Suốt mấy tuần trời, bé Bông – con gái tôi – đòi qua nhà bà ngoại em Tít hàng xóm chỉ vì ở đó có một đàn chó con mới đẻ, em nào cũng cưng xỉu. Con nhiều lần năn nỉ bố mẹ cho nuôi một em chó hoặc một em mèo. Tất nhiên là tôi không đồng ý.
Tôi tuyên bố: “Bố mẹ nuôi các con còn lo không nổi, sức lực đâu mà nuôi chó với mèo”. Nó khăng khăng: “Con không cần bố mẹ nuôi. con chỉ cần bố mẹ đồng ý cho con nuôi. Con chăm được. Có chị Phương Anh (tên cô chị lớn trong nhà) hỗ trợ nữa, bố mẹ không phải lo”.
Chó không ngủ, người cũng khỏi ngủ
Và rồi trước sự kiên quyết, chân thành đến cảm động của cô con gái 5 tuổi, tôi miễn cưỡng mua một chú chó lai giữa giống Poodle và chó ta 1 tháng tuổi. Giống chó này không quá lớn nên không tốn diện tích nuôi nhốt, và cũng không ăn nhiều tốn cơm.
Bữa đầu tiên, tôi mang cho em cún một bát cơm nhỏ xinh với ít thịt lợn xào thì bị con gái giật lại.
Nó bảo: “Chó không được ăn cơm”. Con bé nói giọng vô cùng nghiêm túc: “Vì chúng ta không thể đánh răng hằng ngày cho chó nên không được cho chó ăn cơm và thức ăn mặn. Những thực phẩm này sẽ làm cho miệng chó hôi. Con đã nhờ chị Phương Anh đặt mua hạt thức ăn cho chó cùng bỉm, sữa tắm, ba lô, đồ chơi cho chó rồi. Chúng con mua bằng tiền mừng tuổi, mẹ không sợ tốn tiền đâu ạ”.
Cô chị Phương Anh ở gần đó bổ sung: “Nếu chó ăn hạt, phân của nó sẽ thành khuôn dễ dọn mẹ ạ”.
Tôi vô cùng kinh ngạc vì sao bọn nhóc lại biết nhiều đến thế. Hóa ra chúng lên mạng Google và cùng nhau nghiên cứu cách nuôi dạy và chăm sóc chó từ các diễn đàn, hội nhóm.
Đêm đầu tiên, tôi đặt chú cún con vào lồng inox để ở trong bếp. Lạ nhà, nó không ngủ, sủa inh ỏi. Cả nhà không ai ngủ được. Cuối cùng, 1h đêm tôi phải bê cả lồng lẫn chó cho lên phòng ngủ của hai vợ chồng để nó bớt hoảng. Nó ngủ, chúng tôi mới được ngủ.
Đến tối thứ hai, chú chó đổi ý, không chịu ngủ trong lồng, đòi được thả ra ngoài. Nhà tôi ở thành phố, vườn không có, sân cũng không, thả ra biết nó chui vào đâu, rồi ị bậy thì dọn dẹp kiểu gì. Nhưng con bé út quả quyết: “Chó sẽ không ị trong lúc ngủ đâu, mẹ yên tâm”.
Sáng ra, chồng tôi thấy một đống ngay cạnh sô pha. Vội đi làm, cả hai còn phải lau chùi và dọn dẹp mất nửa tiếng đồng hồ.
Vợ chồng thay nhau chăm chó, dắt đi dạo, dọn vệ sinh
Ngày tiếp theo, tôi phát hiện chú chó có mùi hôi và quyết định phải tắm cho nó. Gái út nhà tôi xung phong tắm cho chó, dù bình thường nó tắm cho chính mình còn chả sạch.
Con tắm cho chó được thật. Chú chó sau khi tắm xong còn được lau khô bằng khăn bông mềm và sấy lông cẩn thận. Nhưng khi tôi bước vào phòng tắm thì… ôi thôi. Con tôi tắm cho chó trong cái bồn tắm hai vợ chồng gom góp mãi mới dám mua về. Nó còn xài sữa tắm hương nước hoa của tôi vì phát hiện ra “sữa tắm của mẹ thơm hơn sữa tắm dành cho chó”.
Những ngày sau đó, để không phải tắm chung với chó trong bồn và dọn dẹp bãi chiến trường do con gái bày ra, vợ chồng tôi đành thay phiên nhau tắm cho chó.
Rồi một số buổi chiều, thay vì đi tập yoga ở trung tâm fitness, tôi chuyển qua cùng con dắt chó đi dạo công viên. Con tôi vui lắm. Chú chó cũng hân hoan ra mặt, chỉ mỗi tôi là tiếc tiền tập yoga đã đóng mà phải bỏ.
Còn chồng tôi, người đàn ông vốn đã luôn bận rộn, nay càng bận rộn hơn vì có thêm một nhiệm vụ mới, đó là dọn phân chó. Con gái tôi yêu chó lắm nhưng nó không biết dọn và dọn không sạch nên bố mẹ phải làm giúp.
Sau gần 2 tuần nuôi chó, cả hai vợ chồng tôi ai cũng phờ phạc. Thêm một con chó con chả khác nào thêm một đứa trẻ, lo ăn, lo ngủ, lo tắm, rồi còn phải cho chó đi dạo hằng ngày.
Nếu nhà bạn quá chật chội và bản thân bạn không có đủ thời gian cũng như sự kiên nhẫn thì nên suy nghĩ kỹ trước khi nhận nuôi bất cứ một con vật nào.