(NADS) – Mùa hoa gạo bắt đầu từ tháng 3, khi trời đất giao mùa hết xuân sang hè. “Lập loè cây gạo ra hoa. Nghe trong sâu thẳm cây đa, đình làng…” (Hồ Viết Bình). Và lần này, tôi thực sự được “mục sở thị” câu thơ này.
“Chủ nhật này chị có đi chụp ảnh hoa gạo không?”. Vốn rất thích mấy bộ ảnh của cô bạn thân, lại đang ở Hà Nội, tôi hăng hái “Có nhé!”.
Lập tức, cô bạn add tôi vào nhóm chụp ảnh “Hoa gạo”. Tôi hơi ngại vì mình là “mẫu hậu” chứ có phải là người mẫu trẻ, đẹp gì đâu nên vào nhóm rồi cũng chỉ… âm thầm, lặng lẽ.
Thời gian, lịch trình được mọi người lên khá kỹ cho một buổi chụp ngoài trời. Mọi người phân công và dặn dò mang các đạo cụ. Đêm trước buổi chụp, các nhiếp ảnh gia (NAG) điểm qua danh sách thiết bị của mình, các đạo cụ để đảm bảo có mọi thứ mình cần. Việc quên mang theo ống kính loại mình cần hay đạo cụ sẽ làm hạn chế rất nhiều khả năng sáng tạo của các NAG. Do đó, danh sách kiểm tra này là rất quan trọng.
Cô bạn của tôi bảo: anh Vũ Tú dặn dò phải đến chỗ chị Lan Phương thuê áo tứ thân, quan họ và bà ba. Giờ thì em hiểu vì sao rồi, chị ấy rất có tâm, chỉ cách mặc đồ, cầm nón sao cho đúng, còn làm mẫu trên ma-nơ-canh cho em xem mới an tâm. Chị ấy bảo, chị ấy rất hay soi kỹ các bức ảnh xem mặc trang phục có đúng không, cách thắt dây lưng, cầm nón thế nào. Đúng là một người làm nghề trách nhiệm, cẩn thận và chu đáo.
Mùa hoa gạo bắt đầu từ tháng 3, khi trời đất giao mùa hết xuân sang hè. “Lập loè cây gạo ra hoa. Nghe trong sâu thẳm cây đa, đình làng…” (Hồ Viết Bình). Và lần này, tôi thực sự được “mục sở thị” câu thơ này.
Hang Bích Động, tỉnh Ninh Bình là một điểm đến đầu tiên của đoàn. Nơi đây, cây gạo cao vút soi bóng trên dòng sông, bên cạnh là chiếc cầu nhỏ xinh dẫn vào động…. Nơi đây vẫn vẹn nguyên không gian rất đặc trưng của miền quê Bắc bộ: cây gạo đầu làng, ven bến nước, cổng đình chùa. “Đây là một trong những điểm đến yêu thích nhất của tôi” – nhiếp ảnh gia Vũ Tú chia sẻ.
Để lấy được một bức ảnh đẹp cũng lắm công phu. Thứ nhất, phụ thuộc vào thời tiết. Bao nhiêu công chuẩn bị, sắp xếp thời gian phù hợp để chọn được ngày đi chụp nhưng thời tiết không ủng hộ cũng công toi. Thật may mắn cho đoàn, hôm ấy Hà nội mưa nhưng Ninh Bình lại không mưa. Trời sáng hôm ấy không rực rỡ nắng vàng nhưng mát dịu, như thế cũng là một điều may mắn rồi. Được cái là cả NAG và các “mẫu” không bị mệt.
Điều thứ hai ảnh hưởng đến bức ảnh cảnh là không gian. Nếu cảnh có đẹp mà người qua lại đông quá, lộn xộn quá thì các NAG cũng không thể thực hiện được ý tưởng của mình. Vậy nên, “các mẫu” vừa diễn vừa rối rít xin khách “stop here please. Thank you ” (làm ơn dừng lại)… Buổi sáng cũng chụp xong điểm đến đầu tiên. Và ngay tối hôm đó, khi chúng tôi đang mệt nhừ với một ngày chụp thì NAG Vũ Tú đã show những bức ảnh tuyệt đẹp khiến tôi phải thốt lên với bạn cùng phòng “quá đẹp”! Không gian yên bình, sống động, nên thơ của miền quê xưa hiện lên trong bức ảnh. Một cây cầu cong cong vắt ngang dòng sông, mấy bóng áo dài “nữ sinh” trên cầu, một nhành hoa gạo buông xuống trên nền trời xanh, một bóng dáng cổng Chùa Bích Động nằm yên bình giữa chung quanh là núi non trùng điệp… tất cả được bố cục trong một bức tranh thật hài hòa. Bức ảnh như gửi gắm một thông điệp: trong dòng đời hối hả chảy trôi, ai cũng đều tất bật với cuộc sống, để rồi sau tất cả, tâm hồn mỗi người lại lắng xuống, thật bình yên và ấm áp khi nhớ đến chốn quê, mơ màng nhớ đến hoa gạo lập lòe những ngày tháng ba, với con sông, cổng đình. Phải tâm đắc lắm nên NAG đã quên cả mệt nhọc để hoàn chỉnh thần tốc những bức ảnh này!
