Tăng tốc tập luyện
Chuẩn bị cho SEA Games 32 và Đại hội Thể thao châu Á 2022 (ASIAD 19), đội tuyển điền kinh Việt Nam đã tập trung từ đầu tháng 1-2023 ở Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia (HLTTQG) Hà Nội và Trung tâm HLTTQG TP Hồ Chí Minh với 79 vận động viên (VĐV). Bên cạnh những gương mặt quen thuộc như Nguyễn Thị Oanh, Đỗ Quốc Luật, Bùi Thị Thu Thảo… nhiều tài năng mới của điền kinh Việt Nam lần đầu được tập trung đội tuyển, như: Trần Thị Nhi Yến, Hoàng Thị Ánh Thục, Đào Minh Thiện… Đáng chú ý là sự trở lại của vận động viên Lê Tú Chinh sau gần một năm nghỉ thi đấu chữa trị và hồi phục chấn thương. Tại SEA Games 31, đội tuyển điền kinh Việt Nam xuất sắc giành 22 huy chương vàng (HCV) và xếp vị trí thứ nhất toàn đoàn. Hướng tới SEA Games 32, chỉ tiêu của đội tuyển điền kinh Việt Nam là giành từ 15 đến 17 HCV, bởi vậy áp lực giữ ngôi đầu là không hề nhỏ.
Đội tuyển bơi Việt Nam hiện đang hội quân tại Trung tâm Huấn luyện thể thao quốc gia Cần Thơ và một số vận động viên tiêu biểu đã được lên đường đi tập huấn ở Hungary. Cũng giống như kỳ SEA Games 31, đại hội lần này đội tuyển bơi Việt Nam vẫn trông chờ vào bộ ba VĐV Nguyễn Huy Hoàng, Trần Hưng Nguyên, Phạm Thanh Bảo. Tương tự, các đội tuyển quốc gia như cầu lông, võ gậy, bóng bàn, xe đạp, pencak silat… cũng đang nỗ lực tập luyện và tìm điểm rơi phong độ.
Năm 2023, nhiều đội tuyển quốc gia có sự đổi mới nhân sự, khi các huấn luyện viên, chuyên gia nước ngoài đã kết thúc hợp đồng. Theo ông Ngô Ích Quân, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục Thể thao), trước mắt các huấn luyện viên nội dẫn dắt các đội tuyển chuẩn bị cho đấu trường SEA Games và ASIAD. Về lâu dài, để đào tạo lứa vận động viên trẻ kế cận các đàn anh, đàn chị đủ năng lực cạnh tranh huy chương tại các đấu trường lớn, vẫn cần tìm chuyên gia ngoại để vận động viên trẻ phát triển tốt hơn. Chuyện thuê chuyên gia ngoại vẫn luôn là vấn đề với thể thao Việt Nam bởi cơ chế chính sách chưa phù hợp. Huấn luyện viên trưởng đội tuyển đấu kiếm quốc gia Phạm Anh Tuấn từng phân tích với phóng viên Báo Quân đội nhân dân rằng: “Với mức đãi ngộ theo quy định hiện nay chúng ta chỉ mời được những chuyên gia đang thất nghiệp ở bên các nước có nền thể thao phát triển”.
Chuẩn bị cho SEA Games 32 và những nhiệm vụ liên thông, các đội tuyển quốc gia đã được tập trung tại 5 địa điểm, gồm: Trung tâm HLTTQG Hà Nội (800 VĐV, 160 HLV, 12 chuyên gia), Trung tâm HLTTQG TP Hồ Chí Minh (586 VĐV, 121 HLV, 2 chuyên gia), Trung tâm HLTTQG Đà Nẵng (258 VĐV, 58 HLV, 2 chuyên gia), Trung tâm HLTTQG Cần Thơ (33 VĐV, 9 HLV, 1 chuyên gia), Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh (47 VĐV, 10 HLV). Ông Hoàng Quốc Vinh, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao I (Tổng cục Thể dục Thể thao) bày bỏ: “Vì nhiệm vụ quốc gia, nhiều VĐV, HLV ở các đội tuyển không được nghỉ ngơi sau khi Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022 kết thúc mà vẫn duy trì tập luyện ở các trung tâm HLTTQG. Một số đội tuyển lên đường đi thi đấu và tập huấn quốc tế nhằm nâng cao trình độ cho các vận động viên”.
