Ông Hồ Ngọc Quốc Sĩ cho biết, trước đây gia đình sinh sống và làm việc ở TP.HCM. Bên cạnh công việc quản lý nhà hàng, ông thường dành từ 6-8 tiếng/ngày sáng tạo với những que tăm.
Trước khi làm mô hình kiến trúc nào, ông sẽ nghiên cứu kỹ về đặc điểm lịch sử, kiến trúc của mô hình đó rồi cân chỉnh tỉ lệ phù hợp sao cho thật nhất.
Ban đầu, ông chỉ làm những mô hình nho nhỏ trưng cho vui, sau đó mới có ý tưởng mô phỏng những công trình kiến trúc biểu tượng của TP.HCM như: tòa nhà UBND TP.HCM, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, nhà thờ Thánh Phaolô, Chợ Bến Thành.
Sau đó, ông sáng tạo thêm mô hình Lăng Bác, Chùa Một Cột, nhà sàn Tây Nguyên, cổng Tam Quan (Kiên Giang), cổng Tam Quan (Cao Lãnh xưa), Khu du lịch Manrina Bay Sands (Singapore).
“Mô hình UBND TP.HCM tôi làm với tỉ lệ 1:30 có tất cả chi tiết bằng tăm tre kết dính rồi cắt nhỏ các chi tiết với tỉ lệ chính xác cao nhất. Tôi dùng hơn 1 triệu que tăm, mất hơn 13 tháng hoàn thành. Còn những mô hình khác mất từ 6-9 tháng tùy thiết kế. Riêng công đoạn lựa chọn và kết dính tăm mất hơn 50% thời gian”, ông Sĩ nói.
Hiện ông Sĩ còn giữ 12 mô hình trưng bày cho khách tham quan, chụp ảnh tại quán cà phê Mô Hình (TP Cao Lãnh). “Tôi đang thực hiện công đoạn kết dính tăm chuẩn bị làm tiếp mô hình Tượng Nữ Thần Tự Do”, ông Sĩ nói.
Ông Trần Văn Diễn, ngụ TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, bày tỏ: “Tôi thường xuyên đến uống cà phê và ngắm nhiều mô hình độc đáo do anh Sĩ thực hiện. Phải nói đây là sự dày công sáng tạo và dồn nhiều tâm huyết để có những mô hình kiến trúc như thật”.