Phát triển nông nghiệp công nghệ cao giai đoạn 2021 – 2030 của Ninh Thuận giai đoạn đầu đã có những thành tựu đáng ghi nhận, tuy nhiên, chặng đường phía trước vẫn còn đầy khó khăn.
Chưa được nhân rộng
Theo ngành chức năng, trong thời gian qua, những kết quả đạt được về tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp Ninh Thuận là khá cao, nhưng sự tăng trưởng trong trồng trọt nói riêng và trong sản xuất nông nghiệp nói chung mới tăng trưởng về số lượng, diện tích, sản lượng mà chưa tăng trưởng hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm, khiến sản phẩm bị thất thế khi cạnh tranh trên thị trường.
Trong quá trình phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao ở Ninh Thuận, bên cạnh những thành tựu đã lộ ra không ít khó khăn, hạn chế cần phải tháo gỡ.
Ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận đánh giá: Các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở Ninh Thuận chưa phát triển đồng bộ, quy mô sản xuất còn nhỏ lẻ, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp chưa cao. Bên cạnh đó, việc huy động, lồng ghép, sử dụng hiệu quả các nguồn lực phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao chưa đáp ứng yêu cầu; sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chưa tạo được những vùng sản xuất liên canh, liên kết chưa chặt chẽ.
Đáng quan ngại nhất là công cuộc phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận hiện chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư, do nhà đầu tư khó tiếp cận quỹ đất, nguồn vốn đầu tư; sản xuất và chế biến chưa thật sự gắn kết.
Thêm nữa, Ninh Thuận chưa hình thành khu nông nghiệp công nghệ cao, nguồn nhân lực trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao chưa có nhiều và chưa được đào tạo cơ bản. Diện tích đất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ, phân bố không tập trung. Đặc biệt là đất đai để sản xuất nông nghiệp chủ yếu là của nông dân, phần lớn diện tích còn nhỏ lẻ, phân tán nên chưa có nhiều những tổ chức hợp tác lớn.
“Việc ứng dụng các công nghệ để tạo ra môi trường thuận lợi cho sản xuất mới chỉ dừng ở mô hình, hoặc quy mô trong các doanh nghiệp chứ chưa ứng dụng rộng rãi do chi phí đầu tư rất cao, nông dân thiếu vốn và việc ứng dụng vẫn chưa đồng bộ. Việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp còn ở quy mô cục bộ, một số vùng sản xuất hoặc mô hình điển hình chứ chưa được nhân rộng từng địa phương”, ông Đặng Kim Cương đánh giá
Nhận diện những khó khăn
Nguyên nhân phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận chưa đáp ứng được kỳ kỳ vọng là do xuất phát điểm rất thấp; cơ chế, chính sách, nguồn lực tiếp cận các quy trình, công nghệ mới, giống mới còn hạn chế; nguồn lực đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao còn khó khăn và chưa đồng bộ.
Thêm vào đó, cơ chế, chính sách về đất đai, nguồn vốn còn bất cập, chưa tạo động lực khuyến khích để phát triển nông nghiệp công nghệ cao đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân. Đặc biệt là công tác triển khai thực hiện quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư còn chậm.
Để khắc phục những tồn tại nêu trên, ngành nông nghiệp Ninh Thuận đã kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá đến nhà đầu tư các cơ chế, chính sách, giải pháp, định hướng thu hút đầu tư; quảng bá và xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh.
Tổ chức thực hiện hiệu quả các chương trình xúc tiến thương mại, tiếp cận thị trường, gắn liên kết sản xuất với tiêu thụ và chế biến; đẩy mạnh xúc tiến đầu tư để các doanh nghiệp đầu tư vào các khu quy hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến trong chế biến các sản phẩm nông sản đặc thù thông qua chương trình khuyến công; đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với từng sản phẩm nông sản đặc thù định hướng xuất khẩu của tỉnh.
“Đối với vùng hưởng lợi hệ thống thủy lợi Tân Mỹ, Sở NN-PTNT Ninh Thuận đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở KH-CN sớm bàn giao sản phẩm đề tài để ngành nông nghiệp phối hợp cùng với các địa phương triển khai dự án vùng nông nghiệp công nghệ cao Thành Sơn – Phước Nhơn”, ông Đặng Kim Cương, Giám đốc Sở NN-PTNT Ninh Thuận đề nghị.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong thời gian tới, tình hình kinh tế trong nước nói chung, Ninh Thuận nói riêng có cả thuận lợi, khó khăn và thách thức đan xen. Nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới phức tạp hơn đặt ra đối với nhiệm vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn.
Ông Trịnh Minh Hoàng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận: “Quy mô sản xuất nông nghiệp của Ninh Thuận còn nhỏ lẻ và hàm lượng khoa học, công nghệ chưa nhiều. Chưa có nhiều nhà đầu tư tham gia đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; trình độ, năng lực, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp, chưa đồng đều, có sự chênh lệch lớn giữa các địa phương trong tỉnh là những trở ngại với lộ trình phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Ninh Thuận”.