Ngày 12.4, Bộ Công Thương và UBND tỉnh Lào Cai phối hợp tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại và phát triển xuất – nhập khẩu vùng Trung du, miền núi phía Bắc tại thành phố Lào Cai.
Bà Phan Thị Thắng – Thứ trưởng Bộ Công Thương nhấn mạnh: Trung du và miền núi phía Bắc là địa bàn chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh và đối ngoại của cả nước, cửa ngõ phía Tây và phía Bắc của quốc gia.
Đây cũng là vùng có nhiều tiềm năng, lợi thế cho phát triển bền vững với nhiều loại tài nguyên thiên nhiên phong phú, diện tích đồi rừng rộng lớn, đa dạng khí hậu, thổ nhưỡng, đa dạng sắc tộc…
Mạng lưới giao thông vận tải của vùng đang được đầu tư, nâng cấp nên ngày càng thuận lợi cho việc giao lưu với các vùng khác trong nước và xây dựng nền kinh tế mở.
Thời gian qua, vùng Trung du và miền núi phía Bắc đã tận dụng khá tốt các lợi thế trên, đóng góp vào thành công chung trong bức tranh xuất – nhập khẩu của đất nước. Tuy nhiên, khu vực này có quy mô kinh tế vùng tương đối nhỏ, xếp thứ 5/6 vùng về quy mô tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trong năm 2020.
Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế không đồng đều giữa các địa phương trong vùng dẫn đến chênh lệch phát triển nội vùng lớn với một số địa phương đầu tàu có tốc độ phát triển nhanh hơn như Thái Nguyên, Bắc Giang, Phú Thọ, Lào Cai.
Lực lượng lao động chiếm số đông trong khu vực nông nghiệp với năng suất lao động còn thấp. Việc phát triển doanh nghiệp trong vùng gặp nhiều khó khăn, mật độ doanh nghiệp hơn 1.000 dân hiện thấp nhất cả nước, chỉ bằng 1/3 mật độ doanh nghiệp bình quân cả nước khiến giảm tính năng động của nền kinh tế vùng.
Tại khu vực Tây Bắc chủ yếu phát triển thủy điện ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Lào Cai và công nghiệp khai khoáng tại các tỉnh Lào Cai, Thái Nguyên… Công nghiệp chế biến, đặc biệt là chế biến nông, lâm sản tại hầu hết các địa phương trong vùng (trừ Bắc Giang, Thái Nguyên) còn tương đối khó khăn. Tính liên kết nội vùng và liên vùng còn rất nhiều hạn chế do khoảng cách và thời gian di chuyển giữa các tỉnh trong vùng còn nhiều bất cập, khó có sự liên kết giữa các hoạt động kinh tế – xã hội và chia sẻ các hạ tầng xã hội, dịch vụ công giữa các tỉnh trong vùng…
Những hạn chế này đã tạo nên nhiều rào cản cho hoạt động xúc tiến thương mại thị trường trong nước và phát triển xuất – nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ của vùng ra thế giới.
“Thông qua hội nghị, kỳ vọng nhận được nhiều thông tin và giải pháp giá trị, sớm góp phần đưa vùng Trung du và miền núi phía Bắc ra khỏi vị trí “vùng trũng” trong phát triển thương mại, thu hẹp dần khoảng cách về thu nhập và trình độ phát triển thương mại của vùng so với trung bình cả nước trong thời gian tới”, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh.
Trong khuôn khổ hội nghị, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức một số phiên tư vấn, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp vùng Trung du, miền núi phía Bắc với một số chuyên gia tư vấn, nhà nhập khẩu ở các thị trường nước ngoài.
Bên lề hội nghị còn kết hợp tổ chức khu trưng bày sản phẩm đặc trưng của các địa phương vùng Trung du và miền núi phía Bắc nhằm hỗ trợ quảng bá sản phẩm, kết nối giao thương cho các doanh nghiệp trong vùng.