Mùa tuyển sinh năm nay, em Phạm Quang Trường, trường THPT Trương Định (Hà Nội) lựa chọn dự thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội đợt 3 để lấy kết quả xét tuyển vào các trường đại học. Nhận thấy kiến thức của kỳ thi rất rộng, mức độ cạnh tranh cao, nhiều bạn bè trong lớp miệt mài ôn luyện nên Quang Trường cũng xin tiền bố mẹ đăng ký khoá luyện thi. Nam sinh tin rằng, việc vừa học trên lớp, vừa ôn luyện thêm sẽ giúp em củng cố kiến thức kỹ càng hơn.
Lên mạng tìm hiểu, chỉ với từ khoá “ôn thi đánh giá năng lực”, Quang Trường nhận về hàng nghìn kết quả thông tin quảng cáo dịch vụ ôn thi cấp tốc, mua bán tài liệu ôn tập, cung cấp đề thi thử cho kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy.
“Theo lời quảng cáo, khi theo học các khóa này thí sinh được trang bị kỹ năng giải nhanh, mẹo xử lý các dạng câu hỏi trắc nghiệm trong đề thi, nhân đôi tốc độ làm bài, thành thạo phương pháp làm các dạng bài thường gặp trong đề và đạt điểm cao”, Trường nói.
Các khoá luyện thi này liên tục chiêu sinh học viên với chính sách khuyến mại hấp dẫn. Học phí được chia thành nhiều mức từ vài trăm nghìn đồng đến vài triệu đồng/khóa, đắt nhất hơn 5 triệu đồng/khoá 10 buổi. Hình thức học chủ yếu qua livestream hoặc học qua video bài giảng thầy cô ghi hình sẵn.
Bên cạnh các khóa luyện thi cấp tốc, nhiều nơi còn bán các bộ sách luyện đề: Tổng ôn cấp tốc luyện thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia Hà Nội, Tăng tốc luyện đề dành cho kỳ thi đánh giá năng lực Đại học Quốc gia TP.HCM… với giá từ 200.000 – 300.000 đồng/quyển.
Sau khi suy đi tính lại, nam sinh quyết định lựa chọn khoá ôn thi cấp tốc trong vòng 25 ngày. Mức học phí cho toàn khoá học là 3,5 triệu đồng. Thế nhưng sau khi kết thúc khoá học, Quang Trường nhận thấy những kiến thức tiếp nhận được không mới, đều đã được dạy trên lớp, thậm chí khiến cậu mất thời gian cho việc ôn, giải đề.
Tương tự, Phạm Thái Sơn, học sinh lớp 12, trường THPT Hoàng Văn Thụ (Hà Nội) chia sẻ: “Do muốn bổ sung lại kiến thức lớp 10 và lớp 11 để chuẩn bị cho kỳ thi đánh năng lực, em đã đăng ký khóa luyện thi online, giá gốc 2,6 triệu nhưng được giảm giá còn 2 triệu đồng. Tuy nhiên, sau khi luyện hết khóa, em không nhận thấy sự thay đổi về kiến, mọi nội dung đều mơ màng, không có gì khác ngoài sách giáo khoa”, Thái Sơn nhận xét.
Không nên luyện thi đánh giá năng lực
GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội khẳng định, trường không liên kết với bất kỳ tổ chức, trung tâm nào trong việc cung cấp bộ đề, ôn luyện cho thí sinh dự thi đánh giá năng lực. Đội ngũ giảng viên tham gia làm đề thi đều đã ký cam kết không tham gia dạy thêm, ôn luyện thi cho thí sinh. Đại học Quốc gia Hà Nội chỉ công bố thông tin hướng dẫn liên quan đến kỳ thi trên website của nhà trường.
“Ôn thi là việc cần thiết, dù với kỳ thi nào, thí sinh cũng cần phải có kế hoạch nghiêm túc. Thí sinh có thể ôn luyện bằng bất kỳ hình thức nào nhưng cần xác định, ôn luyện và ôn tủ là khác nhau. Nếu chỉ xác định ôn tủ, hầu hết là thất bại với bài thi đánh giá năng lực”, GS.TS Nguyễn Tiến Thảo nói. Việc luyện thi chỉ phù hợp với những bài thi tủ, những bài thi có 1 – 2 đề. Còn với bài thi đánh giá năng lực, ngân hàng đề thi tương đối lớn, đủ rộng và phổ quát chương trình THPT nên sẽ không có tình trạng ôn tủ.
Ông Thảo khuyên, để đạt kết quả cao trong kỳ thi, thí sinh không cần tham gia bất cứ hình thức luyện thi nào mà chỉ cần làm quen với dạng bài thi qua đề thi tham khảo đã được công bố, đồng thời củng cố kiến thức các môn học bậc phổ thông.
Đồng quan điểm, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó hiệu trưởng trường Đại học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng, thí sinh không nên chạy theo lớp học luyện thi đánh giá năng lực, bởi các lớp này chỉ dạy tiếp cận nội dung chứ không giúp hình thành năng lực. Việc nở rộ hàng loạt các lớp luyện thi chỉ khiến thí sinh “đa thư loạn tâm”, vừa tốn thời gian, vừa gia tăng áp lực, thậm chí có thể ảnh hưởng tới kết quả thi.
Theo ông Nam, năng lực không phải là thứ có thể luyện được trong thời gian cấp tốc. Triết lý của đánh giá năng lực là những tri thức đã hình thành trong thời gian dài để từ đó đưa ra vận dụng, giải quyết vấn đề.
Những khóa học mở ra chỉ để hướng dẫn thí sinh kỹ thuật làm bài thi trong khi điều này đã có từ các đơn vị tổ chức. Thí sinh hoàn toàn có thể làm quen với phương thức thi bằng cách tham khảo bài thi mẫu trên website công khai của trường, xem hướng dẫn của các trường đại học, nơi tổ chức cuộc thi đánh giá năng lực, từ đó suy nghĩ sâu hơn về chiến lược làm bài, PGS Trần Thành Nam khuyên thí sinh.
Năm nay có thêm ba trường đại học tổ chức kỳ thi tuyển sinh riêng, nâng số kỳ thi riêng lên 11, gồm: kỳ thi của Đại học Quốc gia TP.HCM, Quốc gia Hà Nội, Bách Khoa Hà Nội, Sư phạm Hà Nội, Sư phạm TP.HCM, Bộ Công an, Cần Thơ, Việt Đức, Ngân hàng, Sài Gòn, Tài chính Marketing. Trong số 10 kỳ thi đánh giá năng lực, tư duy, có khoảng 1/2 số kỳ thi được tổ chức thi trên máy tính. Số còn lại làm bài trực tiếp trên giấy.