Trong buổi lễ được tổ chức tại thủ đô Kigali hôm 7/4, Tổng thống Rwanda Paul Kagame tỏ lòng thành kính bằng cách đặt vòng hoa lên các ngôi mộ tập thể và thắp một ngọn lửa tưởng nhớ tại Đài tưởng niệm nạn diệt chủng Kigali, nơi được cho là đã chôn cất hơn 250.000 nạn nhân.
Bên cạnh hàng nghìn người dân, buổi lễ còn có sự tham gia của các nguyên thủ quốc gia châu Phi và cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, người đã gọi vụ diệt chủng là thất bại lớn nhất trong chính quyền của ông.
Trước hàng nghìn người có mặt, ông Kagame cho biết cộng đồng quốc tế đã thất bại trong việc ngăn chặn nạn diệt chủng. Việc cộng đồng quốc tế không can thiệp đã trở thành nguyên nhân gây ra sự việc kéo dài, khi người đứng đầu Liên minh châu Phi Moussa Faki Mahamat nói rằng “không ai, kể cả Liên minh châu Phi, có thể miễn tội cho việc cộng đồng quốc tế không hành động”.
Các sự kiện hôm 7/4 đánh dấu sự khởi đầu cho một tuần quốc tang ở Rwanda với các lá cờ quốc gia được treo rủ. Âm nhạc sẽ không được phát ở những nơi công cộng hoặc trên đài phát thanh, trong khi các sự kiện thể thao và phim bị cấm phát sóng trên TV.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp tục thừa nhận Pháp đã không làm tròn trách nhiệm trong nạn diệt chủng khi từ chối chú ý đến những cảnh báo về các vụ thảm sát sắp xảy ra.
Vào thời điểm xảy ra nạn diệt chủng, Pháp từ lâu đã ủng hộ chế độ do người Hutu thống trị ở Rwanda, dẫn đến căng thẳng hàng thập kỷ giữa hai nước.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết hậu quả của các vụ thảm sát “vẫn còn được cảm nhận trên khắp Rwanda và trên toàn thế giới”. Ông nói: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên nỗi kinh hoàng trong 100 ngày đó, nỗi đau và mất mát mà người dân Rwanda phải gánh chịu”.
Đêm 6/4/1994, vụ ám sát Tổng thống Rwanda Juvenal Habyarimana – một người Hutu – đã gây ra cơn thịnh nộ của những kẻ cực đoan Hutu và lực lượng vũ trang “Interahamwe”, đồng thời châm ngòi cho nạn diệt chủng chỉ vài giờ sau đó.
Các nạn nhân bị bắn, đánh đập hoặc bị chém đến chết trong các vụ thảm sát được kích động bởi những tuyên truyền chống người Tutsi. Theo số liệu của Liên hợp quốc, ít nhất 250.000 phụ nữ đã bị cưỡng hiếp, trên 800.000 người Tutsi và hơn 200.000 người Hutu ôn hòa bị giết chỉ trong 100 ngày.
Hiện Rwanda có hơn 200 đài tưởng niệm nạn diệt chủng và những ngôi mộ tập thể mới tiếp tục được phát hiện. Nạn diệt chủng được đưa vào chương trình giảng dạy bắt buộc cấp trung học.
Theo Rwanda, hiện mới có 28 nghi phạm diệt chủng bị dẫn độ về nước trong khi hàng trăm nghi phạm khác vẫn chưa bị bắt.
Ngọc Ánh (theo AFP)