Ông Loan kể tại cuộc tọa đàm và ra mắt cuốn sách Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật của tác giả Bùi Trọng Hiền, diễn ra ngày 6-4 tại Hà Nội.
Tùy từng môi trường diễn xướng mà ả đào có thêm nhiều tên gọi như hát cửa đình, hát cửa đền, hát cửa quyền, hát nhà tơ, hát ca công, hát nhà trò…
Tới khoảng thế kỷ 19, hát ả đào đổi thành hát cô đầu. Nửa cuối thế kỷ 20, hát cô đầu bị loại bỏ khỏi đời sống xã hội. Một số người yêu thương thể loại này vẫn nói và viết về nó nhưng dùng một từ khác là ca trù.
Ngày 1-10-2009, UNESCO chính thức ghi danh nghệ thuật ca trù của Việt Nam vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
GS Trần Văn Khê lý giải ả đào là kiệt tác
Nhà nghiên cứu Đặng Hoành Loan, nguyên viện phó Viện Âm nhạc, là người chỉ huy cuộc điền dã lớn nhất trong lịch sử nước ta để tìm hiểu về loại hình này, cũng là người trực tiếp làm hồ sơ trình UNESCO.
Ông kể năm 2005 Bộ Văn hóa thông tin (nay là Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch) giao ông xây dựng hồ sơ quốc gia kiệt tác nghệ thuật ca trù. Lúc đó, ông “vô cùng lúng túng”.
Khi nhận đề án đó về, các đồng nghiệp ở Viện Âm nhạc không tán thành, bảo “không đủ sức đâu vì chúng ta không hiểu ca trù là gì”.
Theo lời ông kể, chính bộ lúc đó cũng không biết xây dựng hồ sơ quốc gia ca trù là kiệt tác đó như thế nào và tại sao gọi là kiệt tác.
Lúng túng đó sau đó được GS Trần Văn Khê giải thích một cách mạch lạc và ngắn gọn: “Gọi kiệt tác khi đó là hình thức nghệ thuật chỉ có quốc gia đó có mà thôi, còn nhân loại không có nước nào có. Thế là kiệt tác”.
“Chúng tôi bừng tỉnh, hóa ra chỉ có Việt Nam có một loại hình mà nhân loại không có. Tuy nhiên, làm sao để chứng minh nó là kiệt tác, khó vô cùng”, ông nói.
Cuộc điền dã “không biết buồn hay vui”
Cuộc điền dã diễn ra trong sáu tháng trên phạm vi toàn quốc với nhiều khó khăn để chứng minh ca trù là kiệt tác.
“Khó khăn nhất là khi mang từ ca trù đi hỏi, tất cả cán bộ văn hóa ở các xã, huyện không ai biết. Nhưng khi hỏi ở đây có cụ nào ngày xưa hát cô đầu không thì họ gật đầu có nhiều lắm”, ông nhớ lại.
Khi đoàn tìm đến các cụ hát cô đầu, chẳng hạn có hai cụ ở Thanh Hóa, họ gạt đi “thôi, tôi sợ lắm”, “tôi khổ tâm lắm” vì ký ức các cô đầu bị miệt thị và trừng phạt vẫn còn nguyên trong tâm trí. “
Nghe thế, tôi không biết vui hay buồn”, ông Loan chia sẻ.
Làm sao bây giờ? Thông tin tản mác, nghệ nhân chưa thoát khỏi ám ảnh và không chịu chia sẻ… Rất khó duy danh tên gọi: cô đầu, ả đào, hay ca trù.
Song suy đi tính lại, trong tất cả tư liệu Hán Nôm đều ghi là ca trù. Trong văn bản gửi UNESCO trước đó, ta cũng lỡ ghi là “ca trù” nên trong hồ sơ trình vẫn để nguyên.
“Từ ca trù có tính sách vở và có căn cứ tài liệu để nghiên cứu; nhưng xét về âm nhạc học, từ ca trù không có tính âm nhạc gì”, ông nói.
Vì thế khi nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền đưa từ ả đào ra bìa cuốn sách mới ra này, ông Loan tán thành. “Từ ả đào mới duy danh được hình thức nghệ thuật, nội dung nghệ thuật và những nghệ sĩ chơi trong nghệ thuật đó”, ông nói.
Ả đào là thể loại ở tầng bậc kỹ thuật cao, đỉnh chóp với hệ âm luật phức tạp, kỳ vĩ và hóc hiểm nhất.
Nhà nghiên cứu Bùi Trọng Hiền
Loại hình “đỉnh chóp”
Ả đào: Một khảo cứu về lịch sử và hệ âm luật là kết quả sau 9 năm nghiên cứu của Bùi Trọng Hiền. Trong cuốn khảo cứu này, tác giả tiếp cận ả đào bằng cách đi sâu vào các khía cạnh của lịch sử, không gian văn hóa và hệ âm luật của chính loại hình cổ nhạc này.
Ả đào từng có một giai đoạn phát triển rực rỡ, phủ khắp miền Bắc, vào cả Thanh – Nghệ – Tĩnh. Sang nửa sau thế kỷ 20, “cuộc chơi nghệ thuật nghìn năm tuổi chấm dứt”, ả đào dần biến mất khỏi đời sống xã hội.
Tháng 4-1976, GS Trần Văn Khê về nước thu âm giọng hát bà Quách Thị Hồ để UNESCO in đĩa nhựa. Bùi Trọng Hiền gọi đây là một “buổi thu mang tính lịch sử”.
Năm 1983, bài Tỳ bà hành (dài 35 phút, là bài hát dài nhất thế giới) trong đĩa này được bình chọn là một trong chín tiết mục xuất sắc nhất ở Diễn đàn Âm nhạc châu Á tại Bình Nhưỡng (Triều Tiên).
Với cuốn sách này, Bùi Trọng Hiền muốn lôi những mảnh vụn còn sót lại của ả đào ra ánh sáng khoa học.