Trước khi mở màn chiến dịch Điện Biên Phủ, từ việc trinh sát nắm chắc tình hình của cả địch và ta, tướng Phạm Kiệt đã kịp thời đề nghị Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp xem xét lại kế hoạch đánh nhanh thắng nhanh.
“Chỉ có Kiệt mới dám nói câu đó!”
Ngày 26.1.1954, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã đưa ra quyết định lịch sử của mình. Đó là chuyển từ phương án đánh nhanh thắng nhanh sang đánh chắc tiến chắc: “Nay quyết định hoãn cuộc tiến công. Ra lệnh cho bộ đội trên toàn tuyến lui về địa điểm tập kết và kéo pháo ra. Công tác chính trị bảo đảm triệt để chấp hành mệnh lệnh lui quân như mệnh lệnh chiến đấu. Hậu cần chuyển sang chuẩn bị theo phương châm mới”.
Trong cuốn hồi ức về Điện Biên Phủ, Đại tướng còn nhấn mạnh hơn về quyết định ngày 26.1.1954: “Trong ngày hôm đó, tôi đã thực hiện được một quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời chỉ huy của mình”.
Ông đưa ra quyết định lịch sử đó sau rất nhiều suy nghĩ trăn trở: “Từ hội nghị Thẩm Púa (Hội nghị của Đảng ủy mặt trận, họp chiều ngày 12.1.1954, đưa ra phương án đánh nhanh thắng nhanh – NV) tới khi đưa pháo vào trận địa đối với tôi là một thời gian rất dài. Nhiều đêm thao thức. Suy tính, cân nhắc rất nhiều lần, vẫn chỉ tìm thấy rất ít yếu tố thắng lợi. Tôi căn dặn các phái viên đi nắm tình hình, thấy bất cứ điều gì đáng chú ý đều phải báo cáo kịp thời. Mọi người đều phản ánh tinh thần chuẩn bị chiến đấu rất cao của cán bộ, chiến sĩ. Đại đoàn trưởng 312 Lê Trọng Tấn nói với tôi trong quá trình chiến đấu, sẽ phải đột phá liên tục ba lần mới vào được trung tâm…”.
Tư liệu cho biết các khẩu pháo 105 mm được ô tô kéo vào cách trận địa dã chiến từ 9 đến 12 km. Ngày bắt đầu kéo pháo bằng tay là 15.1.1954, với dự kiến ban đầu là chỉ sau 4 – 5 ngày pháo sẽ vào tới trận địa. Nhưng tốc độ kéo pháo rất chậm do đường mới mở tạm, lại nhiều đèo dốc, bộ đội chưa có kinh nghiệm kéo các khẩu pháo nặng trên 2 tấn trong khi máy bay của Pháp liên tục trinh sát, bắn phá. Đến trước ngày dự định nổ súng (20.1), pháo vẫn chưa vào đến vị trí, buộc Bộ chỉ huy chiến dịch phải hoãn thời điểm nổ súng 5 ngày. Đến ngày 24.1, qua tin trinh sát kỹ thuật, Bộ chỉ huy chiến dịch biết phía Pháp đã nắm được thời gian bộ đội Việt Minh nổ súng và thông báo cho nhau. Thời điểm nổ súng lại được lùi 24 tiếng.
Trước những thay đổi nhanh của tình hình, quân Pháp đang khẩn trương tăng thêm lực lượng và xây thêm nhiều công sự kiên cố, đặc biệt là ở các điểm cao phía đông tập đoàn cứ điểm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết: “Sang ngày thứ chín, hai ngày trước khi nổ súng, đồng chí Phạm Kiệt, Cục phó Cục Bảo vệ, theo dõi việc kéo pháo ở phía Tây, đề nghị gặp tôi qua điện thoại. Anh Kiệt nhận xét: “Pháo của ta đều đặt trên trận địa dã chiến, địa hình rất trống trải, nếu bị phản pháo hoặc máy bay đánh phá sẽ khó tránh tổn thất. Một số pháo vẫn chưa kéo được tới trận địa”. Những ý kiến thẳng thắn này đã đến rất kịp thời.
