Lâm Đồng là tỉnh có nền nông nghiệp phát triển khá mạnh, đặc biệt trong khoảng 20 năm trở lại đây. Trong đó, nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất nông nghiệp trong nhà kính được người dân, doanh nghiệp địa phương phát triển mạnh, mang lại giá trị kinh tế cao trong nhiều năm qua.
Đến nay, ước tính toàn tỉnh Lâm Đồng có khoảng 4.400ha diện tích nhà kính. Trong đó TP.Đà Lạt là địa phương có diện tích nhà kính lớn nhất với hơn 2.500ha, chiếm 57% tổng diện tích nhà kính toàn tỉnh.
Toàn tỉnh Lâm Đồng hiện có hơn 4.400ha nhà kính, trong đó TP. Đà Lạt có diện tích nhà kính lớn nhất tỉnh.
Năm 2023, UBND tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt Đề án quản lý nhà kính, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030. Theo đó, đề án đặt ra mục tiêu giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại các khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn thành phố Đà Lạt và các huyện lân cận.
Để thực hiện đề án, vào tháng 10/2023, Sở NNPTNT tỉnh Lâm Đồng đã làm việc với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Lâm Đồng (Agribank Lâm Đồng) về việc xây dựng gói tín dụng riêng để hỗ trợ vốn vay cho các tổ chức, cá nhân hộ gia đình thực hiện cải tạo, chỉnh trang, di dời nhà kính đạt tiêu chuẩn.
Theo đó, mục tiêu đến năm 2025 diện tích nhà kính giảm 20% so với hiện trạng năm 2022 và đến năm 2030 giảm dần, tiến tới không còn diện tích nhà kính tại nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt. Để đạt được mục tiêu này, cần khoảng 4.820 tỷ đồng để cải tạo, di dời, hỗ trợ chuyển đổi cây trồng trong nhà kính sang trồng ngoài trời. Trong đó, giai đoạn 2023-2025 nhu cầu kinh phí cần 964 tỷ đồng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, cơ quan chức năng tại TP. Đà Lạt và huyện Lạc Dương (hai địa phương có diện tích nhà kính lớn nhất tỉnh) đã khảo sát thì các hộ dân chưa có nhu cầu vay vốn để tháo dỡ, di dời nhà kính hay chuyển đổi sang sản xuất không nhà kính. Người dân vẫn có nguyện vọng sản xuất trong nhà kính vì chưa có biện pháp sản xuất nào có hiệu quả tương đương hay mang lại giá trị hơn sản xuất trong nhà kính. Do đó, người dân chỉ cần vay vốn để cải tạo lại nhà kính đạt chuẩn theo quy định.
Tại huyện Lạc Dương, trao đổi với phóng viên, ông Lê Đoàn Đình Vũ cho biết, 2 năm nay gia đình ông đã chuyển 2.000m2 trồng hoa cúc ra ngoài trời thay vì trồng trong nhà kính như trước đây. Thực tế chăm sóc diện tích hoa cúc ngoài trời, ông Vũ xác định cùng một diện tích, trong nhà kính hay ngoài trời thì năng suất, giá bán như nhau. Tuy nhiên, cây hoa cúc trồng ngoài trời cứng cáp hơn, hoa đẹp hơn vì được tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
“Mặc dù trồng hoa cúc ngoài trời có vất vả hơn, mình phải dậy sớm hơn để bơm thuốc nhưng bơm thuốc hay tưới nước cho hoa ngoài trời lại khô nhanh hơn, hiệu quả hơn. Theo tôi thấy, hoa cúc trồng ngoài trời ít bị bệnh hơn. Mặc dù vậy, để chủ động thì tôi vẫn trồng cả trong nhà kính và cả ngoài trời để đảm bảo vấn đề kinh tế”, ông Vũ cho hay.
Theo UBND huyện Lạc Dương, đến năm 2025, có 16 hộ dân cần vay vốn khoảng 10 tỷ đồng để cải tạo 5ha nhà kính đạt chuẩn. Kế hoạch từ năm 2026-2030 có khoảng 35 hộ dân cần vay vốn 25 tỷ đồng để cải tạo 10ha nhà kính đạt chuẩn.
Trong khi đó, tại TP. Đà Lạt, qua khảo sát có khoảng 30 hộ cần vay vốn để cải tạo đạt chuẩn 10ha nhà kính với số vốn cần vay là 21 tỷ đồng trong năm 2025. Từ năm 2026-2030, có khoảng 75 hộ dân cần vay khoảng 40 tỷ đồng để cải tạo 30ha nhà kính đạt chuẩn.
Theo kế hoạch của UBND tỉnh Lâm Đồng, mục tiêu đến năm 2025, đề án trên sẽ giảm 20% diện tích nhà kính sản xuất nông nghiệp tại các vùng nội ô, nội thị, khu dân cư (các phường 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12) trên địa bàn TP.Đà Lạt và các huyện lân cận so với thực trạng của năm 2022. Đến năm 2030, giảm dần và tiến tới không còn diện tích nhà kính tại khu vực nội ô, nội thị, khu dân cư trên địa bàn TP.Đà Lạt so với hiện trạng năm 2022.
Tổng kinh phí thực hiện đề án là hơn 176 tỷ đồng, gồm kinh phí từ ngân sách nhà nước khoảng 3 tỷ đồng (chiếm 1,7%), kinh phí của tổ chức, cá nhân hơn 173 tỷ đồng (chiếm 98,3%).