Cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đang được nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả huy động tổng lực con người và phương tiện để thi công. Tuy nhiên, do vướng mặt bằng đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi và một số nguyên nhân khác, đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của dự án.
Thi công trong mùa nắng khắc nghiệt
Ngày 12.4, đến công trường thi công cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi trong thời tiết nắng như đổ lửa, chúng tôi chứng kiến cảnh hàng trăm công nhân, cán bộ kỹ thuật và các phương tiện túc trực thi công hối hả.
Tại đoạn xã Hành Thuận, H.Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), đơn vị thi công bắt đầu cấp phối đá dăm để chuẩn bị cho việc thảm nhựa những km đầu tiên của tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn này.
Ông Trần Đại Xuân, Giám đốc gói thầu XL2 cho biết, dù hiện nay đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi chưa được bàn giao mặt bằng toàn tuyến, nhưng các đơn vị trên công trường vẫn nỗ lực thi công ở những nơi đã giải phóng mặt bằng xong.
Tại hầm số 3, hầm xuyên núi lớn nhất tuyến cao tốc Bắc – Nam, dài 3,2 km, nối giữa hai tỉnh Quảng Ngãi – Bình Định người và phương tiện vẫn làm việc không ngừng nghỉ. Thi công trong hầm xuyên núi quả là một kỳ công đối với những kỹ sư, cán bộ và công nhân kỹ thuật ở đây, trong điều kiện trời nắng gắt, oi bức. Chưa kể tiếng gầm phương tiện, bụi đá, xi măng, nước bùn… bên trong hầm. Tất cả là vì chất lượng và tiến độ của dự án mang tính quốc gia này.
Theo đại diện Tập đoàn Đèo Cả, nhà thầu dự án tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn, hầm xuyên núi số 3 có địa chất phức tạp nên việc thi công rất thận trọng để đảm bảo chất lượng, an toàn. Đến nay, ống hầm bên trái đạt 796/3.200 m, còn ống hầm phải đạt gần 854/3.200 m.
Trong hợp đồng với chủ đầu tư, hầm số 3 sẽ hoàn thành sau 42 tháng thi công, nhưng dự kiến Tập đoàn Đèo Cả sẽ thông hầm đường bộ này sớm hơn kế hoạch, trong tháng 6.2025.
Ngoài hầm số 3 nói trên, nhà thầu còn thực hiện và thông xong hầm xuyên núi số 1 (dài 610 m) và hầm số 2 (698 m). Cả hai hầm này đều vượt tiến độ từ 1 – 3 tháng và đang được tận dụng làm đường công vụ để vận chuyển, điều phối vật liệu trên toàn tuyến, giúp đẩy nhanh tiến độ thi công toàn dự án.
Trên tuyến cao tốc Quảng Ngãi – Hoài Nhơn còn thi công 77 cầu, 586 cống, 81 hầm chui dân sinh, trong đó lớn nhất là cầu bắc qua sông Vệ dài 610 m. Hiện nay nhà thầu đã triển khai thi công 58/77 cầu, đắp nền đường được 3,3/12,1 triệu m3; thực hiện đạt khoảng 22% tổng khối lượng.
20 vị trí vướng mặt bằng
Đến thời điểm hiện này, nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả đã huy động 43 mũi thi công, huy động gần 3.200 nhân sự, hơn 1.100 máy móc thiết bị tại công trường. Theo đó, 3 gói thầu (XL1, XL2, XL3) tổ chức thi công 3 ca, riêng thi công hầm xuyên núi thì các kỹ sư, công nhân thay ca nhau làm việc liên tục không ngừng nghỉ 24/24 trên công trường.
Theo kế hoạch năm 2024, nhà thầu sẽ thi công với sản lượng lũy kế đạt khoảng 7.500 tỉ đồng, trong đó sẽ hoàn thiện mặt đường, vỏ hầm, thiết bị của hầm xuyên núi số 1 và hầm số 2; thi công 60/77 cầu (ưu tiên cầu vượt đường ngang), hoàn thành đắp đất nền đường và thi công một phần bê tông nhựa.
Tuy nhiên, theo khó khăn lớn nhất hiện nay là đoạn qua tỉnh Quảng Ngãi đang bị vướng mặt bằng. Trong khi tỉnh Bình Định đã bàn giao 100% mặt bằng, thì tỉnh Quảng Ngãi mới đạt 95%.
Tổng cộng cả tỉnh Quảng Ngãi có khoảng 20 vị trí chưa giải phóng xong mặt bằng, với 87 hộ chưa di dời, trong đó khó khăn nhất là ở các vị trí đường găng tiến độ như: nút giao đầu tuyến ở xã Nghĩa Kỳ, H.Tư Nghĩa (Quảng Ngãi), cầu vượt QL 24, cầu Eo Gió, cầu Sông Quán của TX.Đức Phổ (Quảng Ngãi). Chưa kể các công trình hạ tầng kỹ thuật trên tuyến cao tốc này cũng chậm di dời.
Ông Trần Đại Xuân, Giám đốc gói thầu XL2 cho biết thêm, nhiều vị trí chưa di dời nói trên đã làm chậm quá trình thi công dự án.
Ngoài ra, theo nhà thầu Tập đoàn Đèo Cả, tại tỉnh Quảng Ngãi, trữ lượng đã được cấp phép là 5,3m3 đất đắp và 0,24 triệu m3 cát. Tuy nhiên chi phí đền bù của một số mỏ cao hơn khoảng 3 lần so với quy định, lại không có đường tiếp cận, nên trong thực tế trữ lượng mỏ đang được khai thác chỉ đạt 3,2 triệu m3 đất và 0,1 triệu m3 cát.
Chưa kể, theo thiết kế kỹ thuật thì dự án sẽ tận dụng 90% đá từ đào hầm để phục vụ công tác bê tông xi măng, cấp phối đá dăm và vật liệu đắp nền đường nhưng do địa chất hầm 2, hầm 3 khác so với hồ sơ thiết kế kỹ thuật, nên đã thiếu nguồn vật liệu đá cho bê tông, nhà thầu phải bỏ kinh phí để mua từ các mỏ thương mại.