100 đơn vị, doanh nghiệp đến từ hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước và các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội tham gia Hội chợ xúc tiến thương mại gắn kết quảng bá du lịch, văn hóa địa phương trong lễ hội chùa Tây Phương.
Hội chợ tổ chức gắn với lễ hội truyền thống chùa Tây Phương (Thạch Thất, Hà Nội), kỷ niệm 70 năm giải phóng thủ đô – Kỷ niệm 70 năm giải phóng huyện (1954-2024).
Hội chợ diễn ra từ ngày 11 đến hết ngày 15/4/2024 tại khu vực chùa Tây Phương (xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, Hà Nội). Hội chợ thu hút gần 100 đơn vị, doanh nghiệp với 100 gian hàng đến từ hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước và các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội. Sản phẩm, hàng hóa tham gia trưng bày, giới thiệu là các đặc sản, nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng, gia dụng…
Bên cạnh hoạt động xúc tiến thương mại, Hội chợ còn tổ chức những không gian trình diễn sản phẩm, các hoạt động văn hóa truyền thống như múa rối nước, các tiết mục biểu diễn nghệ thuật, cùng các hoạt động quảng bá du lịch.
Lễ hội truyền thống chùa Tây Phương năm 2024 sẽ được tổ chức trong 10 ngày (từ ngày 9-18/4/2024, tức từ mùng 1 đến 10 tháng Ba năm Giáp Thìn), tại Di tích quốc gia đặc biệt chùa Tây Phương, xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất.
Từ tam quan hạ (ảnh trái) đến tam quan thượng (ảnh phải) chùa Tây Phương phải trải qua 237 bậc đá ong.
Chùa Tây Phương hay còn gọi “Tây Phương cổ tự” có tên chữ “Sùng Phúc tự” tọa lạc tại núi Câu Lậu trên địa phận xã Thạch Xá, huyện Thạch Thất, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 40 km về phía Tây.
Đi từ dưới chân núi Câu Lậu du khách lần lượt chiêm ngưỡng quần thể chùa Tây Phương như Tam quan hạ, Tam quan thượng, Miếu Sơn Thần, Tiền đường, Trung đường, Thượng điện, Nhà tổ, Nhà Mẫu và Nhà khách.
Từ Tam quan hạ, du khách phải đi lên 237 bậc đá ong mới đến Tam quan thượng, bên trái chùa là Miếu Sơn Thần. Chùa chính nằm trên đỉnh núi Câu Lâu, có kết cấu hình chữ Công, bên trong trưng bày nhiều pho tượng quý.
Về sự ra đời của ngôi chùa còn lưu truyền trong vùng gắn với nhiều truyền thuyết nhưng chứng tích vật chất liên quan tới ngôi chùa, đó là thời Mạc Phúc Nguyên (1547 – 1561). Đây chính là thời điểm để ngôi chùa có quy mô như hiện nay. Sau đó, Vua Lê Thần Tông, Chúa Tây Vương Trịnh Tạc, Vua Lê Hy Tông có tu sửa thêm, nhưng không nhiều.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, di tích Chùa Tây Phương là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam còn bảo tồn, lưu giữ được hệ thống tượng Phật là những kiệt tác của nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam. Hệ thống tượng pháp được xem là những kiệt tác hiếm có trong nghệ thuật điêu khắc tôn giáo. Tiêu biểu là các pho Tuyết Sơn, Thập bát vị La Hán, Bát Bộ kim cương, có niên đại thế kỷ 18. Ngoài ra còn có nhiều pho tượng nổi tiếng khác, thuộc thế kỷ 19, cũng vô cùng ấn tượng.
Chùa Tây Phương đang lưu giữ 64 pho tượng phật giáo có niên đại hàng trăm năm, trong đó có 34 pho tượng được Nhà nước công nhận là Bảo vật Quốc gia. Năm 2014, Chính phủ đã công nhận ngôi chùa này là Di tích Quốc gia đặc biệt về giá trị kiến trúc nghệ thuật.
Chính hội chùa Tây Phương vào ngày 6-3 Âm lịch, nhưng được diễn ra nhiều ngày trước đó với nhiều sinh hoạt văn hóa mang đậm chất xứ Đoài, đó là kéo co, đánh cờ, vật, chọi gà, rối nước, hát xứ Đoài… cùng với nghi thức cúng Phật trang nghiêm như lễ mộc dục, chạy đàn, tụng kinh, kế hạnh… đã tạo nên một không khí, không chỉ quy mô hội làng mà còn mở rộng ra vùng và liên vùng.