Tại đình Nội Bình Đà (huyện Thanh Oai, Hà Nội), lễ khai hội Bình Đà năm 2024 đã được tổ chức với đêm nghệ thuật ấn tượng và màn trình diễn nghệ thuật của 200 drone mở đầu cho hành trình về với nguồn cội “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội”.
Lễ hội Bình Đà là một trong những lễ hội cổ truyền lớn có từ xa xưa của vùng. Qua lễ hội, người dân muốn ôn lại ký ức của buổi đầu khai sinh, lập địa, tưởng nhớ công đức của Đức công Quốc tổ Lạc Long Quân.
Phát biểu tại lễ khai hội, Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Bùi Văn Sáng cho biết mặc dù trải qua nhiều thăng trầm, có lúc bị gián đoạn do chiến tranh, nhưng đến nay lễ hội truyền thống Bình Đà vẫn được gìn giữ và trao truyền qua nhiều thế hệ với đầy đủ các lễ nghi nghiêm cẩn theo luật tục xưa. Cùng với thời gian, lễ hội ngày càng lan tỏa, phát triển, thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về.
Đình Nội Bình Đà đã được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia năm 1990. Lễ hội Bình Đà được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể văn hóa cấp quốc gia đầu tiên của thành phố Hà Nội năm 2014.
Lễ hội Bình Đà năm nay diễn ra từ ngày 12-4 đến 14-4 (tức mùng 4 đến mùng 6 tháng 3 năm Giáp Thìn 2024) với nhiều nghi lễ đặc sắc.
Cùng với khai hội Bình Đà, tuyến du lịch “Con đường di sản Nam Thăng Long – Hà Nội – Điểm về nguồn cội” cũng chính thức được công bố kết nối di sản tại 3 huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức.
Tuyến du lịch này là tuyến du lịch nội đô chính thức đầu tiên được công bố trong kế hoạch phát triển hệ thống các tuyến du lịch kết nối trung tâm Hà Nội với các địa phương ở ngoại thành Hà Nội và xa hơn là kết nối với các tỉnh, thành phố khác trong vùng thủ đô Hà Nội, vùng Đồng bằng sông Hồng.
Trong chuyến hành trình này, du khách sẽ được khám phá “Con đường di sản Nam Thăng Long” với các làng nghề, di tích mang đậm văn hóa, lịch sử… của mảnh đất phía nam Hà Nội.
Đó là đình Nội Bình Đà (xã Bình Minh, huyện Thanh Oai) gắn với truyền thuyết Lạc Long Quân và Âu Cơ – truyền thuyết về tổ tiên của người Việt Nam.
Làng nghề tăm hương (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) nổi tiếng với điểm chụp ảnh bởi sự hấp dẫn về màu sắc và cách sắp đặt tăm hương và nhiều nét đẹp khác về nghề và văn hóa ở địa phương.
Và làng nghề dệt (xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức), thường gọi theo sản phẩm độc đáo Làng tơ tằm – tơ sen Mỹ Đức sẽ mang đến cho du khách những trải nghiệm từ các công đoạn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, trồng sen làm sợi tơ sen, dệt thêu tơ sen làm nên sản phẩm độc đáo.