Thiệt hại tối thiểu
Theo các giới chức Israel và Mỹ, hầu hết tất cả các tên lửa đạn đạo và máy bay không người lái mà Iran phóng vào vào lãnh thổ Israel khuya 13.4, rạng sáng 14.4 theo giờ Việt Nam, đều bị đánh chặn và trượt mục tiêu.
Phần lớn cuộc tấn công được tiến hành trực tiếp từ lãnh thổ Iran nhắm vào Israel trong khoảng 5 giờ. Tuy nhiên, quân đội Israel hôm nay 14.4 cho biết 99% trong số hơn 300 tên lửa và UAV do Iran bắn, đã bị Israel và các đối tác của nước này đánh chặn, chỉ có “một số lượng nhỏ” tên lửa đạn đạo chạm tới Israel.
Phía Israel cho biết tổng cộng có khoảng 170 UAV, hơn 30 tên lửa hành trình và hơn 120 tên lửa đạn đạo đã được Iran phóng vào Israel. Ngoài ra, người phát ngôn quân đội Israel Danial Hagari cho biết một số vũ khí phóng vào Israel được bắn từ Iraq và Yemen.
Trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu ngày 14.4, Tổng thống Mỹ Joe Biden nói rằng Israel giành chiến thắng vì không có tài sản nào bị ảnh hưởng.
Ông Danial Hagari cho biết các tên lửa đạn đạo vươn tới Israel đã rơi xuống căn cứ không quân Netavim (miền nam Israel), đồng thời nhấn mạnh cuộc tấn công chỉ gây ra thiệt hại nhẹ về cơ sở hạ tầng. Sau vụ việc, căn cứ vẫn hoạt động bình thường.
Những bức ảnh do lực lượng Không quân Israel công bố vào sáng sớm 14.4 cho thấy các máy bay chiến đấu F-35 và F-15 đang quay trở lại căn cứ sau khi thực hiện đánh chặn và nhiệm vụ phòng thủ trên không “thành công”.
Iran đã phát động cuộc tấn công để đáp trả cuộc không kích vào khu đại sứ quán của nước này ở Damascus vào ngày 1.4 khiến nhiều sĩ quan của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo thiệt mạng. Israel không nhận trách nhiệm về vụ tấn công.
Israel được nhiều nước hỗ trợ
Các quan chức Mỹ cho biết hơn 70 UAV và 3 tên lửa đạn đạo đã bị tàu hải quân và máy bay quân sự Mỹ đánh chặn và không đưa ra thông tin chi tiết về hệ thống phòng thủ đã được sử dụng để bắn hạ tên lửa. CNN ngày 14.4 đưa tin hải quân Mỹ đã bắn hạ ít nhất 3 tên lửa đạn đạo sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis trên 2 tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường ở phía đông Địa Trung Hải. Đồng thời, máy bay chiến đấu của Mỹ cũng bắn hạ nhiều bom đạn của Iran.
Mặc dù không tiết lộ địa điểm các máy bay phản lực Mỹ hoạt động. Tuy nhiên, Reuters ngày 14.4 dẫn lời một số nguồn thạo tin cho biết, lực lượng phòng không Mỹ hoạt động ở căn cứ quân sự Mỹ ở al-Tanf (Syria), cũng như dọc biên giới Jordan và miền đông Syria.
Trong một tuyên bố, Tổng thống Biden nói rằng Mỹ đã chuẩn bị tốt để giúp bảo vệ Israel trước cuộc tấn công của Iran. “Để hỗ trợ phòng thủ Israel, quân đội Mỹ đã điều động máy bay và tàu khu trục phòng thủ tên lửa đạn đạo tới khu vực trong tuần qua. Nhờ những đợt triển khai này và kỹ năng lành nghề của các quân nhân, chúng tôi đã giúp Israel hạ gục gần như toàn bộ UAV và tên lửa phóng tới”, ông Biden nói.
Anh cũng cho biết họ sẵn sàng can thiệp bằng cách sử dụng máy bay của Không quân Hoàng gia Anh ở trong khu vực. Một tuyên bố của Bộ Quốc phòng Anh cho biết: “Những máy bay phản lực này của Anh sẽ ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công trên không nào trong phạm vi hoạt động hiện có của chúng tôi”.
Trên tờ The Times of Israel ngày 14.4, người phát ngôn quân đội Israel Danial Hagari cũng cho hay Pháp nằm trong số các quốc gia đã tham gia bảo vệ Israel trước cuộc tấn công của Iran. “Pháp có công nghệ, máy bay phản lực, radar rất tốt – và tôi biết họ đang góp phần tuần tra không phận”, ông Danial Hagari tiết lộ. Ông không cung cấp thông tin chi tiết về việc máy bay phản lực Pháp có bắn hạ bất kỳ tên lửa nào được phóng bởi Iran.
“Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Mỹ, Anh và Pháp – những nước đã hành động tối 13.4. Mối quan hệ hợp tác này luôn thân thiết, nhưng tối nay nó lại thể hiện theo một cách khác thường”, ông Danial Hagari cho hay.
Hiện phía Anh và Pháp chưa phản hồi về thông tin trên.
Quốc phòng nội địa vững chắc
Israel vận hành một loạt hệ thống để ngăn chặn các cuộc tấn công từ mọi loại tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tên lửa bay thấp. Trong đó, hệ thống Iron Dome (Vòm Sắt) của Israel thường xuyên được chú ý kể từ khi giao tranh Hamas – Israel nổ ra vào ngày 7.10.2023, gây ra tình trạng hỗn loạn hiện nay trong khu vực.
Theo Tổ chức phòng thủ tên lửa nước này (IMDO), Vòm Sắt là tầng dưới cùng của hệ thống phòng thủ tên lửa của Israel.
Trên khắp Israel, có ít nhất 10 khẩu đội Vòm Sắt. Mỗi khẩu đội được trang bị radar phát hiện tên lửa, sau đó sử dụng hệ thống chỉ huy và kiểm soát để tính toán nhanh xem liệu một quả đạn bay tới có gây ra mối đe dọa hay có khả năng bắn trúng khu vực không có người ở hay không. Nếu tên lửa gây ra mối đe dọa, Vòm Sắt sẽ bắn tên lửa từ mặt đất để đánh chặn chúng trên không.
Theo IMDO, bậc thang tiếp theo trong thang phòng thủ tên lửa là hệ thống tên lửa phòng không David’s Sling, giúp bảo vệ chống lại các mối đe dọa tầm ngắn và tầm trung. Hệ thống này được phát triển bởi IMDO và Công ty quốc phòng Raytheon của Mỹ.
Cuối cùng là các hệ thống Arrow 2 và Arrow 3 của Israel, do Mỹ hợp tác phát triển. Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS-Mỹ), Arrow 2 sử dụng đầu đạn phân mảnh để tiêu diệt tên lửa đạn đạo đang phóng tới trong giai đoạn cuối – khi chúng lao tới mục tiêu – ở tầng trên bầu khí quyển. Liên minh Vận động Phòng thủ Tên lửa (MDAA – Mỹ) mô tả Arrow 2 là bản nâng cấp của hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của Mỹ với tầm bắn 90 km và độ cao tối đa 51 km.
Trong khi đó, Arrow 3 sử dụng công nghệ tấn công để đánh chặn tên lửa đạn đạo đang bay tới trong không gian, trước khi chúng quay trở lại bầu khí quyển trên đường tới mục tiêu. Ngoài ra, Israel cũng có máy bay chiến đấu hiện đại, bao gồm cả máy bay tàng hình F-35I mà trước đây nước này từng bắn hạ UAV và tên lửa hành trình.