhưng không được đăng, tôi không nản lòng, vẫn viết và gửi bài đều đặn. Cuối cùng, nhà văn Nam Cao đồng ý nhận tôi về báo bởi sự kiên trì và niềm say mê viết báo. Đầu năm 1949, tôi chính thức là phóng viên báo Cứu Quốc”.
Ở báo Cứu Quốc, Thái Duy được phân công làm phóng viên mặt trận, theo Trung đoàn 308. Đơn vị đi đâu, nhà báo đi đấy, từ chiến dịch này sang chiến dịch khác hàng tháng trời, ăn uống sinh hoạt nhờ bộ đội, tự lo việc viết bài, gửi bài. Dù khó khăn, gian khổ, nhất là giao thông liên lạc, do mê nghề báo, do nắm vững đường lối, chủ trương của kháng chiến, do bám sát thực tế, bài viết của Nhà báo Thái Duy vẫn được đăng đều đặn, được nhân dân và bộ đội hồ hởi đón đọc, chẳng hạn loạt bài: Giải phóng Tây Bắc, Đại đội độc lập cứu tinh của nhân dân Tây Bắc, 6 ngày chiến đấu ác liệt giải phóng Thị xã Lào Cai, Bộ đội luyện tập năm 1950…Ông vinh dự là một trong số ít các nhà báo tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, có bài đăng trên báo Quân đội nhân dân số 148, ra ngày 16/5/1954, xuất bản tại mặt trận Điện Biên Phủ: Lễ duyệt binh các đơn vị chiến thắng tại Điện Biên Phủ…
Khi được hỏi vì sao lại lấy bút danh Thái Duy, ông vui vẻ chia sẻ: “Khi được nhận vào báo Cứu Quốc, tôi được phân công đi theo Trung đoàn 308, trung đoàn này do đồng chí Thái Dũng chỉ huy nổi tiếng về sự anh dũng, quả cảm chiến đấu khiến kẻ thù khiếp sợ. Với sự cảm phục và muốn noi gương ý chí chiến đấu bất khuất của trung đoàn anh hùng này, tôi đã lấy bút danh là Thái Duy”.
Thời kỳ làm báo Cứu Quốc, có một kỷ niệm mà Nhà báo Thái Duy luôn nhớ mãi, đó là bài học Bác Hồ nhắc nhở cán bộ, nhân viên của tờ báo về đức tính khiêm tốn, giản dị và phải luôn luôn đề cao yếu tố bí mật trong thời chiến. Đó là khi lên chiến khu Việt Bắc, báo Cứu Quốc có làm tòa soạn rất to, hoành tráng mà có thể nói là không có tòa soạn nào bằng (điều này cũng rất dễ hiểu bởi Cứu Quốc là tờ báo duy nhất của Đảng và Mặt trận). Hôm khánh thành tòa soạn, tờ báo có mời Bác đến thăm, tuy nhiên, khi tới nơi, Bác thẳng thắn nhắc nhở: Cần bỏ cái nhà này đi, chiến tranh còn dài nên yếu tố bí mật phải đặt lên hàng đầu. Vả lại, dẫu là một tờ báo lớn cũng nên khiêm tốn, giản dị và tiết kiệm về mọi mặt. Đó cũng là bài học sâu sắc mà Nhà báo Thái Duy và đồng nghiệp của mình luôn luôn ghi nhớ và làm theo trong suốt cuộc đời làm báo của mình.
Đến cây bút xông xáo, hết mình vì nhân dân
Ít ai biết rằng, Nhà báo Thái Duy là một trong những nhà báo đầu tiên đi bộ, vượt Trường Sơn ba tháng ròng vào Tây Ninh để cùng tham gia sáng lập tờ báo Giải Phóng, cơ quan Trung ương của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, năm 1964. Năm 1965, Nhà báo Thái Duy cũng được cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ gặp và ghi chép lại những chuyện kể của chị Quyên về anh Trỗi, hạn trong 15 ngày phải xong. Và một may mắn nữa, tác phẩm viết xong thì được một phóng viên Liên Xô chuyển ngay ra Bắc bằng máy bay bay từ Nông Pênh, đến tay Bác Hồ, được Bác Hồ xem, khen ngợi và chỉ đạo in thành sách.
Nhà báo Thái Duy cho biết thêm: “Ban đầu, tôi đặt tên cuốn sách của mình là “Những lần gặp gỡ cuối cùng”. Sau khi tôi gửi ra Hà Nội, thấy đọc trên Đài Tiếng nói Việt Nam tác phẩm “Sống như Anh”, tôi thấy lạ là tên thì khác nội dung thì là cuốn sách của tôi viết. Sau tôi mới biết, cuốn sách đã được Thủ tướng Phạm Văn Đồng sửa tên và và do yếu tố bí mật nên không thể nhắc tên tác giả”. Sống như Anh là tập hợp những ghi chép, tư liệu quý và còn là một tác phẩm văn học lớn. Qua tâm hồn trong trẻo và tràn ngập yêu thương của người vợ trẻ, qua ngòi bút trung thực và tế nhị của người ghi, chúng ta thấy hiện lên hình ảnh rất sinh động của anh hùng Nguyễn Văn Trỗi và của cả một tập thể anh hùng, cả một dân tộc anh hùng.
