Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh: Chậm thu hồi nợ, kế hoạch dòng tiền bị ảnh hưởng
Việc chậm thu hồi công nợ kéo dài khiến CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh (mã VSH) phải gia hạn trả cổ tức cho cổ đông, đồng thời tăng vay nợ từ công ty mẹ để đảm bảo dòng tiền trong năm 2024.
Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum mới đưa vào vận hành năm 2021, đang giai đoạn khấu hao và trả chi phí lãi vay ảnh: lê toàn |
Trả nợ vay Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum
CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh khởi công Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum từ năm 2009, nhưng tới đầu năm 2021 mới hòa lưới điện quốc gia và chính thức vận hành thương mại từ ngày 1/4/2021.
Được biết, theo kế hoạch ban đầu, Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum gồm 2 tổ máy, tổng công suất lắp máy là 220 MW, tổng vốn đầu tư 5.744 tỷ đồng (sau tăng vốn đầu tư lên 9.428 tỷ đồng) dự kiến đưa vào vận hành năm 2014. Tuy nhiên, do tranh chấp với nhà thầu, dự án bị chậm tiến độ kéo dài và tới đầu năm 2021 mới chính thức đưa vào vận hành.
Sau khi vận hành thêm Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, CTCP Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh nâng công suất toàn Công ty tăng thêm 220 MW, từ 136 MW (2 dự án), lên 356 MW (3 dự án).
Giai đoạn trước khi đưa vào vận hành thương mại Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh chưa phải ghi nhận chi phí tài chính do vốn hóa chi phí lãi vay vào vốn đầu tư dự án trong giai đoạn triển khai, đồng thời chưa phải khấu hao tài sản, vì vậy, hai chi phí cố định này gần như không đáng kể đối với hai dự án cũ đã vận hành nhiều năm. Nhưng sau khi vận hành thương mại dự án Thượng Kon Tum, từ năm 2021 đến năm 2023, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh lần lượt phải ghi nhận chi phí lãi vay là 323,4 tỷ đồng, 408,1 tỷ đồng và 392,4 tỷ đồng. Cũng trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, chi phí khấu hao ghi nhận lần lượt 470,1 tỷ đồng, 591,7 tỷ đồng và 587,3 tỷ đồng.
Thực tế, kể từ khi có thêm Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh ghi nhận kết quả lợi nhuận năm 2021 tăng 105,7%, lên 387,27 tỷ đồng; năm 2022 tiếp tục tăng 226,6%, lên 1.264,84 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang năm 2023, lợi nhuận giảm 21,4%, về 993,99 tỷ đồng và trong năm 2024, Công ty lên kế hoạch lợi nhuận giảm tới 49,2%, về 505,24 tỷ đồng.
Lý giải về kế hoạch kinh doanh lao dốc, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh dự báo tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn do hiện tượng EI Nino kéo dài từ năm 2023 vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến thủy văn tại khu vực miền Trung và Tây Nguyên trong năm 2024, đồng thời chính sách vận hành thị trường điện năm 2024 có thay đổi so với năm trước, ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ doanh thu tham gia thị trường điện của các nhà máy.
Gặp khó vì chậm thu hồi công nợ
Bên cạnh vấn đề bất lợi thời tiết trong năm 2024, về công nợ, tại thời điểm cuối năm 2023, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh ghi nhận phải thu của Công ty Mua bán điện (Tập đoàn Điện lực Việt Nam – EVN) tăng 47,2% so với đầu năm, tương ứng tăng thêm 375,7 tỷ đồng, lên 1.171 tỷ đồng, chiếm 12,3% tổng tài sản của Công ty (đầu năm chiếm 8,2% tổng tài sản).
Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh cho biết, tình hình tài chính của EVN đang gặp khó khăn, nên vấn đề thu nợ tiền điện bị chậm so với kế hoạch. Tại thời điểm ngày 31/12/2023, Công ty vẫn chưa được thanh toán công nợ giữ lại năm 2022 là 221,16 tỷ đồng và công nợ năm 2023 là 949,86 tỷ đồng.
Với việc chậm thu tiền từ EVN, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh phải thay đổi thời gian trả cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền, tương ứng trả tổng cộng khoảng 472,48 tỷ đồng cho cổ đông từ ngày 22/3/2024 sang ngày 3/10/2024, tức trễ hơn 6 tháng so với kế hoạch ban đầu.
“Theo quy định hóa đơn được chấp nhận, EVN sẽ phải thanh toán trong vòng 60 ngày, thời gian thanh toán năm 2023 đã kéo dài tới 90 ngày. Thực ra, nguyên nhân sâu xa là EVN thiếu dòng tiền thanh toán, khi khách hàng khó khăn, đặt ra tình huống Công ty phải thông cảm, nếu EVN không tăng giá điện sẽ không có cách nào để thanh toán được”, bà Nguyễn Thị Mai Thanh, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Cơ điện lạnh, công ty mẹ của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, chia sẻ về việc chậm thanh toán công nợ của EVN cho các nhà máy thủy điện trong năm 2023.
Cũng phải nói thêm, việc Dự án Thủy điện Thượng Kon Tum mới đi vào vận hành năm 2021, nên vẫn đang trong giai đoạn khấu hao tài sản, đồng thời dư nợ vay lớn, gây áp lực tài chính.
Thống kê từ ngày 31/12/2020 đến ngày 31/12/2023, tổng nợ vay của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh mới giảm 35,2% so với đầu kỳ, tương ứng giảm 2.028,6 tỷ đồng, từ 5.767,7 tỷ đồng (bằng 173,2% vốn chủ sở hữu), xuống 3.739,1 tỷ đồng (bằng 81,4% vốn chủ sở hữu). Trong đó, thời điểm cuối năm 2023, nợ vay ngắn hạn là 196,5 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 3.542,6 tỷ đồng.
Để cân đối dòng tiền, cuối năm 2023, Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh vay ngắn hạn 350 tỷ đồng từ Công ty cổ phần Cơ điện lạnh để thanh toán nợ dài hạn của Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM – Chi nhánh Thủ Đức.
Có thể thấy, việc chậm thu tiền từ EVN đã tác động lớn tới kế hoạch trả nợ vay, kế hoạch chia cổ tức của Thủy điện Vĩnh Sơn – Sông Hinh, buộc đơn vị này phải tìm nguồn tín dụng mới, nhằm tái cơ cấu khoản vay trước đó trong bối cảnh thủy văn dự báo không thuận lợi trong năm 2024.