Đối với nhập khẩu chính ngạch, theo ông Trọng, gà loại thải chủ yếu nhập từ Hàn Quốc. Về mặt thị trường, không thể cấm nhập vì người dân vẫn đang sử dụng.
Nơi xuất khẩu, doanh nghiệp có giấy phép và đủ điều kiện, trong khi Việt Nam chưa xây dựng được hàng rào kỹ thuật phù hợp để ngăn nhập khẩu loại gà này.
“Ngành nông nghiệp từng tính đến việc áp các chỉ tiêu kháng sinh hoặc một số chất tồn dư trong gà loại thải nhưng khi xét nghiệm, phân tích thì đều không vượt ngưỡng cho phép nên không thể cấm nhập” – ông Trọng nói.
Đối với tiểu ngạch và nhập lậu, ông Trọng cho hay gà loại thải “tuồn” vào chủ yếu từ Trung Quốc, Thái Lan, Lào. Gà loại thải nhập lậu, tiểu ngạch giá rẻ hơn rất nhiều so với gà trong nước.
“Gà loại thải nhập chính ngạch không đáng lo bởi được kiểm soát rất kỹ về an toàn dịch bệnh và an toàn thực phẩm. Muốn ngăn gà loại thải nhập chính ngạch cần nghiên cứu xây dựng hàng rào kỹ thuật.
Nhưng gà nhập tiểu ngạch, nhập lậu thì nhiều nguy cơ dẫn đến dịch bệnh cho gia cầm và sang người, nguy cơ mất an toàn cho người khi sử dụng.
Các địa phương biên giới, lực lượng chống buôn lậu phải kiểm soát, ngăn chặn, cấm nhập tiểu ngạch, nhập lậu gà loại thải để bảo vệ chăn nuôi trong nước cũng như sức khỏe” – ông Trọng nói.
Còn ông Nguyễn Thanh Sơn, chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm, cho biết hiện tình hình nhập lậu gia cầm qua biên giới phía Bắc đã được kiểm soát khá tốt. Tuy nhiên nhập lậu gà đẻ loại thải ở biên giới phía Nam vẫn diễn ra.
“Theo số liệu tôi mới nhận được đầu tháng 4, ước tính mỗi tuần nhập lậu khoảng 60.000 con gà đẻ loại thải (khoảng 240 tấn/tuần) từ biên giới phía Nam, trong đó có nhiều gà có nguồn gốc từ Thái Lan.
Qua phản ảnh của một số doanh nghiệp, hiện có một số doanh nghiệp Việt Nam được nhập khẩu chính thức gà từ Thái Lan, có “thủ đoạn” trà trộn gà đẻ loại thải vào để nhập về” – ông Sơn chia sẻ.
“Cần nâng tỉ lệ % lấy mẫu kiểm tra các lô hàng nhập khẩu, thay vì 5 container lấy 1 mẫu thì lấy 100% để kiểm soát. Bổ sung thêm chỉ tiêu Salmonella và E.coli vào sản phẩm thịt nhập khẩu. Đây là hai chỉ tiêu liên quan đến ngộ độc thực phẩm, như ở Nha Trang vừa qua xảy ra ngộ độc về thịt gà do tồn dư các vi khuẩn có hại.
Rà soát bổ sung thêm một số quy định chặt chẽ hơn, từ đó tạo hàng rào kỹ thuật để kiểm soát chất lượng thịt nhập khẩu nói chung và thịt gà nói riêng” – ông Sơn nói.