HỆ THỐNG THI ĐẤU CHƯA PHÙ HỢP
Ở các nước có nền bóng đá phát triển, hệ thống thi đấu quốc gia đều tuân thủ theo “mô hình tam giác”, tức là đỉnh nhọn và đáy to. Nói một cách dễ hình dung, các giải hạng dưới sẽ có nhiều đội tham gia và số lượng giảm dần ở các hạng trên, cho đến giải vô địch quốc gia (VĐQG) là ít nhất. Bóng đá châu Âu thì không cần bàn cãi, khi mô hình này đã được áp dụng từ lâu. Còn tại châu Á, giải VĐQG Nhật Bản (J-League 1) có 20 đội tranh tài, thì giải hạng nhất (J-League 2) cũng có con số như vậy. Hàn Quốc có nền bóng đá mạnh hàng đầu châu lục và nhiều lần dự VCK World Cup, nhưng chỉ có 12 đội chơi ở giải VĐQG (K-League 1), còn giải hạng nhất (K-League 2) có 13 đội tham dự.
Không nói đâu xa, ngay tại Đông Nam Á, bóng đá Thái Lan và Indonesia cũng tuân thủ nguyên tắc nói trên. Ở xứ sở chùa vàng, giải VĐQG (Thai League 1) có 16 đội, còn giải hạng nhất (Thai League 2) có 18 đội. Tại đất nước vạn đảo, giải VĐQG (Liga 1) có 18 CLB và giải hạng nhất còn “khủng” hơn nhiều khi quy tụ đến 28 đội tranh tài.
Trong khi đó, hệ thống thi đấu của bóng đá VN có mô hình “lạ”, khi đỉnh và đáy to, còn phần bụng thì bị bóp lại. V-League và giải hạng nhì cùng có 14 đội, nhưng giải hạng nhất thì chỉ có 11 CLB góp mặt. Chuyên gia bóng đá Đoàn Minh Xương nêu quan điểm: “Về nguyên tắc và cả FIFA cũng khuyến cáo, các hạng dưới là nền tảng, ai cũng đã làm vậy, trừ bóng đá VN. Sau 20 năm làm chuyên nghiệp, thực trạng hệ thống thi đấu của bóng đá VN vẫn chưa phù hợp, khiến nguồn lực bị manh mún”.
VÌ CẦU THỦ TRẺ, ĐÃ ĐẾN LÚC THAY ĐỔI
Theo ông Đoàn Minh Xương, giải hạng nhất đang trong tình trạng vừa thiếu vừa yếu. Nói thiếu vì có ít đội, còn yếu là do nhiều CLB chỉ tham dự như để giữ phong trào, không có tham vọng lên hạng. “Đã đến lúc bóng đá VN cần phải điều chỉnh hệ thống thi đấu, cụ thể là giảm số đội ở giải VĐQG và tăng số đội tại giải hạng nhất lên. Hạng dưới sẽ đóng vai trò nền tảng, như móng của một ngôi nhà vậy. Nếu móng rộng và chắc, ngôi nhà mới chắc. Phía trên cao nhất của hệ thống bóng đá chuyên nghiệp phải là nơi quy tụ tinh hoa”, chuyên gia Đoàn Minh Xương bày tỏ.
Khi các giải hạng dưới, đặc biệt là hạng nhất, được mở rộng, đây sẽ là sân chơi phù hợp để các cầu thủ trẻ có cơ hội phát triển. Số lượng đội hạng nhất càng nhiều thì số lượng cầu thủ trẻ càng đông. Khả năng xuất hiện những “sao mai” đương nhiên sẽ cao hơn. Qua quá trình sàng lọc, các cầu thủ trẻ nếu có đủ tài năng sẽ là nguồn cung quý giá cho V-League và dĩ nhiên cả cho đội tuyển quốc gia.
