Huy Thành, học sinh lớp 12 ngụ tại huyện Bến Lức (tỉnh Long An) cho biết, em có mong muốn được theo học trường Đại học (ĐH) Luật TPHCM, nhưng vừa qua tìm hiểu thông tin thì thấy mức học phí khá lớn nên phải cân nhắc. “Em có học lực tốt nên tự tin lắm nhưng năm nay trường tăng học phí nhiều. Thấp nhất là ngành Luật thương mại với mức học phí hơn 31 triệu đồng/năm. Một số ngành khác mức học phí dao động từ khoảng 37 – 74 triệu đồng/năm. Riêng ngành Luật đào tạo bằng tiếng Anh, mức học phí lên đến 165 triệu đồng/năm. Cùng với các chi phí ăn ở, đi lại… nên sẽ mất một khoản lớn để theo học. Đó thực sự là gánh nặng với thu nhập của gia đình nên em buộc phải cân nhắc bởi nếu không duy trì đóng góp sẽ ảnh hưởng tới tâm lý khi theo học” – Thành cho biết. Theo thí sinh này, hiện nay cánh cửa vào ĐH khá dễ dàng và thí sinh có nhiều lựa chọn. Tuy nhiên, học phí và chất lượng đào tạo, công việc làm sau khi ra trường là những điều thí sinh phải tính toán, cân nhắc kỹ.
Tuy nhiên, không riêng Trường ĐH Luật TPHCM mà nhiều trường đại học khác ở khu vực phía Nam cũng tăng học phí từ năm học 2024 – 2025 tới. Trong đó, nhiều trường có mức tăng hàng chục triệu đồng mỗi năm, tạo áp lực đáng kể về kinh tế cho người học, thậm chí vượt khả năng của nhiều gia đình vì các khoá học kéo dài trung bình từ 4 – 5 năm. Cụ thể, theo thông tin của Trường ĐH RMIT, học phí năm 2024 – 2025 sẽ tăng khoảng 15 triệu đồng/năm so với năm học trước. Được biết, đây là một trong những trường ĐH có mức học phí cao nhất ở TPHCM. Trung bình mỗi sinh viên phải đóng gần 1 tỷ đồng cho toàn khoá học (khoảng 4 – 5 năm), tuỳ từng ngành khác nhau. Ngoài ra, một số các trường đào tạo khối ngành Sức khoẻ (y, dược) cũng đã thông báo mức học phí tăng so với những năm trước, từ năm học 2024 – 2025.
Đây là năm học đầu tiên mà các trường ĐH áp dụng mức thu học phí mới theo Nghị định 97 của Chính phủ. Theo một số ý kiến, việc các trường tăng học phí là điều không thể tránh khỏi, nhưng mức tăng như thế nào để cân bằng giữa chi phí đào tạo và khả năng của người học là vấn đề cốt lõi. Bởi việc tăng học phí sẽ dẫn tới tình trạng thí sinh cân nhắc lựa chọn, thậm chí thay đổi nhu cầu học vì vấn đề tài chính ảnh hưởng khá lớn tới quá trình học hiện nay. Đó là nguyên nhân khiến bên cạnh việc các trường ĐH tăng học phí mạnh thì nhiều trường lại chấp nhận giữ nguyên, hoặc chỉ tăng “chút đỉnh” nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên.
Cụ thể, theo ông Phan Hồng Hải – Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghiệp TPHCM, nhà trường dự kiến chỉ tăng khoảng 5-10% mức học phí năm 2024 so với mức cũ để bù vào chi phí dạy và học, tăng lương đội ngũ… Trước đó 3 năm liền trường đều không tăng học phí. Ông Hải tính toán, việc tăng học phí có thể là “con dao hai lưỡi” bởi khi tăng thì chắc chắn số thí sinh sẽ giảm, dẫn tới tổng nguồn thu cũng bị thay đổi. Việc cân bằng giữa chi phí đào tạo và khả năng của người học là vấn đề quan trọng nhất.
Tương tự, ông Phạm Tiến Đạt – Hiệu trưởng Trường ĐH Tài chính – Marketing cho biết, hội đồng trường đã thống nhất không tăng học phí năm 2024 – 2025 với các sinh viên đang theo học tại trường và chỉ tăng 10% với sinh viên khoá mới tuyển sinh từ năm 2024 này. Cũng theo ông Đạt, học phí của trường hiện trung bình khoảng 19,5 triệu đồng/năm nên mức tăng 10% đã được nhà trường cân nhắc để đưa ra nhằm cân bằng lợi ích người học và chất lượng đào tạo.