Sau khi đất nước thống nhất, ngòi bút Thái Duy lại dấn thân vào một sứ mệnh mới, đó là viết bài hưởng ứng cho khoán nông nghiệp tới từng hộ dân, ông vô cùng đau xót trước thực trạng làm nông nghiệp hợp tác xã “cha chung không ai khóc” rồi thì “Xã viên làm việc bằng hai/ Để cho chủ nhiệm mua đài mua xe”… Ông trăn trở rằng: Tại sao ruộng đất giao cho xã viên thì luôn luôn đạt năng suất cao, trong khi tập trung hợp tác xã thì ngược lại? Rồi thực tế khoán chui ở Vĩnh Phú, Hải Phòng…làm cho cây bút của ông thêm vững tin, trở thành vũ khí chiến đấu cho sự nghiệp Đổi mới trong Nông nghiệp từ khoán 100 đến khoán 10.
Là tác giả của hàng trăm bài viết về “khoán chui” đăng trên báo Đại đoàn kết và nhiều tờ báo khác trong những năm đầu của thập niên 80 của thế kỷ trước, tác phẩm của ông đã góp phần phát hiện, khẳng định cách làm mới trong nông nghiệp: Phá thế độc canh, Cơ chế mới – Con người mới, Ngọn gió Hải Phòng, Từ Hải Phòng đến một vùng lúa đồng bằng, Về thăm cái nôi của phong trào khoán lúa, Khoán sản phẩm: Một phong trào nhanh mạnh, rộng khắp nông thôn, “Khoán chui” hay là chết…
Không chỉ có thế, ngòi bút Thái Duy còn là vũ khí sắc bén tiên phong trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Vốn điềm đạm, khiêm tốn là thế, nhưng khi được hỏi về vai trò, trách nhiệm của người làm báo với công tác chống tham nhũng, tiêu cực, ánh mắt, giọng nói ông trở nên hùng biện trái ngược hoàn toàn so với vẻ ban đầu. Ông cho rằng báo chí phải tôn trọng sự thật và nói lên sự thật, người làm báo không được làm ngơ hay uốn cong ngòi bút trước những cái sai, cái xấu.
Ngay từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước, ông đã tích cực hưởng ứng chuyên mục “nói và làm” của Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, kịp thời phản ánh nhiều bức xúc của nhân dân và hiện tượng lộng quyền của một số lãnh đạo tại địa phương như ở Thanh Hóa (Bài viết: Một ung nhọt đã bị vỡ, năm 1988), những sai phạm trong việc quy hoạch tại Côn Đảo, năm 1991 (Bài viết: Quan liêu – Kẻ thù nguy hiểm) hay đưa ra ý kiến cá nhân trong việc hưởng ứng những biện pháp chống tham ô do Hội đồng Bộ trưởng đề ra năm 1990 (Bài viết: Tham ô đã quá trầm trọng). Những bài viết của Nhà báo Thái Duy luôn đề cao vai trò, đường lối lãnh đạo của Đảng trong công cuộc phòng, chống tham nhũng tiêu cực, bên cạnh đó còn nói lên tiếng nói của nhân dân, khẳng định được tầm quan trọng của nhân dân với sự gắn bó mật thiết giữa “Ý Đảng, lòng Dân”. Ông quan niệm rằng: “Luôn gần Dân, lắng nghe Dân và tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân Dân làm giàu chính đáng, có cuộc sống ấm no là một trong những mong muốn của Đảng ta khi đặt mục tiêu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Đó cũng là ước vọng của cả dân tộc khi hướng về Đảng”.
Vừa mới đây thôi, năm 2023, Bảo tàng Báo chí Việt Nam làm phim về ông, khi được hỏi cảm nghĩ về cuộc đời làm báo của mình, Nhà báo Thái Duy, vẫn với một giọng hào sảng phát biểu: Cả đời ông chỉ có một chức danh duy nhất đó là phóng viên nhưng đó lại là điều khiến ông cảm thấy tự hào. Với ông, được viết, được đóng góp một phần công sức của mình cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và dùng chính ngòi bút đó nói lên tiếng nói, nguyện vọng của nhân dân, phanh phui những góc khuất trong xã hội, những “ung nhọt” tham nhũng, tiêu cực…đó là điều khiến ông mãn nguyện. Bài viết này như một nén nhang thơm xin được thành kính tưởng nhớ tới Nhà báo Thái Duy – người trọn đời hiến dâng cho sự nghiệp Báo chí Cách mạng Việt Nam.
Nguyễn Ba