Bài viết về công tác nhân sự của Tổng Bí thư đã đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với thực tế hiện nay, làm căn cứ, cơ sở để lựa chọn đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài.
Tại cuộc họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội XIV của Đảng mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu về “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng.”
Bài viết nhận được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân cả nước.
Các cán bộ đảng viên trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn cho rằng nội dung của bài viết đã kế thừa, vận dụng, phát triển quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác cán bộ. Đồng thời, bài viết đã đưa ra những yêu cầu, tiêu chuẩn cụ thể, phù hợp với thực tế hiện nay, làm căn cứ, cơ sở để lựa chọn đội ngũ cán bộ vừa có đức vừa có tài, làm mọi việc trên tinh thần vì dân vì nước…
Bà Trần Thị Thu Huyền, Phó Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Việt Bắc, thành phố Lạng Sơn, nhìn nhận: “Cùng với việc chuẩn bị, hoàn thiện văn kiện bám sát thực tiễn đời sống, công tác nhân sự là yếu tố then chốt, quyết định đến thành công của Đại hội XIV của Đảng và sự phát triển, hưng thịnh của đất nước. Chính vì vậy, đồng chí Tổng Bí thư đã nhấn mạnh, đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, then chốt của then chốt, có liên quan đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ, sự phát triển, vững mạnh của đất nước. Công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng, do đó chúng ta thấy rằng, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn coi trọng việc xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: ‘Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ…’.”
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhiều lần chỉ rõ kiên quyết không để lọt những người không xứng đáng, không bảo đảm đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức vào đội ngũ cán bộ đương chức và cán bộ quy hoạch cấp chiến lược. Đồng thời xử lý nghiêm, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật của Nhà nước đối với cán bộ vi phạm, những cán bộ có động cơ sai trái, tư tưởng cục bộ, bè phái, “lợi ích nhóm” trong công tác cán bộ…
Theo bà Huyền, mỗi một giai đoạn lịch sử có những yếu tố thuận lợi, song cũng bao hàm khó khăn, thách thức. Trải qua thực tiễn, những cán bộ thể hiện được năng lực, tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Ở lĩnh vực công tác nào cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được nhân dân tin yêu… Rõ ràng, đây là nhân tố cần tiếp tục được bồi dưỡng, phát triển, giao đảm nhận trọng trách cao hơn. Ngược lại, chúng ta cũng sẽ đánh giá chính xác, không đưa vào quy hoạch những trường hợp sợ trách nhiệm, ngại khó, ngại khổ, không dám làm, đùn đẩy trách nhiệm, uy tín thấp…
Ông Nguyễn Trọng Sơn, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Lạng Sơn, tâm đắc với định hướng về công tác nhân sự của Tổng Bí thư. Đó là, không bỏ sót những người thật sự có đức, có tài, đủ tiêu chuẩn. Bên cạnh đó, không để lọt vào Ban Chấp hành Trung ương khóa XIV những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng, không kiên định quan điểm, đường lối, quan điểm của Đảng; có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, nói không đi đôi với làm, không trung thực…
Thực tế đã chứng minh, cán bộ nào thì phong trào ấy. Nếu cán bộ có năng lực, năng động, sáng tạo, bám sát cơ sở, dám nghĩ, dám làm, lăn lộn cùng nhân dân thì chắc chắn phong trào nơi đó sẽ phát triển, hiệu quả đạt được cao, người dân tích cực tham gia, đồng tình ủng hộ. Ngược lại, nếu cán bộ không bám sát thực tiễn, sợ trách nhiệm, không dám làm, đơn vị đó rất khó tạo được sự bứt phá trong phát triển kinh tế-xã hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ cán bộ là cái gốc của mọi công việc. Người xem cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy nên chỉ cần một mắt xích yếu kém, cả bộ máy sẽ bị ảnh hưởng.
“Từ quan điểm, tư tưởng của Bác, thêm một lần nữa khẳng định vai trò tối quan trọng của việc lựa chọn, quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ. Chúng ta phải chọn đúng người, đặt người đó vào đúng việc, đúng chuyên môn nghiệp vụ mới có thể phát huy hết khả năng, năng lực, sở trường của cán bộ và giúp ích cho dân, cho nước,” ông Sơn phân tích.
Nghiên cứu bài phát biểu về “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIV của Đảng” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Lành Văn Trí, Phó Bí thư Đảng ủy phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn cho hay, để có đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ, Đảng, Nhà nước cần tạo môi trường thuận lợi để bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ; từ đó đánh giá đúng năng lực, sở trường công tác, phục vụ cho quy hoạch, bố trí, sử dụng cán bộ.
Để tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ cần thực hiện hiệu quả quy định về luân chuyển cán bộ. Nhằm phòng ngừa những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong đội ngũ lãnh đạo các cấp, Đảng, Nhà nước cần có quy định cụ thể, công cụ để kiểm soát quyền lực; nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát, nhất là giám sát về tài sản, thu nhập, phòng ngừa những vi phạm quy định pháp luật và những điều đảng viên không được làm.
Xuất phát từ thực tiễn địa phương, ông Trí mong rằng, Đảng, Nhà nước cần có chính sách quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, quy hoạch cán bộ nguồn từ cấp cơ sở xã, phường vì đây là lực lượng trực tiếp triển khai các chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước đến người dân. Đây cũng là đội ngũ trực tiếp nắm bắt, tiếp nhận những kiến nghị, nguyện vọng của nhân dân, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh từ cơ sở.
Từ quan điểm trong bài phát biểu của Tổng Bí thư và kinh nghiệm chuẩn bị nhân sự cho Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp tại Lạng Sơn, ông Nguyễn Hữu Chiến, Phó Chủ tịch phụ trách Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, cán bộ chủ chốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngoài đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn chung theo quy định của Trung ương, cần hiểu biết toàn diện về công tác mặt trận; có khả năng tuyên truyền, vận động, thuyết phục, tập hợp quần chúng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tạo sự đồng thuận xã hội và tổ chức giám sát, phản biện xã hội. Cán bộ mặt trận phải thực sự nhiệt huyết, là hạt nhân của khối đại đoàn kết toàn dân; có kinh nghiệm, uy tín cao trong tổ chức mặt trận, có uy tín, ảnh hưởng trong đội ngũ trí thức, chức sắc tôn giáo…
Đối với tỉnh miền núi, biên giới, tỷ lệ người dân tộc thiểu số chiếm hơn 83% dân số toàn tỉnh như Lạng Sơn, người cán bộ mặt trận phải giữ mối liên hệ mật thiết, gắn bó với nhân dân và các tổ chức thành viên của mặt trận.
Người cán bộ mặt trận phải am tường truyền thống lịch sử, văn hóa, phong tục tập quán, nếp sinh hoạt của đồng bào các dân tộc ở từng vùng, miền. Tất cả mọi việc đều hướng đến quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân, từ đó dân mới tin và làm theo.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phát huy vai trò giám sát, phản biện trong việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó kiến nghị với Đảng, Nhà nước những cách làm, chủ trương, chính sách phù hợp, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân./.