BS.CKII Huỳnh Tấn Vũ, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM cơ sở 3 cho biết, long nhãn là món đặc sản quen thuộc với người Việt Nam, là nguyên liệu quý trong y học cổ truyền.
Cùi nhãn khi tươi có 77,15% nước, độ tro 0,01%, chất béo 0,13%, protid 1,47%, hợp chất có nitơ tan trong nước 20,55%, đường sacaroza 12,25%, vitamin A và B.
Cùi khô (long nhãn nhục) chứa 0,85% nước, chất tan trong nước 79,77%, chất không tan trong nước 19,39%, độ tro 3,36%. Trong phần tan trong nước có glucoza 26,91%, sacaroza 0,22%, acid taetric 1,26%. Chất có nitơ 6,309%.
Hạt nhãn chứa tinh bột, saponin, chất béo và tannin. Hạt nhãn cạo bỏ lớp vỏ đen, thái mỏng tán bột rắc lên những vết thương chảy máu, hoặc trộn với dầu bôi lên nơi bị bỏng.
Lá nhãn có quercetin, quercitin, tannin. Lá nhãn có vị nhạt, tính bình, có tác dụng chữa cảm mạo với liều 10-15g dưới dạng thuốc sắc.
Công dụng và liều dùng của long nhãn
Trong Đông y, long nhãn là vị thuốc bổ huyết, ích tâm, kiện tỳ, ích trí. Đem so sánh với táo tàu thì có tác dụng chữa bệnh tỳ của long nhãn tốt hơn.
Long nhãn vừa bổ khí vừa bổ huyết, hiệu quả trong điều trị chứng mất ngủ do suy nghĩ, lo lắng quá nhiều, tâm trạng bứt rứt, hồi hộp.
Hạt nhãn tán thành bột gọi là lệ châu, dùng để cầm máu khi bị vết thương, làm giảm đau, chóng lành da, không để lại sẹo (tán nhỏ rắc lên vết thương).
Vỏ quả nhãn nghiền thành bột dùng chữa bỏng. Những người bị bệnh cảm mạo phong hàn, rối loạn tiêu hóa, rêu lưỡi dày trơn… không ăn nhãn. Ngày dùng 9 – 10g dưới dạng thuốc sắc hay cao lỏng.
Theo tài liệu cổ, long nhãn vị ngọt, tính bình, vào 2 kinh tâm và tỳ. Có tác dụng bổ tâm tỳ, nuôi huyết, an thần, ích trí, dùng chữa huyết hư sinh hay quên, hồi hộp mất ngủ. Những người đầy bụng kém ăn không nên dùng.
Đơn thuốc có long nhãn và hạt nhãn
Chữa các chứng do tư lự quá độ, buồn bực không ngủ hay quên: Long nhãn, táo nhân (sao), hoàng kỳ (trích), phục thần mỗi vị 4g, gừng 3 lát, táo đỏ một quả. Sắc uống nóng.
Khe ngón chân lở ngứa: Hạt nhãn bỏ vỏ đen, thái mỏng, phơi khô, tán nhỏ, rắc vào.
Chữa các triệu chứng kém ăn, mất ngủ, uể oải: Cao ban long 40g, long nhãn 50g, sắc long nhãn với nước. Thái nhỏ cao ban long cho vào nước sắc long nhãn, đun nóng để hòa tan. Để nguội, thái thành từng miếng mỏng, trước khi đi ngủ tối và sáng sớm uống mỗi lần 10g cao này.
Tiêu chảy do tỳ hư: Long nhãn khô 40 quả, gừng sống 3 lát, sắc uống.
Phù thũng sau đẻ: Long nhãn khô, gừng, táo tàu, mễ nhân, phục linh, mỗi thứ 10g, sắc uống.
Hồi hộp, mất ngủ, hay quên: Cùi nhãn 100g, gạo nếp 120g, nấu cháo ăn.
Thiếu máu, suy nhược cơ thể: Long nhãn 10g, hạt sen 15g, hồng táo 10g, lạc 10g, gạo nếp 30g, nấu cháo. Mỗi buổi sáng, buổi tối ăn 1 lần.
Suy nhược thần kinh: Long nhãn, nhân táo chua, khiếm thực mỗi thứ 15g, nấu nước uống trước khi đi ngủ.
Nôn, ợ: Long nhãn khô 7 quả, đốt tồn tính, tán thành bột, chia đều, uống mỗi ngày 3 lần.
Chảy máu do chấn thương: Hạt nhãn tán nhỏ, đắp vào vết thương.
Long nhãn có tác dụng tốt cho cơ thể, tuy nhiên người dân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng làm thuốc để không gây hại cho sức khoẻ.