Buổi chiều đoàn chúng tôi may mắn hơn khi ánh nắng vàng ươm, sóng sánh rót xuống vạn vật. Đoàn di chuyển đến điểm đến thứ hai là một con đường quê với hàng cây gạo cổ thụ bên cạnh cánh đồng xã Yên Lâm, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Tôi bị hút mắt vào hàng cây gạo rất cao và đẹp, mang dáng vẻ phong sương. Dưới ánh nắng vàng, hàng cây sừng sững giữa đất trời như đang thắp lửa, rực đỏ, khát cháy niềm riêng mãnh liệt.
Bối cảnh hoa gạo ở điểm này lại gợi trong tôi một chút mong manh, nhẹ nhàng như một lời thủ thỉ với những hình ảnh lãng mạn, thi vị, nên thơ:
“Anh có về thăm hoa gạo tháng ba,
Để nhớ về một thời hoa đỏ,
Cái thời em hay mơ màng nhìn qua khung cửa sổ,
Và thả hồn mình vào những cánh buồm mây…
Hoa gạo vương đầy trên lối cỏ chiều nay,
Nghe rưng rức một triền đê ngập nắng,
Hoa vẫn đỏ giữa khoảng trời trống vắng,
Mỗi cánh hoa như tia lửa mặt trời…”
(Phan Thu Hà)
Dưới cái nắng rực rỡ, các “mẫu… hậu” phải đi đi lại lại. Còn các NAG Tú Vũ, Văn Tân, Trương Tiến Dũng, Tú Quyên, Thanh Mai vừa chạy đi chạy lại tìm góc chụp, vừa hô các mẫu không chuyên diễn. Họ lội trên cánh đồng, không ngại nằm bẹp xuống đồng để có những shoots hình đẹp. Cô bạn tôi là dân văn phòng cũng đã tham gia vài lần chụp nên diễn rất chuyên nghiệp. Còn tôi, “lần đầu làm chuyện ấy” nên cứ lóng nga lóng ngóng. Với các NAG chụp cảnh, có lẽ họ thích những người bình thường, với mục đích tạo ra những shoots hình chân thực hết mức có thể. Có lẽ, cách những người như chúng tôi tạo dáng đem lại cho các NAG sự khởi nguồn về một tinh thần, một nguồn cảm hứng cho một chuyến đi mới chăng??? Dù sao đi nữa thì tôi cũng được bonus thêm những tấm ảnh “để đời” nên cũng rất là hứng thú. Những bức ảnh mà tôi tâm đắc nhất ở điểm này là tà áo dài nữ sinh đạp xe trên con đường hoa gạo đỏ rực, hay ảnh chúng tôi ngồi nhặt hoa gạo trên đường… Nó gợi cho tôi nhớ những câu thơ của nhà thơ Lưu Quang Vũ:
“Anh làm sao quên được những con đường,
Lá vàng rơi trên cỏ…
Nhớ vai em chập chờn hoa gạo đỏ”…
Điểm đến cuối cùng trong ngày là một cây gạo cổ thụ trên triền đê, bên cạnh dòng sông lững lờ trôi thuộc xóm 10, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Phía xa là dãy núi soi bóng xuống dòng sông. Cây gạo cổ thụ đầy bí ẩn, cành lá uốn cong, tạo nên một vẻ đẹp kì bí và quyến rũ. Thân cây trơ trụi, mốc thếch và có những cục u, bướu khiến cho cây trở nên sần sùi hơn. Rễ cây trải dài trên mặt đất như những con trăn khổng lồ bò qua triền đê, bò xuống triền sông. Trong trí tưởng tượng của tôi, nơi đây hẳn là ký ức của biết bao lớp người, là khởi nguồn của những câu chuyện đẹp nhất: mỗi mùa hoa gạo, trẻ con đổ về dưới gốc cây, nhặt những bông hoa đỏ rực đầy hứng khởi; có đứa nhìn lên trời mây, ngắm hoa gạo đỏ mơ mộng về chân trời xa; rồi những đôi lứa hẹn hò ngồi dưới gốc hoa gạo, bên dòng sông thơ mộng… Sự sần sùi, xù xì, mốc thếch của cây gạo như là chứng tích giữ lại bao ký ức của người dân nơi đây…
Điểm chụp này chúng tôi phải thay ba bộ đồ: quan họ, tứ thân và bà ba nên rất khẩn trương. Đoàn phải hoàn thành chụp mẫu trước khi nắng tắt, sau đó các NAG sẽ chuẩn bị để bắt khoảng khắc hoàng hôn.
