Hãng Reuters ngày 10.4 dẫn lời giới chức Ukraine cho hay Nga tấn công bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) gây thiệt hại tại một cơ sở năng lượng ở vùng Odessa và hạ tầng năng lượng tại vùng Mykolaiv, tiếp tục gia tăng áp lực lên lưới điện của Ukraine.
Nga đã khôi phục hoạt động không kích nhằm vào hệ thống năng lượng của Ukraine vào tháng trước, gây thiệt hại ít nhất 8 nhà máy điện và vài chục trạm biến áp.
Nga chuyển chiến thuật tấn công vào hạ tầng điện Ukraine
Nhà điều hành lưới điện Ukraine cho biết đã xảy ra tình trạng mất điện khẩn cấp ở các khu vực phía nam Mykolaiv và Kherson do hư hỏng và họ đang nỗ lực khắc phục.
Không quân Ukraine ngày 10.4 cho biết Nga đã điều 17 máy bay không người lái (UAV) và phóng 3 tên lửa vào Ukraine trong đợt tấn công xuyên đêm mới nhất và lực lượng phòng không đã bắn hạ 14 UAV và 2 tên lửa. Chưa có thông tin về thương vong tại Odessa và Mykolaiv.
Ukraine hé lộ kế hoạch phản công
Trả lời phỏng vấn tờ Bild hôm 9.4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói rằng nước này đã lên kế hoạch phản công, trong đó điều kiện cần là phải có sẵn vũ khí.
Nhà lãnh đạo bày tỏ sự tin tưởng rằng Ukraine có thể đánh bại Nga, nhưng cần những vũ khí hiện đại. “Vâng, Nga có nhiều người hơn, nhiều vũ khí hơn. Nhưng phương Tây có các hệ thống vũ khí hiện đại. Vì vậy, chúng ta sẽ có được một số công nghệ nhất định”, ông nhấn mạnh.
Theo ông, nếu Ukraine tiếp tục tăng cường sản xuất và nhận được giấy phép từ các đối tác thì “vấn đề sẽ không phải là số lượng người mà là chất lượng vũ khí”.
Điểm xung đột: Ông Biden vạch ‘sai lầm’ của Israel; Nga phá hệ thống điện Ukraine
Ngoài ra, ông còn đề cập đến chủ đề cuộc phản công của Ukraine. “Đúng, chúng tôi có kế hoạch phản công”, ông nhấn mạnh và nói thêm rằng Ukraine cần vũ khí, bao gồm cả vũ khí từ Mỹ.
Hồi tháng 2, ông Zelensky nói rằng Ukraine sẽ chuẩn bị một đợt phản công mới, dù các binh sĩ đang trong thế trận phòng thủ. Đến ngày 29.3, ông nói rằng cuộc phản công có thể diễn ra trong năm nay dưới những điều kiện nhất định.
Tính đến ngày 6.4, ông nhấn mạnh rằng hiện các binh sĩ Ukraine chỉ có đủ đạn dược để phòng thủ chứ không đủ để phản công.
Mỹ thông qua thương vụ với Ukraine
Theo trang tin The Kyiv Independent ngày 10.4, Bộ Ngoại giao Mỹ vừa thông qua thương vụ khẩn cấp trị giá 138 triệu USD, giúp sửa chữa cơ bản và mua các phụ tùng cần thiết cho các hệ thống tên lửa Hawk.
“Ukraine cần cấp thiết tăng cường khả năng phòng thủ trước các cuộc tấn công tên lửa của Nga và khả năng trên không của các lực lượng Nga. Việc duy trì hệ thống tên lửa Hawk sẽ nâng cao khả năng của Ukraine trong việc bảo vệ người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng của quốc gia”, theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hawk là tên lửa đất đối không tầm trung có điều khiển, cung cấp khả năng phòng không chống lại máy bay tầm thấp đến tầm trung.
Nga – Ukraine ‘đấu khẩu’ vụ nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia bị tấn công
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ đều đang tìm cách duy trì sự hỗ trợ cho Ukraine trong bối cảnh Quốc hội Mỹ trì hoãn liên quan đến gói viện trợ trị giá 60 tỉ USD.
Trong phiên điều trần tại quốc hội hôm 9.4, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nhấn mạnh tầm quan trọng đặc biệt của việc hỗ trợ Ukraine, cảnh báo rằng nếu không có điều đó, Mỹ sẽ phải đối mặt với nguy cơ Ukraine rơi vào tay Nga.
Liên Hiệp Quốc kêu gọi hòa bình
Hãng TASS ngày 10.4 dẫn lời phát ngôn viên Stephane Dujarric của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres bày tỏ mong muốn chấm dứt xung đột ở Ukraine, đồng thời tôn trọng nguyên tắc toàn vẹn lãnh thổ.
Phát biểu được đưa ra sau khi có thông tin cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nếu tái đắc cử, sẽ tìm cách chấm dứt xung đột tại Ukraine theo hướng Kyiv phải nhượng bộ lãnh thổ.
“Lập trường của Tổng thư ký Guterres vẫn nhất quán trong suốt cuộc xung đột này. Ông ấy muốn thấy cuộc xung đột chấm dứt theo các nghị quyết liên quan của Liên Hiệp Quốc và với sự tôn trọng hoàn toàn đối với sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine”, theo ông Dujarric.