Giá dầu thô trong phiên sáng ngày 9/4 tăng trở lại sau khi các cuộc đàm phán giữa Israel và Hamas không đạt được như kỳ vọng.
Giếng dầu South Belridge ở hạt Kern, bang California, Mỹ. (Nguồn: CNBC) |
Dầu thô Brent kỳ hạn tăng 28 cent lên 90,66 USD/thùng. Dầu thô West Texas Intermediate (WTI) của Mỹ tăng 21 cent ở mức 86,64 USD/thùng vào sáng ngày 9/4.
Ngày 8/4, vòng đàm phán mới về lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas ở Cairo đã chấm dứt đợt tăng giá kéo dài nhiều phiên, khiến dầu Brent giảm lần đầu tiên sau 5 phiên giao dịch (90,21 USD/thùng, giảm 0,72%) và dầu WTI giảm trong 7 phiên (86,02 USD/thùng, giảm 0,76%).
Tuy nhiên, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết, Israel đã ấn định thời điểm tấn công thành phố Rafah ở Gaza. Theo nhà phân tích thị trường của IG Tony Sycamore, điều này “chấm dứt kỳ vọng giảm bớt căng thẳng địa chính trị trong khu vực”.
Sáng 9/4, lực lượng Hamas cho biết đề xuất của Israel mà họ nhận được từ các nhà hòa giải Qatar và Ai Cập không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của Palestine. Tuy nhiên phía Hamas khẳng định sẽ nghiên cứu đề xuất này trước khi trả lời các nhà hòa giải.
Thị trường đang tiếp tục cân nhắc nguy cơ gián đoạn nguồn cung dầu. Các nhà phân tích của ANZ cho biết, việc Iran sẽ đáp trả sau cuộc tấn công được cho là của Israel nhằm vào lãnh sự quán của họ ở Syria “có thể kéo thị trường dầu mỏ vào cuộc xung đột, sau khi phần lớn thị trường này không bị ảnh hưởng kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel”.
Theo tờ Thời báo Tehran ngày 5/4, Iran tuyên bố sẽ trả đũa sau cuộc không kích khiến 2 tướng lĩnh và 5 cố vấn quân sự của nước này thiệt mạng ở Damascus, mặc dù Israel chưa lên tiếng chịu trách nhiệm về vụ tấn công.
Trong khi đó, các nhà phân tích của ANZ cho biết những yếu tố khác lớn hơn đang hỗ trợ giá dầu. Dữ liệu công bố ngày 8/4 cho thấy nhu cầu nhiên liệu của Ấn Độ đạt mức cao kỷ lục trong tài chính năm 2024 do mức tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay tăng cao. Hoạt động sản xuất của Trung Quốc được cải thiện dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu nhiên liệu.
Trong tuần này, thị trường sẽ theo dõi dữ liệu lạm phát từ Mỹ và Trung Quốc để có thêm tín hiệu về định hướng kinh tế của hai nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Tại châu Mỹ, công ty dầu khí nhà nước Pemex của Mexico cho biết họ sẽ giảm xuất khẩu dầu thô 330.000 thùng mỗi ngày để có thể cung cấp nhiều hơn cho các nhà máy lọc dầu trong nước, cắt giảm 1/3 nguồn cung có sẵn với người mua ở Mỹ, châu Âu và châu Á.