Theo dự thảo, viên chức làm nhiệm vụ tư vấn học sinh trong trường học có nhiệm vụ chính như: tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện công tác tư vấn học sinh của nhà trường; báo cáo định kỳ, thường xuyên theo quy định; quản lý, theo dõi hệ thống hồ sơ, sổ sách liên quan đến công tác tư vấn học sinh.
Thực hiện các hoạt động tư vấn, hỗ trợ cho học sinh khi gặp vấn đề khó khăn ảnh hưởng đến quá trình hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất; chủ trì phối hợp với giáo viên, nhân viên trong nhà trường, các tổ chức, cá nhân ngoài nhà trường tổ chức đánh giá, rà soát phòng ngừa và thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh (bao gồm cả tư vấn cá nhân, tư vấn nhóm hay tư vấn tập thể) thông qua các hình thức tư vấn trực tiếp, tư vấn gián tiếp hoặc trực tuyến.
Phối hợp với giáo viên trong các hoạt động giáo dục học sinh liên quan đến công tác tư vấn; hoàn thành các chương trình bồi dưỡng; tự học, tự bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ; thực hiện các nhiệm vụ khác do hiệu trưởng phân công.
Liên quan đến tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng, dự thảo thông tư quy định người làm công tác tư vấn học sinh trong trường học phải có bằng tốt nghiệp đại học trở lên chuyên ngành đào tạo thuộc một trong những ngành: tâm lý học, công tác xã hội, xã hội học, đào tạo giáo viên theo chuyên ngành tương ứng với cấp học được tuyển dụng.
Hoàn thành chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh theo quy định.
Tiêu chuẩn về năng lực chuyên môn, nghiệp vụ, dự thảo nêu yêu cầu: hiểu biết về các quy định của ngành đối với cấp học vào trong công tác tư vấn học sinh; có khả năng tham mưu xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các hoạt động tư vấn học sinh của nhà trường theo kế hoạch.
Có khả năng biết được đặc điểm tâm, sinh lý lứa tuổi, sức khỏe của học sinh; nhận diện được tính đa dạng và tính nhạy cảm của đối tượng cần tư vấn, hỗ trợ; có khả năng xây dựng và thực hiện các nội dung, chương trình tư vấn học sinh nhằm hỗ trợ học sinh phát triển toàn diện về năng lực, phẩm chất.
Có hiểu biết về kiến thức pháp luật, tâm lý, xã hội và các kiến thức khác có liên quan đến công tác tư vấn học sinh để áp dụng thực hiện trong hoạt động nghề nghiệp; có kỹ năng sư phạm và ứng dụng công nghệ thông tin vào trong công tác; có khả năng phối hợp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để thực hiện nhiệm vụ tư vấn, hỗ trợ học sinh…
Viên chức được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp viên chức tư vấn học sinh quy định tại thông tư này được áp dụng bảng lương viên chức tại bảng 3 (bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ đối với cán bộ, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp của Nhà nước) ban hành kèm theo Nghị định của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức.
Cần vị trí chuyên biệt thay vì kiêm nhiệm như hiện nay?
Hiện nay, phần lớn các cơ sở giáo dục phổ thông công lập đều chưa có viên chức làm nhiệm vụ tư vấn học đường, công tác tư vấn học sinh đều được thực hiện dưới hình thức giao cho giáo viên kiêm nhiệm.
Các chuyên gia về giáo dục, tâm lý đã nhiều lần lên tiếng đề nghị phải có vị trí chuyên biệt về tư vấn học đường thay vì kiêm nhiệm như hiện nay.
GS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), cho rằng giáo viên kiêm nhiệm không thể đảm đương được công tác tâm lý học đường.
“Chúng tôi có tham gia bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm và thấy rằng vẫn có tư tưởng dùng quyền lực chuyên môn để tư vấn dẫn tới ức chế cho học sinh. Do vậy, nhân lực trong lĩnh vực này phải chuyên biệt, tiếc tiền mấy cũng nên có một vị trí như vậy trong trường học”, GS Thanh đề nghị.
Đại diện Bộ GD-ĐT cho biết, thông tư này được ban hành sẽ là căn cứ để thực hiện tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức tư vấn học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông công lập, khắc phục tình trạng không có biên chế tuyển dụng như hiện nay.
Người đứng đầu các cơ sở giáo dục phổ thông công lập trực tiếp quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm rà soát đề án vị trí việc làm, lập phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức tư vấn học sinh thuộc thẩm quyền quản lý, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định hoặc quyết định theo thẩm quyền phân cấp…