Suy giảm nội tiết tố do lão hóa, di truyền từ người thân, thói quen hút thuốc, uống nhiều rượu đều góp phần tăng nguy cơ loãng xương.
Loãng xương là nguyên nhân phổ biến nhất gây gãy xương ở người trên 70 tuổi. Tình trạng này xảy ra do mất cân bằng giữa quá trình tiêu xương (phân hủy các khoáng chất trong xương) và hình thành xương mới trong quá trình tái tạo xương. Lúc này, xương mỏng đi, trở nên giòn và dễ gãy.
Một trong những nguyên nhân chính gây gián đoạn quá trình tái tạo xương là thay đổi nồng độ hormone do lão hóa. Điển hình là hormone estrogen giảm tự nhiên sau thời kỳ mãn kinh, dẫn đến quá trình tiêu xương nhiều hơn là hình thành xương.
Sự gia tăng tự nhiên của hormone tuyến cận giáp (PTH) ở cả nam, nữ giới khi già đi cũng khiến canxi rời khỏi xương và đi vào máu, dẫn đến mất khoáng chất trong xương. Do đó, loãng xương thường ảnh hưởng đến những người trên 50 tuổi.
Ngoài tuổi tác, có nhiều yếu tố khác gây nguy cơ loãng xương bao gồm:
Giới tính nữ
Phụ nữ trên 50 tuổi, sau mãn kinh có nguy cơ loãng xương cao hơn nam giới. Nguyên nhân không chỉ do suy giảm estrogen trong thời kỳ mãn kinh mà còn vì họ thường có khung xương nhỏ hơn.
Suy dinh dưỡng
Suy dinh dưỡng đóng vai trò chính trong bệnh loãng xương do cơ thể thiếu các dưỡng chất cần thiết để duy trì sức khỏe xương, nhất là canxi và vitamin D. Hấp thụ không đủ protein (chất đạm) cũng góp phần gây gãy xương do loãng xương, thông qua làm giảm mật độ khoáng xương và sức mạnh cơ bắp cần thiết để hỗ trợ xương yếu.
Hút thuốc lá
Hút thuốc làm giảm lưu thông máu cần thiết cho quá trình tái hấp thu và hình thành xương, dẫn đến sự hình thành xương không hoàn hảo. Hút thuốc cũng ảnh hưởng gián tiếp đến mật độ xương bằng cách làm giảm sự hấp thu canxi, thay đổi nồng độ estrogen và hormone tuyến cận giáp.
Các nghiên cứu cho thấy chứng loãng xương phổ biến hơn ở người hút thuốc so với người không hút thuốc.
Lạm dụng rượu
Thường xuyên uống nhiều rượu làm giảm mật độ xương, ảnh hưởng đến sản xuất vitamin D cần thiết để hấp thụ canxi. Nếu không đủ canxi, quá trình hình thành xương bị suy yếu. Lạm dụng rượu cũng có thể giảm nồng độ estrogen ở nữ giới và testosterone ở nam giới, cả hai đều góp phần làm mất khoáng chất trong xương và suy yếu quá trình tái tạo xương.
Bệnh mạn tính
Bất kỳ tình trạng bệnh mạn tính nào cản trở quá trình tái tạo xương đều góp phần gây ra chứng loãng xương. Các bệnh lý như ung thư, tiểu đường, bệnh gan, bệnh thận, viêm khớp dạng thấp… khiến thiếu hụt dinh dưỡng, cản trở hấp thụ canxi hoặc vitamin D, thay đổi nồng độ hormone hoặc gây ra phản ứng viêm mạn tính làm gián đoạn quá trình sản xuất bình thường của các tế bào hủy xương.
Thuốc
Nhiều loại thuốc điều trị bệnh có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa xương. Một số ảnh hưởng đến nồng độ hormone, ức chế hấp thụ canxi, phá vỡ sự cân bằng giữa vitamin D và canxi hoặc cản trở quá trình tiêu xương.
Di truyền
Loãng xương có liên quan yếu tố di truyền. Nghiên cứu tại Anh trên hơn 1.000 cá nhân và 12.000 cặp song sinh cho thấy 46-92% trường hợp mất mật độ khoáng xương có liên quan đến di truyền. Người có người thân như cha mẹ, con cái hoặc anh chị em ruột mắc bệnh loãng xương tăng nguy cơ gãy xương liên quan đến loãng xương 400%. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu chưa rõ gene nào hoặc tổ hợp gene nào làm phát sinh bệnh và bằng cách nào.
Các chuyên gia khuyến nghị sàng lọc bệnh loãng xương với tất cả phụ nữ từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ sau mãn kinh dưới 65 tuổi có các yếu tố nguy cơ mắc bệnh.
Để ngăn ngừa loãng xương và nguy cơ gãy xương, mọi người nên duy trì chế độ ăn uống đầy đủ canxi, vitamin D và protein được khuyến nghị hằng ngày, bổ sung nếu mức vitamin D thấp. Tập thể dục thường xuyên giúp xây dựng và củng cố xương. Hạn chế uống rượu và hút thuốc lá.
Anh Ngọc (Theo Verywell Health)