Sau này, trong bức thư gửi Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam ngày 19.1.1995, Đại tướng nhấn mạnh vai trò của tướng Phạm Kiệt: “Đặc biệt, tại mặt trận Điện Biên Phủ, cùng với nhiệm vụ phụ trách công tác bảo vệ, anh được tôi cử đi kiểm tra công tác chuẩn bị chiến trường ở phía Đông Bắc. Anh đã đến tận nơi, kiểm tra trận địa pháo binh, phát hiện sự nguy hiểm bố trí pháo binh dã chiến tại một địa bàn tương đối bằng phẳng. Lúc bấy giờ, toàn thể cán bộ và chiến sĩ đang hăng hái triển khai kế hoạch đánh nhanh. Bản thân tôi thì đang khẩn trương theo sát tình hình củng cố của địch và suy nghĩ về quyết định thay đổi phương châm. Chính vào lúc đó thì nhận được ý kiến của anh Phạm Kiệt phát biểu qua điện thoại. Anh trình bày vắn tắt tình hình và là người duy nhất lúc đó đã đề nghị tôi xem xét lại kế hoạch đánh nhanh”.
Đại tướng cho biết: “Sau này mới biết có cán bộ lo ngại nhưng khi đó không một ai nói lên ý nghĩ thật của mình vì ngại cho là dao động. Tôi đánh giá rất cao ý kiến của anh Kiệt…”. Đại tướng còn nói thêm: “Chỉ có Kiệt mới dám nói câu đó!”.
“Một tấm gương trong đến vô cùng”
Trung tướng Phạm Kiệt (tên thật là Phạm Quang Khanh) sinh ngày 10.1.1910 tại làng An Phú (nay thuộc thôn Minh Thành, xã Tịnh Minh, H.Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Tên tuổi Phạm Kiệt gắn với nhiều chiến công trên khắp các chiến trường cách mạng: Đội trưởng đội du kích Ba tơ (tháng 3.1945), 101 ngày phòng thủ Nha Trang (1945), Cục phó Cục Bảo vệ trong Chiến dịch Điện Biên Phủ…
Ông cũng là Tư lệnh kiêm Chính ủy lực lượng Công an vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng), Thứ trưởng Bộ Công an, từng chỉ huy hàng trăm trận đánh và chuyên án tiêu diệt hàng trăm gián điệp, biệt kích, bắn rơi nhiều máy bay, thu nhiều vũ khí, khí tài, tài liệu của địch, bảo vệ vững chắc miền Bắc. Những năm 1960, trong cuộc chiến đấu bảo vệ vùng giới tuyến Vĩnh Linh, ông chỉ đạo xây dựng địa đạo Vĩnh Mốc, rồi mở rộng ra nhiều xã khác, kiên quyết bám trụ, chiến đấu kiên cường. Nay địa đạo Vĩnh Mốc vẫn là tấm bia khắc ghi sự tích anh hùng của Vĩnh Linh một thời khói lửa, ghi đậm dấu Tư lệnh Phạm Kiệt.
Trong đời thường, tướng Phạm Kiệt giản dị, thủy chung, sâu sát, quan tâm đến nhân dân, chiến sĩ từ những việc nhỏ nhất. Ông đi nhiều đến những vùng khó khăn, gian khổ, nắm chắc tình hình và chỉ đạo khắc phục những khó khăn.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng – người cùng quê, cùng đồng hành trên nhiều chặng đường cách mạng với ông, nhận xét: “Trọn đời cống hiến tận tâm, trọn vẹn cho đồng bào, đất nước, không bao giờ đòi hỏi, thu vén cho gia đình. Anh sống giản dị và chất phác, luôn chăm lo cho cấp dưới, cho mọi người với tất cả những gì có thể. Ai từng công tác, tiếp xúc, hay cấp dưới đều kính trọng, kính nể, kính phục và yêu quý anh Phạm Kiệt… Anh Kiệt là một tấm gương trong đến vô cùng”.
13 giờ ngày 23.1.1975, trái tim đầy nhân hậu của người anh hùng – Trung tướng Phạm Kiệt đã ngừng đập. Nhân cách và bản lĩnh của ông đã để lại huyền thoại về một con người tận trung với nước, chí hiếu với dân.