(MPI) – Dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Soạn thảo xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, chiều ngày 05/4/2024, Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập đã họp cho ý kiến cụ thể đối với Dự thảo này. Thứ trưởng Trần Duy Đông, Phó Trưởng Ban Soạn thảo tham dự cuộc họp.
Toàn cảnh cuộc họp. Ảnh: MPI |
Tham dự cuộc họp có đại diện các bộ, ngành, các đơn vị liên quan của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập. Về phía tỉnh Nghệ An có Bí thư tỉnh ủy Thái Thanh Quý, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành có liên quan.
Tại Nghị quyết số 39/NQ-CP ngày 03/4/2024, Chính phủ đã thống nhất thông qua Đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An và trình Quốc hội quyết định việc xây dựng, ban hành Nghị quyết theo trình tự, thủ tục rút gọn tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV (tháng 5 năm 2024) theo quy trình xem xét, thông qua tại một kỳ họp.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã phối hợp chặt chẽ với UBND tỉnh Nghệ An và các bộ, ngành rà soát nội dung chính sách, trên nguyên tắc bảo đảm cơ sở lý luận, thực tiễn, khoa học, pháp lý đầy đủ, chính sách thuộc thẩm quyền Quốc hội và phù hợp tình hình thực tế của tỉnh nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển của tỉnh Nghệ An.
Ngày 29/3/2024, Đảng đoàn Quốc hội đã làm việc với Ban Thường vụ tỉnh Nghệ An. Tại cuộc họp, Chủ tịch Quốc hội chỉ đạo bổ sung một số cơ chế chính sách cho tỉnh Nghệ An, tập trung vào các chính sách cụ thể để bổ sung nguồn lực và tăng cường phân cấp phân quyền, giúp tháo gỡ các vướng mắc từ thực tiễn của địa phương và tạo đột phá mới cho phát triển của tỉnh Nghệ An.
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Dự thảo Nghị quyết đề xuất gồm 04 nhóm lĩnh vực với tổng số 20 chính sách. Trong đó: Quản lý tài chính – ngân sách nhà nước (07 chính sách); Quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường (02 chính sách); Quản lý đầu tư (07 chính sách); Tổ chức bộ máy và biên chế (04 chính sách). Trong tổng các nhóm chính sách này, có 05 nhóm chính sách tương đồng với các tỉnh, thành phố đã có Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm chính sách đặc thù; 04 nhóm chính sách tương tự một phần với các chính sách đã áp dụng; 06 chính sách mới, chưa áp dụng với các địa phương, bao gồm: một là, cho phép tỉnh Nghệ An không xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương đối với các nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế – xã hội vùng miền Tây Nghệ An.
Hai là, cho phép Ngân sách tỉnh Nghệ An được hưởng 100% số tăng thu do ngân sách trung ương được hưởng từ các khoản thu: thuế bảo vệ môi trường (từ hàng hóa sản xuất trong nước), tiền cấp quyền khai thác khoáng sản đối với các giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp và các loại phí, lệ phí do cơ quan Trung ương thu trên địa bàn tỉnh.
Ba là, khai thác, phát triển quỹ đất đô thị. Bốn là, cho phép tỉnh Nghệ An được giữ lại và sử dụng nguồn kinh phí trồng rừng thay thế khi chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác thu từ các dự án không có điều kiện tự trồng rừng thay thế để thực hiện biện pháp lâm sinh khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hoặc khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên; phát triển giống cây lâm nghiệp; phát triển kết cấu hạ tầng phục vụ bảo vệ và phát triển rừng.
Năm là, Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có không quá 05 Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Sáu là, cho phép tỉnh Nghệ An được phân bổ thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các chi nhánh, đơn vị trực thuộc, địa điểm kinh doanh của các doanh nghiệp ngoại tỉnh thuộc các lĩnh vực dịch vụ tài chính – ngân hàng, bảo hiểm, viễn thông, hàng không hoạt động trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Khoản thu này không dùng để xác định số bổ sung cân đối từ ngân sách trung ương cho ngân sách địa phương.
Tham gia ý kiến tại cuộc họp, các đại biểu cơ bản thống nhất về sự cần thiết ban hành Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An nhằm thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn; nhằm thể chế hóa đầy đủ quy định củaNghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm phát huy mọi tiềm năng, lợi thế để phát triển tỉnh Nghệ An nhanh và bền vững.
Bên cạnh đó, các ý kiến cũng tập trung vào các nhóm chính sách mới, chưa áp dụng với các địa phương và các nhóm chính sách tỉnh Nghệ An đề xuất sau khi tiếp thu chỉ đạo của Đảng đoàn Quốc hội liên quan đến phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương không quá 1,5 lần số vốn tính theo nguyên tắc, tiêu chí và định mức quy định tại nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước giai đoạn 2026-2030 (không bao gồm số vốn đầu tư cho các dự án trọng điểm, liên vùng); ngân sách tỉnh Nghệ An được giữ lại; tỷ lệ vốn nhà nước tham gia đối với dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư trên địa bàn tỉnh Nghệ An; việc lựa chọn áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong nước và nước ngoài; quy định tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức kinh tế – kỹ thuật, định mức chi phí, đơn giá trong các lĩnh vực;…
Bí thư tỉnh ủy Nghệ An Đà Nẵng Thái Thanh Quý phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Phát biểu tại cuộc họp, thay mặt lãnh đạo tỉnh Nghệ An, Bí thư tỉnh ủy Thái Thanh Quý cảm ơn Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cá nhân Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cùng các bộ, ngành liên quan đã quan tâm, hỗ trợ, phối hợp tích cực với tỉnh Nghệ An để xây dựng hồ sơ trình Quốc hội về thí điểm về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An. Đồng thời cho biết, trong thời gian qua, dưới sự chủ trì của Thứ trưởng Trần Duy Đông, Tổ Biên tập đã rất tích cực trong việc nghiên cứu, xây dựng, hoàn hiện dự thảo.
