Sạt lở đê hữu Cầu sẽ diễn biến nhanh, nguy hiểm do hội tụ bốn yếu tố bất lợi gồm hình thái, địa chất, dòng chảy và tác nhân con người, theo Viện Khoa học Thủy lợi VN.
Đê hữu Cầu đoạn qua phường Vạn An, TP Bắc Ninh những ngày qua sạt lở khiến nhiều nhà sập và đổ nghiêng, đe dọa tính mạng, tài sản của người dân cũng như an toàn con đê này. VnExpress phỏng vấn GS.TS Trần Đình Hòa, Viện trưởng Khoa học Thủy lợi VN – đơn vị đang tư vấn cho tỉnh Bắc Ninh phương án khắc phục sự cố.
– Ông đánh giá thế nào về tình trạng sạt lở đê sông Cầu?
– Ngay sau khi xảy ra sự cố hôm 7/4, theo đề nghị của tỉnh Bắc Ninh, cán bộ của Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam đã xuống hiện trường khảo sát. Đánh giá sơ bộ cho thấy khu vực bờ sông bị sạt trượt dài khoảng 50 m, sâu vào bãi sông 20-25 m. Xem xét địa hình, vị trí này nằm trên mặt bằng đoạn sông cong gấp trong phạm vi rất ngắn, đường lạch sâu áp sát bờ và đỉnh cong của dòng chảy. Do đó, dòng chảy có xu hướng thúc thẳng vào bờ.
Theo mặt cắt ngang bờ sông, nhà cửa dày đặc trên bờ sông dốc. Đoạn sạt lở thuộc loại trượt sâu, chênh cao giữa đáy sông và mặt bờ bãi 15-20 m. Ngoài ra, địa chất vùng ven sông ở đây khá yếu, rất nhạy cảm, dễ sạt lở khi có biến động dòng chảy và thay đổi tải trọng.
Tôi cho rằng vị trí sạt lở rất bất lợi cả về hình thái sông, địa chất, dòng chảy và chất tải do nhà dân xây dựng ra đến tận mép bờ sông. Khu vực tiếp giáp, lân cận điểm sạt lở cũng có những đặc điểm tương tự, tiềm ẩn nguy cơ sạt lở cao.
– Nguyên nhân nào dẫn tới tình trạng này?
– Đối với vấn đề sạt lở bờ sông, biển nói chung, có bốn nguyên nhân chính: Hình thái sông (địa hình, trạng thái dòng chảy); thủy động lực học, dòng chảy; địa chất, nền móng; các tác nhân khác (chất tải làm biến đổi cấu trúc lòng dẫn, bờ). Khu vực sạt lở rất không may hội tụ cả bốn yếu tố bất lợi.
Nhóm nguyên nhân khách quan đầu tiên là hình thái sông. Dễ nhận thấy vị trí bị sạt lở xảy ra ở đoạn sông cong, hướng dòng chảy thẳng vào bờ, gây bất lợi và tốc độ xói rất lớn. Lưu tốc dòng chảy ở đáy sông đoạn sạt lở lớn hơn khả năng kháng xói của vật liệu đất lòng sông.
Tiếp theo là điều kiện thủy, động lực học. Theo nghiên cứu của Viện, xét trên toàn hệ thống vùng hạ du sông Hồng – Thái Bình, lòng dẫn các sông những năm gần đây biến động rất mạnh. Lòng dẫn hạ thấp, đặc biệt là các nhánh thuộc hạ du sông Đuống. Điều này khiến thủy triều ảnh hưởng đến dòng chảy ngày càng mạnh, tác động rất sâu về phía thượng nguồn. Do vậy, có thời điểm giáp ranh pha thủy triều rút, gặp nước thượng lưu về nhiều rất dễ gây sạt lở bờ sông.
Về phía địa chất, nền móng bờ sông thuộc loại yếu, đặc biệt khi mực nước rút nhanh, áp lực nước sẽ tạo ra lỗ rỗng kết hợp chênh cao địa hình bờ và lòng sông lớn. Tác động của dòng chảy với chế độ thủy lực phức tạp sẽ hình thành các hố xói ở lòng sông, gây ra hiện tượng sạt lở như hiện nay.
Nguyên nhân chủ quan là nhà dân xây mật độ cao, tải trọng lớn ngay sát mép sông nên khó tránh khỏi sạt trượt. Trong 4 nguyên nhân trên, cái nào cũng quan trọng, vấn đề chỉ là thời điểm, yếu tố nào đạt điểm giới hạn trước mà thôi.
– Ông dự báo thế nào về tình trạng sạt lở thời gian tới ở cả hai bên bờ sông Cầu?
– Chúng tôi đánh giá nguy cơ sạt trượt hai bên sông sẽ diễn biến nhanh, nguy hiểm. Nguy cơ này có ở tất cả hệ thống sông Thái Bình, Kinh Thầy, Đuống. Do đó, khi nghiên cứu thủy văn, thủy lực lòng dẫn và đánh giá hiện trạng các sông trên địa bàn Bắc Ninh, cần xét tới các tổ hợp bất lợi và diễn biến trên hệ thống sông Hồng – Thái Bình.
Cùng với đó, tỉnh cần xem xét các yếu tố bất lợi phát sinh từ thực tiễn, nhu cầu phát triển dân sinh và các ngành kinh tế khác. Điểm sạt lở phải được xử lý khẩn cấp nhưng nên đánh giá tổng thể sông Cầu trong phạm vi tỉnh, từ đó dự báo điểm có nguy cơ để ưu tiên giải quyết. Tỉnh cũng nên xây dựng dự án nghiên cứu quy hoạch bảo vệ lâu dài các sông chính trên địa bàn.
– Giải pháp nào là quan trọng nhất để khắc phục sạt lở trên sông Cầu?
– Trao đổi với lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh, tôi cho rằng trước hết phải di dời dân khỏi vùng có nguy cơ sạt lở tiếp theo, sau đó dỡ bỏ các công trình, vật dụng khỏi vùng đã bị sạt lở. Tôi nhấn mạnh không chỉ dỡ bỏ công trình ở trên bờ, vị trí sạt trượt mà cần làm ngay cả trên sông. Trong quá trình này, phải hạn chế chất tải để không làm trầm trọng thêm vùng bị sạt lở. Nếu để sạt trượt tiếp diễn, việc xử lý tới đây sẽ phức tạp và rất tốn kém.
Tiếp đến sẽ xử lý các điểm sạt lở và vị trí có nguy cơ cao trên đoạn sông. Để có phạm vi, dữ liệu chính xác, cơ quan chức năng cần khảo sát, đánh giá tổng thể cả tỉnh, nơi con sông đi qua hoặc ít nhất là toàn vùng sạt lở. Tôi cho rằng cần tiến hành ngay công việc này để đánh giá diễn biến sạt lở thực chất, khách quan, làm cơ sở đề xuất giải pháp phù hợp.
Về quan điểm xử lý, thiết kế công trình kè nên hướng đến đa mục tiêu, kết hợp bảo vệ bờ, tăng khả năng thoát lũ và đảm bảo môi trường, cảnh quan, sinh thái trên và hai bên bờ sông. Giải pháp đưa ra phải tính đến xu thế chung của toàn vùng và tác động tương hỗ của khu vực được xử lý ở các giai đoạn đầu tư khác nhau.