Để tạo không khí cho buổi chụp ảnh thăng hoa, NAG Vũ Tú lại còn kì công mang cả loa bluetooth bật những bài dân ca quan họ. Trong bộ đồ mớ ba mớ bảy, với chiếc nón quai thao, với sự nhộn nhịp của các nhóm chụp ảnh, với tiếng hát quan họ từ chiếc loa kia… tôi cũng như đang hòa mình đi… trẩy hội!
Ở đây có khá nhiều NAG, có khá nhiều người đến chụp (chụp theo đoàn và chụp ngẫu hứng) nên công việc của NAG cũng khó hơn. Các NAG thì rất tôn trọng và không làm ảnh hưởng đến nhau mặc dù họ không cùng đoàn với nhau. Hình như đây là nguyên tắc ứng xử trong nghề.
Các NAG hối hả chạy đua với ánh nắng. Chẳng ai bảo ai cứ thoăn thoắt chạy đi chạy lại góc này góc kia để có shots hình đẹp. Việc của tôi là nhập tâm diễn mà chẳng bận tâm đến ai chụp vì có quá nhiều ống kính.
Khi hoàng hôn xuống chả ai bảo ai chạy nhanh xuống đồng để bắt lấy khoảng khắc này. Các NAG khẩn trương, lúi húi dựng máy, lắp ống kính. Mặt trời đã hạ xuống gần sát biển mây, dừng trên triền núi. Từ cánh đồng nhìn lên, cây gạo sừng sững, vươn những cánh tay uốn cong. Xa xa, ánh nắng vàng đỏ tỏa xuống biển mây. Quả là một bức tranh kỳ bí và quyến rũ. Thực sự, khoảnh khắc này là món quà vô giá thiên nhiên ban tặng con người.
Đến khi nắng tắt hẳn, nhiều NAG vẫn cứ mong muốn mẫu diễn cảnh mang quang gánh tất tả đi về trên triền đê hay dắt chú bò trở về nhà. Mỗi cái cảnh này mà chúng tôi phải đi đi lại lại mãi đến khi mệt nhoài. Vậy mà các NAG vẫn mê mải không muốn dừng và còn khen mẫu để động viên chúng tôi. Tôi thầm cảm phục sự say mê, miệt mài, thầm lặng của các anh/chị làm cái việc mà theo các NAG là “chỉ để thỏa mãn riêng mình” ấy. Tôi thầm hỏi, sao cái đam mê của con người nó lại ghê gớm đến vậy???
Cô bạn chia sẻ, mọi người thường nghĩ NAG chỉ như một công việc nhàn rỗi, nhưng thực tế công việc này đòi hỏi sự chuyên nghiệp về giờ giấc, kỹ năng sắp xếp thời gian. Những bộ ảnh đẹp và nhận được khen ngợi là “món quà” lớn giúp họ luôn nhiệt huyết với nghề.
Chia tay mọi người, tôi trở về với nhiều “tư liệu” của riêng mình. Tôi phải ghi lại chuyến đi này bởi nó không giống các chuyến đi khác của tôi. Một ngày với hành trình gần 300 km đi về và gần như không ngừng nghỉ; một ngày với trải nghiệm làm mẫu chụp ảnh với nhiều điều thú vị khi hiểu thêm về công việc của các NAG; một ngày trải qua nhiều cung bậc cảm xúc với loài hoa mộc mạc của làng quê… Và tôi chợt nhận ra, vẻ đẹp tuyệt vời của hoa gạo không chỉ là ký ức mà còn là sự sống động trong tâm hồn. Và những NAG là những người đã góp phần làm sống động vẻ đẹp tâm hồn ấy. Họ không chỉ đơn thuần là những người chụp ảnh, họ còn là người tạo ra được những câu chuyện mà đôi mắt họ nhìn thấy thông qua ống kính.
Tháng ba, hoa gạo không phải của riêng ai. Nhưng khi bước vào nghệ thuật nhiếp ảnh, bằng nỗi niềm cảm xúc riêng, bằng phong cách riêng biệt, mỗi NAG lại vẽ nên một đường nét của tháng ba và hoa gạo theo cách riêng mình. Dù mong manh hay đậm nét, tháng ba và hoa gạo luôn đẹp, đẹp cả trong thực tại và cả trong nỗi nhớ, niềm thương…