Ông Thái Thanh Quý cũng nhấn mạnh đến các khó khăn thách thức hiện nay của tỉnh Nghệ An, đặc biệt là khu vực miền Tây của tỉnh, nơi có diện tích rộng, có đường biên giới dài nhất cả nước, là khu vực trọng yếu về an ninh nhưng đến nay vẫn còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo cao. Do vậy, tỉnh cũng đề xuất một số chính sách về quản lý tài chính để tạo nguồn lực giúp ưu tiên đầu tư, thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội và bảo đảm quốc phòng tại các huyện nghèo khu vực miền Tây Nghệ An.
Lãnh đạo tỉnh Nghệ An cũng đã giải trình, làm rõ thêm các vấn đề được đại biểu nêu liên quan đến các chính sách cụ thể và khẳng định, trên cơ sở các ý kiến góp ý, tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổ Biên tập rà soát các nhóm chính sách đảm bảo chất lượng, gắn với mục tiêu theo tinh thần Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị; tăng cường liên kết với các địa phương để tạo ra cực tăng trưởng của Nghệ An.
Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đánh giá cao sự tích cực, chủ động của tỉnh Nghệ An trong quá trình xây dựng dự thảo Nghị quyết; đánh giá cao sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan trong quá trình tham gia ý kiến góp ý. Đồng thời nhấn mạnh đến sự cần thiết xây dựng Nghị quyết nhằm cho phát huy hết các tiềm năng lợi thế, tạo sức bật, động lực mới để tỉnh Nghệ An phát triển trong thời gian tới.
Điều quan trọng nhấn là phải tìm ra các giải pháp, các cơ chế, chính sách trúng và đúng, đủ mạnh để giúp tỉnh Nghệ An có thể phát triển nhanh hơn và mục tiêu là tự cân đối được ngân sách; trở thành các trung tâm đã được xác định tại Nghị quyết của Bộ Chính trị; phát huy cao nhất tiềm năng, thế mạnh, xây dựng, phát triển tỉnh Nghệ An toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của cả nước, quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: MPI |
Nhấn mạnh đến tiềm năng, lợi thế, hạn chế, khó khăn cũng như vai trò, vị trí của tỉnh Nghệ An, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nêu rõ, điều này đã được xác định rõ trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị, Quốc hội; trong quy hoạch vùng, quy hoạch tổng thể quốc gia: Nghệ An là trung tâm của khu vực Bắc Trung Bộ về thương mại, logistics, y tế, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có khả năng ứng phó và thích ứng có hiệu quả với thiên tai, biến đổi khí hậu; đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân không ngừng được nâng cao; là một trong những động lực phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.
Nghệ An là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển là tỉnh có diện tích lớn nhất cả nước và dân số đứng thứ tư cả nước. Mặc dù thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng trọng phát triển nhưng đến nay, Nghệ An vẫn là tỉnh còn nhiều khó khăn, chưa cân đối được ngân sách, chưa phát huy được vai trò là trung tâm của vùng trong một số lĩnh vực được đề ra; chưa khai thác hết các tiềm năng, lợi thế để phát triển. Do vậy, để tạo điều kiện cho tỉnh Nghệ An thực hiện được các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội được giao cần nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đủ mạnh, mang tính đột phá để phát triển.
Bên cạnh phân tích, nhấn mạnh đến các cơ chế, chính sách được đề xuất tại Dự thảo và Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã gợi mở thêm một số nội dung cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá, đề xuất như làm thế nào để tăng cường tính liên kết giữa Nghệ An với các tỉnh xung quanh nhằm khai thác các tiềm năng, lợi thế, đặc biệt là các hạ tầng sẵn có như sân bay, cảng biển để khai thác phát huy tiềm năng thu hút đầu tư; phải có các giải pháp phải căn cơ, lâu dài; có cơ chế bổ sung nguồn lực đầu tư, tạo sự bứt phá táo bạo; đặc biệt các cơ chế, chính sách phát triển khu vực miền Tây của tỉnh Nghệ An, đảm bảo an sinh, ổn định trật tự an ninh xã hội; thu hút, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế cho phát triển, nhất là phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế – xã hội và những vùng, ngành, lĩnh vực kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, có tiềm năng, lợi thế, thực sự tạo đột phá cho phát triển của tỉnh.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Nghệ An tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để rà soát lại tất cả các cơ chế, chính sách được đề xuất; giải trình làm rõ các nội hàm và gửi lấy ý kiến các bộ, ngành trên cơ sở hồ sơ mới để báo cáo, trình cấp thẩm quyền theo quy định. Đồng thời đề nghị thành viên Ban Soạn thảo, Tổ Biên tập tiếp tục nghiên cứu với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm để đưa ra các cơ chế, chính sách mang tính đột phá để Nghệ An phát triển trong thời gian tới, đạt được mục tiêu, định hướng, vai trò, sứ mệnh đã được giao tại các Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Quốc hội, Chính phủ./.