Nhiều khó khăn, thách thức
Tại SEA Games 32, nước chủ nhà Campuchia dự kiến tổ chức 36 môn thể thao với 583 nội dung thi đấu. Đoàn thể thao Việt Nam dự kiến sẽ tham dự 30 môn thi đấu và 444 nội dung. Đây là kỳ đại hội nhiều khó khăn với thể thao Việt Nam khi hàng loạt môn, nội dung thế mạnh của chúng ta không có trong chương trình thi đấu như: Rowing, canoeing, bắn súng, bắn cung, kurash, thể hình… Ngoài ra, nhiều môn thể thao thế mạnh của Việt Nam bị cắt giảm nội dung và khống chế số lượng đăng ký nội dung thi đấu. Vì thế, việc đạt thành tích cao của các môn rất khó khăn và khó đạt số lượng huy chương cần thiết để có được thứ hạng cao như ở SEA Games 31.
Theo Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục Thể thao Trần Đức Phấn, SEA Games 32 diễn ra từ ngày 5-5 đến 17-5 tại Campuchia. Mục tiêu của thể thao Việt Nam là nằm trong tốp 3 tại SEA Games 32 và đạt 100 HCV trở lên. Vì vậy, ngay sau khi kết thúc Đại hội Thể thao toàn quốc lần thứ IX năm 2022, ngành thể dục thể thao đã rà soát, đánh giá lại thực lực của các môn, chuẩn bị lực lượng tốt nhất cho SEA Games 32. Ông Phấn cho biết: “Tổng cục Thể dục Thể thao cũng yêu cầu các Trung tâm HLTTQG tạo môi trường tốt nhất trong tập luyện và sinh hoạt, tạo bầu không khí thi đua hứng khởi để các VĐV tập luyện chuẩn bị cho đại hội. Khó khăn của Đoàn thể thao Việt Nam cũng là khó khăn chung của các quốc gia tham dự vì vậy chúng tôi xác định sẽ nỗ lực vượt qua chính mình, phấn đấu đạt thành tích cao nhất, các VĐV cũng phải đặt mục tiêu cao nhất là cố gắng hết mình vì màu cờ sắc áo của Tổ quốc”.
Để giúp các VĐV có thể làm quen được với khí hậu, thời tiết tại Campuchia, Tổng cục Thể dục Thể thao đã đưa các đội tuyển đi tập huấn tại các địa điểm có khí hậu tương tự như TP Hồ Chí Minh hay Bình Thuận. Hiện một số chuyên gia đang xây dựng kế hoạch tập huấn ngắn ngày như đội Judo tập huấn tại Mông Cổ khoảng 20 ngày, đội Taekwondo tập huấn tại Hàn Quốc khoảng 1 tháng. Đội tuyển võ gậy Việt Nam đã mời chuyên gia người Philippines sang huấn luyện. Ông Ngô Ích Quân, Vụ trưởng Vụ Thể thao thành tích cao II (Tổng cục Thể dục Thể thao) cho biết: “Đây là giai đoạn chuẩn bị cho ASIAD, vòng loại Olympic và SEA Games 32. Bởi vậy chúng tôi phải tính toán phân phối lực lượng sao cho bảo đảm thi đấu tốt ở các mặt trận. Muốn vậy ban huấn luyện các đội phải điều chỉnh điểm rơi phong độ của các VĐV sao cho có thể hoàn thành các nhiệm vụ được giao”.
HỮU LÊ