Theo Indian Express, mỗi năm chỉ có 2 – 5 lần nhật thực, và cứ 1,5 năm mới có 1 lần nhật thực toàn phần. Tuy nhiên, đó là con số tính chung cho cả Trái đất. Nếu chỉ tính tại một địa điểm riêng rẽ bất kỳ (ví dụ như một thành phố cụ thể nào đó), thì Bảo tàng Hoàng gia Greenwich cho hay xác suất giảm mạnh xuống còn 1 lần/400 năm. Vì sao nhật thực lần này lại hiếm như vậy?
Nhật thực diễn ra thế nào?
Nhật thực xảy ra khi Mặt trăng di chuyển vào giữa đoạn thẳng nối bởi Trái đất và Mặt trời. Mặt trăng một phần hoặc toàn bộ ánh sáng từ Mặt trời, tạo ra một cái bóng lớn trên một số nơi trên Trái đất.
Có 4 loại nhật thực khác nhau, bao gồm nhật thực toàn phần, nhật thực hình khuyên, nhật thực một phần và nhật thực lai.
Khi Mặt trăng che khuất hoàn toàn Mặt trời, các khu vực ở tâm bóng của Mặt trăng vào thời điểm đó chứng kiến nhật thực toàn phần. Bầu trời tối dần và những người nằm trong vùng xảy ra nhật thực toàn phần chỉ có thể nhìn thoáng qua quầng sáng bên ngoài hay vành nhật hoa của Mặt trời – vốn không thể quan sát trong điều kiện thông thường.
Khi Mặt trăng che chắn Mặt trời nhưng lại ở xa Trái đất thì nhật thực hình khuyên sẽ xảy ra. Trong kịch bản này, chỉ phần tâm của Mặt trời bị che khuất, còn phần ngoại vi trông giống như một vòng lửa thì không.
Nhật thực một phần xảy ra khi Mặt trăng che khuất một phần của Mặt trời, khiến nó có hình lưỡi liềm. Trong cả nhật thực một phần và nhật thực hình khuyên, các vùng bên ngoài khu vực được bao phủ bởi bóng của Mặt trăng (umbra) (phần tối nhất do bóng Mặt trăng tạo ra) sẽ thấy nhật thực một phần. Nhật thực một phần là loại nhật thực phổ biến nhất.
Nhật thực lai – loại nhật thực hiếm nhất – xuất hiện khi nhật thực chuyển đổi giữa hình khuyên và toàn phần khi bóng của Mặt trăng di chuyển trên toàn cầu. Trong trường hợp này, một số nơi trên thế giới nhìn thấy nhật thực toàn phần, trong khi những nơi khác quan sát thấy nhật thực hình khuyên.
Nhật thực hiếm tới mức nào?
Nhật thực chỉ diễn ra vào trăng non (ngày đầu hoặc cuối tháng âm lịch) – khi Mặt trăng và Mặt trời thẳng hàng ở cùng một phía của Trái đất. Trăng non diễn ra khoảng 29,5 ngày/lần vì đó là khoảng thời gian Mặt trăng quay quanh Trái đất. Tuy nhiên, nhật thực không diễn ra hàng tháng mà chỉ từ 2 đến 5 lần mỗi năm. Nhưng tại sao?
Đó là vì Mặt trăng không quay quanh Trái đất trong cùng mặt phẳng mà Trái đất quay quanh Mặt trời. Trên thực tế, Mặt trăng nghiêng khoảng 5 độ so với mặt phẳng hoàng đạo của Trái đất. Kết quả là, hầu hết thời gian Mặt trăng nằm giữa Mặt trời và Trái đất, bóng của nó quá cao hoặc quá thấp để có thể rơi xuống Trái đất.
Nói cách khác, nếu bạn coi quỹ đạo Trái đất quanh Mặt trời là một cái đĩa và quỹ đạo của Mặt trăng quanh Trái đất là một cái đĩa khác, thì giữa hai đĩa có một góc 5 độ. Tuy nhiên, giữa hai mặt phẳng do hai chiếc đĩa này tạo ra vẫn có giao là một đường thẳng. Bất cứ khi nào trăng non đi qua đường thẳng này sẽ có cơ hội xảy ra nhật thực.
Vì sao nhật thực toàn phần năm nay hiếm đến vậy?
Mặc dù có thể có từ 2 đến 5 lần nhật thực mỗi năm, nhưng nhật thực toàn phần chỉ xảy ra khoảng 18 tháng một lần. Như đã đề cập trước đó, một vị trí cụ thể trên Trái đất chứng kiến nhật thực toàn phần chỉ 1 lần trong 400 năm.
Điều này là do nhật thực toàn phần chỉ có thể nhìn thấy được nếu một người đứng trong umbra của Mặt trăng, nếu đứng trong penumbra (vùng nửa tối) thì chỉ thấy được nhật thực một phần. Umbra rất nhỏ, chỉ bao phủ một phần diện tích không đáng kể của Trái đất. Trên thực tế, toàn bộ đường đi của umbra trong nhật thực sẽ chỉ bao phủ ít hơn 1% diện tích địa cầu. Đây là lý do tại sao chỉ có rất ít người có thể nhìn thấy nhật thực toàn phần mỗi khi nó diễn ra.
Đó là chưa kể khoảng 70% diện tích địa cầu nằm dưới nước và một nửa diện tích đất liền được coi là không có người ở. Do vậy, lần nhật thực toàn phần này (bao phủ diện tích nơi ở của hơn 30 triệu người) càng vô cùng hiếm có.