Trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của thị trường vàng thế giới và trong nước, giá vàng trong nước đã biến động mạnh, tăng nhanh, chênh lệch cao với giá quốc tế.
Trao đổi với báo chí, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, để ổn định thị trường, NHNN đã chuẩn bị sẵn sàng các phương án can thiệp. Đồng thời, thực hiện công tác kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng của các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng trên toàn quốc vào các năm 2022, 2023…
Theo đó, triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo kết luận số 160/TB-VPCP ngày 11.4.2024, Phó Thống đốc Phạm Thanh Hà nhấn mạnh, NHNN sẽ triển khai ngay các giải pháp sau:
Thứ nhất, đối với thị trường vàng miếng, thực hiện tăng cung để xử lý tình trạng chênh lệch cao của giá trong nước so với giá thế giới.
Thứ hai, đối với thị trường vàng trang sức, mỹ nghệ, tiếp tục tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu cho các hoạt động sản xuất để xuất khẩu vàng trang sức mỹ nghệ.
Thứ ba, phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan chức năng liên quan để yêu cầu doanh nghiệp triển khai sử dụng hóa đơn điện tử trong các giao dịch mua, bán vàng nhằm nâng cao tính minh bạch và hiệu quả quản lý. Thực hiện ngay công tác nắm tình hình, thanh tra, kiểm tra, giám sát theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao. Xử lý nghiêm các hành vi buôn lậu vàng qua biên giới, trục lợi, đầu cơ, thao túng giá vàng. Đối với hoạt động thanh tra, NHNN và các bộ, ngành đã thành lập xong đoàn thanh tra và sẽ triển khai ngay trong tháng 4 này.
“Đối với Nghị định 24/2012/NĐ-CP ngày 3.4.2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện Nghị định 24 và cũng đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung đối với Nghị định 24 và triển khai trong thời gian tới” – Phó thống đốc thông tin.
Trước đó, Báo Lao Động có loạt bài “Cởi trói cho thị trường vàng để nguồn vốn chảy vào nền kinh tế”, phản ánh những bất cập trong việc quản lý thị trường vàng của Việt Nam hiện nay. Có thời điểm giá vàng trong nước và thế giới chênh lệch đến khó hiểu, xuất hiện tình trạng nhập lậu vàng, trốn thuế gây thất thoát ngân sách, mạng lưới phân phối bị bóp nghẹt… Nguyên nhân là do thị trường vàng Việt Nam đang không hội nhập, liên thông với thế giới.
Bài viết cũng chỉ ra những bất cập trong Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng. Hơn một thập kỷ trôi qua, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ nguyên các quy định từ 11 năm trước, trong khi có những quy định không còn phù hợp với nền kinh tế thị trường mang tính cạnh tranh hiện nay.
Đặc biệt, việc SJC được chọn làm thương hiệu vàng miếng quốc gia khiến các doanh nghiệp không bình đẳng trước pháp luật trong hoạt động kinh doanh vàng miếng. Từ góc độ người tiêu dùng, việc độc quyền một thương hiệu vàng khiến quyền lợi người dân bị ảnh hưởng. Người dân không có sự lựa chọn nào khác ngoài mua, bán, tích lũy bằng vàng miếng SJC. Chính sách cho độc quyền vàng đã làm cho thị trường vàng bị đẩy lên cực điểm, mức chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới luôn ở mức cao.
Điều này khuyến khích nhập khẩu lậu vàng vào Việt Nam. Hệ quả chung là, người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế đều chịu thiệt. Thị trường vàng Việt Nam đang đi thụt lùi so với thế giới vì thiếu những giải pháp căn cơ và mang tính chiến lược.
Khẳng định trong bối cảnh nguồn lực phát triển kinh tế trong nước còn hạn chế, chủ trương huy động nguồn lực trong dân vào sản xuất – kinh doanh là rất đúng đắn, loạt bài của Báo Lao Động đã đề xuất các giải pháp để “cởi trói” cho thị trường vàng, trả vàng về cho thị trường vận hành, từ đó giúp nguồn “vốn chết” trong dân có thể chảy vào nền kinh tế.