Ông Xương đánh giá: “Ở các đội hạng nhất (hoặc hạng dưới), cầu thủ trẻ mới được đá nhiều. Còn trên V-League, các đội sợ rớt hạng thì làm sao dám sử dụng cầu thủ trẻ. Bóng đá là môn đối kháng, thực chiến mà không được thi đấu nhiều, không có sân chơi, cầu thủ không thể nâng cao trình độ. Không có lực lượng cầu thủ trẻ tài năng, dĩ nhiên các đội tuyển quốc gia sẽ bị ảnh hưởng cả về sức mạnh chuyên môn lẫn nhân sự. Ở đây tôi đề cập đến cả các đội tuyển trẻ quốc gia (lứa U.19, U.21, U.23), đội tuyển VN. Tôi giả sử nếu giải hạng nhất có 16 đội, cầu thủ sẽ được đá hơn 30 trận/năm (kể cả Cúp quốc gia). Như vậy cầu thủ trẻ mới có cơ hội cọ xát và lên chân”.
SIẾT CHẶT TIÊU CHUẨN CLB
Bên cạnh cải thiện hệ thống thi đấu quốc gia, việc siết chặt quy định về tiêu chuẩn CLB cũng là nhiệm vụ không thể tách rời (ở tất cả các giải đấu). Nếu muốn có một giải đấu hay và chuyên môn cao, mỗi thành tố trong đó (các đội bóng) phải chất lượng. Về việc này, những người làm bóng đá VN còn chưa quyết liệt. Thậm chí, đội bóng giàu truyền thống như CLB Hải Phòng còn bị Liên đoàn Bóng đá châu Á nhắc nhở liên tục về việc xây dựng tuyến trẻ. Đội bóng đất cảng nhiều lần phải xin được cấp phép ngoại lệ để tham dự giải VĐQG và các giải đấu châu lục.
Chuyên gia Đoàn Minh Xương nhấn mạnh: “Cần phải khắt khe về tiêu chuẩn đội bóng. Các CLB phải đảm bảo về tài chính, cơ sở vật chất, hệ thống đào tạo trẻ… Nếu quán triệt được điều này, giải đấu sẽ giàu tính cạnh tranh hơn, vì đội nào đã tham gia là đều nghiêm túc. Các đội V-League sẽ thực sự rất mạnh. Trong khi đó, các đội hạng nhì, hạng nhất nếu thấy không đủ lực thì tập trung đào tạo cầu thủ trẻ để chuyển nhượng cho tuyến trên, rồi lấy tiền và cứ lặp lại điều đó. Nhiều CLB làm được như vậy, bóng đá VN sẽ sản sinh ra không ít tài năng và có cơ hội tiến lên không ngừng”.
Tuy nhiên, để thực hiện được những điều kể trên cần phải có lộ trình rõ ràng và chuyển đổi dần dần. Theo ông Xương, để các đội bóng tỉnh phát triển và trở nên bài bản hơn thì cần huy động nguồn lực xã hội. Địa phương và doanh nghiệp cần phải bắt tay nhau trên tinh thần thiện chí. (còn tiếp)
NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG GIẢI CŨNG LÀ CHỐNG TIÊU CỰC
Giải đấu không có tính cạnh tranh đồng nghĩa với nguy cơ tiêu cực cao. Theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, ở giải hạng nhất và hạng nhì, các đội bóng không có tham vọng lên hạng, thi đấu làng nhàng thiếu động lực nên dễ xuất hiện trường hợp cá độ, hoặc hai đội móc ngoặc với nhau dàn xếp kết quả… Thực tế đã xảy ra tiêu cực ở giải hạng nhất mà có đến 5 cầu thủ của đội Bà Rịa-Vũng Tàu bị khởi tố vì tham gia cá độ bóng đá. Mới đây, VFF đã có công văn cảnh báo, nhắc nhở đội hạng nhì Tây Nguyên Gia Lai vì đã có thái độ thi đấu bất thường, dính những bàn thua “đáng ngờ”.