Thầy Hồ Văn Thành, 45 tuổi, điểm trưởng điểm trường thôn Cát và thầy Hồ Xuân Sinh, 44 tuổi, điểm trưởng điểm trường thôn Trỉa, cùng thuộc Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Sơn (Hướng Hóa, Quảng Trị).
Hai thầy có 20 năm gắn bó dạy học ở vùng khó, nhiều thiếu thốn nhưng tràn đầy tình cảm trân quý của học trò và phụ huynh.
Bám lớp bám trò vì ân tình của phụ huynh
Năm 2005, thầy Thành chân ướt chân ráo bước vào nghề dạy học tại điểm trường thôn Cát. “Thời đó đường, điện không có, ruộng ít, bà con làm không đủ ăn. Tôi gùi gạo, mắm muối, sách vở theo đường rừng.
Cuối giờ dạy thì vào rừng hái đoác (một loại cây rừng, người vùng cao thường lấy ruột bên trong để luộc ăn – NV), ra suối Khe Miếu bắt ốc, cá cải thiện. Bà con thấy thầy vất vả, họ quan tâm, cho rau, cá; gạo thì tặng thầy 1 – 2 lon mỗi khi lũ lụt chia cắt”, thầy Thành kể về tấm lòng của dân bản.
Cũng ngay năm đầu tiên vào bản, thầy Thành sốt đứng lớp không được. 5h sáng, hàng chục dân bản thay nhau dùng võng khiêng thầy vượt rừng, đến 12h trưa mới ra tới quốc lộ 9 để đi điều trị. Chính cái ân tình đó khiến sau một tuần nằm viện, thầy về thẳng lớp vì thương các em thiếu con chữ.
Có năm mưa lũ to, đường sá chia cắt, thầy Thành ở lại bản đến 2 tháng liền, đói no nhờ cả ở dân bản.
Trong khi đó, thầy Hồ Xuân Sinh vào cắm thôn Trỉa từ năm 2004. “Thời đó trường chỉ là một cái lán nhỏ, dạy học một tháng liền rồi về nhà mang thức ăn vào. Rất mừng là bà con quan tâm, họ khổ cực nhưng không cho giáo viên khổ, thầy cô phải có gạo ăn”, thầy Sinh kể.
Sau năm 2010, đường sá được dân bản cải tạo, thầy cô mới có thể đi xe máy nhưng cũng vất vả trăm bề vì vẫn là đường rừng trơn trượt, gồ ghề. Thức ăn tươi mang lên chỉ ăn được một bữa, phải nướng để tích trữ. Sau năm 2019, có điện nên thầy cô sắm tủ lạnh mới trữ được đồ tươi.
Cả 2 thầy được điều đi một số bản khác, về dạy ở trung tâm xã nhưng cuối cùng vẫn tình nguyện xin về dạy ở 2 thôn khó khăn Cát, Trỉa, là 2 thôn xa nhất của xã Hướng Sơn.
Có 2 tuyến đường vào đây, trong đó một tuyến đường mòn giữa rừng từ trung tâm xã dài khoảng 16km, chỉ có thể di chuyển bằng xe máy vào mùa khô. Con đường này một bên dốc cao, một bên vực sâu, trơn trượt nên mùa mưa không ai dám đi.
Tuyến đường thứ 2 do một công ty tư nhân xây dựng để thi công thủy điện vào năm 2020. Tuy nhiên, con đường này về trung tâm xã dài đến 90km và cũng bị chia cắt, sạt lở vào mùa mưa lũ.
Điểm tựa tinh thần của học trò vùng cao
Điểm trường thôn Cát có 65 học sinh, trong đó có một lớp ghép 4 và 5. Điểm trường thôn Trỉa có 2 lớp ghép 1-2 và 3-4-5.
Sau 2 thập kỷ, học vấn con em Cát – Trỉa được cải thiện, kiến thức phát triển hơn nhiều. Hết cấp 1, các em lên học bán trú tại điểm trường trung tâm.
100% dân số tại đây là người Vân Kiều. Họ nặng lòng với con chữ, biết học chữ mới thoát nghèo. Nhưng vòng luẩn quẩn nghèo không có điều kiện để học lên cứ bám riết. Hàng trăm học trò được 2 thầy chăm bẵm nhưng đến nay chỉ có em Trần Thị Dung học lên cao đẳng sư phạm. Đây là thành tựu lớn nhất và là nguồn động viên để các thầy cô tiếp tục gắn bó với dạy học ở vùng này.
“Tôi chỉ mong các em cố gắng học, sau này có tương lai tươi sáng hơn, góp sức giúp thôn bản phát triển. Từ ngày đầu vào bản, tôi xác định con đường giáo dục là hàng đầu, hy sinh tất cả cho con em vùng cao”, thầy Thành bộc bạch.
Thầy Nguyễn Đình Sâm – hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Hướng Sơn – đánh giá: “Tinh thần tình nguyện và tấm lòng của 2 thầy đã giúp nhiều thế hệ học trò ở thôn bản vững bước đến trường”.