Nhật BảnNgôi nhà ở vùng rừng núi có thiết kế độc đáo với những bức tường cao 3 m xây từ khoảng 2.050 khối bêtông hấp thụ carbon.
Một ngôi nhà ở Karuizawa, thị trấn trên núi gần Nagano, Nhật Bản, có những bức tường làm bằng bêtông hấp thụ CO2 đầu tiên trên thế giới có tên (CO2-SUICOM), Interesting Engineering hôm 8/4 đưa tin. Ngôi nhà nằm ven đường, trong một khu đất dài 110 m. Karuizawa là một trong những thị trấn nghỉ dưỡng miền núi lâu đời và nổi tiếng nhất Nhật Bản.
Loại bê tông mới này được chế tạo bằng cách thay thế một phần xi măng bằng một loại phụ phẩm công nghiệp, đồng thời bổ sung vật liệu hấp thụ CO2, nhờ đó giảm lượng phát thải của quá trình sản xuất. Chúng do các công ty Kajima, Điện lực Chugoku, Denka và Landes cùng phát triển.
Độ chắc chắn của bêtông hấp thụ CO2 tương đương với bêtông thông thường. Để chế tạo, bêtông đã tạo hình được đặt vào một buồng bảo dưỡng. Sau đó, CO2 được bơm vào buồng để bêtông hấp thụ. CO2 từ nhiều nguồn khác nhau có thể được sử dụng trực tiếp. Trong khi những khối bêtông thông thường thải ra khoảng 300 kg CO2 mỗi m3, CO2-SUICOM có thể đạt được sự trung hòa carbon (lượng carbon thải ra bằng lượng carbon hấp thụ). CO2 hấp thụ được giữ cố định bên trong bêtông và sẽ không thoát ra ngoài khí quyển.
Nendo thiết kế những bức tường bêtông giống như lưới chắn. Khoảng 2.050 khối bêtông được xếp thành nhiều hàng để tạo thành 5 bức tường cao 3 m. Nhóm xây dựng đã điều chỉnh góc của các khối để kiểm soát tầm nhìn. Tùy thuộc vào cách sắp xếp các khối, họ kiểm soát những gì có thể nhìn thấy và những gì cần che đi, đảm bảo độ thông thoáng và cả sự riêng tư.
Nendo sử dụng bêtông hấp thụ carbon trong xây dựng nhằm góp phần giảm lượng phát thải CO2 trên thế giới. Theo một nghiên cứu công bố trên ResearchGate năm 2023, quá trình sản xuất xi măng và bêtông trên thế giới tạo ra khoảng 8% tổng lượng khí thải carbon. Lượng khí thải CO2 từ năng lượng dùng trong ngành xi măng vào năm 2020 chiếm khoảng 1,2% tổng lượng khí thải của Nhật Bản.
Thu Thảo (Theo Interesting Engineering)