Nhiều người rủ nhau đi tránh nắng sớm
“Lễ này có khi được nghỉ tới 5 ngày, chúng mình có đi đâu không nhỉ?”, tin nhắn của chị Thùy Linh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) trong nhóm hội bạn thân lập tức nhận về nhiều phản hồi, nhưng hầu hết đều là tin từ chối. “Nhà chị vừa đi Đà Lạt 4 ngày về. Nắng nóng quá, phải tìm chỗ nào mát đi ngay, lễ sợ đông nên thôi đi trước”, chị Thư Quỳnh trả lời.
Theo chị Quỳnh, lúc đầu chị nghĩ rằng lễ 30.4 – 1.5 năm nay nghỉ khoảng 2 – 3 ngày nên chỉ “bám” thành phố. Năm nay giá vé máy bay khá cao nên gia đình chị không lên kế hoạch đi chơi như mọi năm. Giai đoạn vừa rồi TP.HCM nắng nóng gay gắt kéo dài, con gái lại mới thi giữa kỳ xong nên cả nhà quyết định lên Đà Lạt tìm chút không khí mát mẻ.
“Nếu chờ nghỉ lễ mới đi Đà Lạt thì chắc chắn sẽ rất đông, có khi còn “cháy” phòng. Vì thế, lễ này dù có được nghỉ 5 ngày hay không thì nhà tôi vẫn sẽ chỉ đi ăn uống, vui chơi trong TP.HCM hoặc tự lái xe tới vài điểm vui chơi sinh thái gần TP, đi về trong ngày”, chị Quỳnh giải thích cho lựa chọn của mình.
Anh Mạnh Khôi (ngụ TP.Thủ Đức, TP.HCM) thì đang chuẩn bị cho chuyến đi Đà Nẵng cùng hội bạn đại học vào thứ sáu tuần tới (12.4). Anh Khôi kể, lớp dự kiến sẽ họp vào tháng 6 tại Đà Nẵng đúng dịp Lễ hội pháo hoa. Thế nhưng từ đầu tháng 3 đến nay nắng nóng kéo dài nên anh nghĩ đến mùa hè miền Trung còn nắng hơn nữa, đi đúng dịp cao điểm lễ hội sẽ rất mệt. Bàn đi tính lại, mọi người quyết định đi sớm luôn trong tháng 4.
Thực tế, từ mùa nghỉ lễ 30.4 – 1.5 năm ngoái đến nay, rất nhiều gia đình đã thay đổi thói quen đi chơi lễ, một phần do giá vé máy bay biến động liên tục. Thay vì lên kế hoạch đi xa thì giờ đây họ thường quyết định tự lái xe đến một vài điểm có khoảng cách gần. Trong khi đó, một số người lại tranh thủ đi chơi trước lễ, hoặc chọn đi một số nước trong khu vực có chi phí tương đối ổn định. Như gia đình chị Phương Vy (Q.7, TP.HCM) đang chuẩn bị cho hành trình trải nghiệm kỳ nghỉ tết Thái Lan (lễ hội Songkran, tết truyền thống của người Thái) từ 10 – 15.4. Lý giải vì sao không chờ nghỉ lễ của mình mà lại sang chơi lễ xứ người, chị nửa đùa nửa thật: “Sang té nước cho mát, chứ lễ ở nhà nóng quá!”.
Chị Phương Vy giải thích, mọi năm chị thường “né” các điểm đến vào mùa lễ hội vì rất đông đúc, dịch vụ thường quá tải, giá cả “chặt chém” và đắt. Tuy nhiên, năm nay Thái Lan đưa ra rất nhiều chương trình hấp dẫn để thu hút khách tới lễ Songkran. “Họ xả các trạm thu phí trên cao tốc để người dân đi chơi lễ; mở thêm quầy nhập cảnh cho du khách tại sân bay để làm thủ tục nhập cảnh nhanh nhất có thể. Họ còn miễn phí nhiều dịch vụ cho nhiều đối tượng khách. Đặc biệt, giá vé máy bay đồng loạt giảm và giá khách sạn cũng không tăng. Tôi mua vé khứ hồi chưa tới 4 triệu đồng/người, đặt khách sạn giữa trung tâm Bangkok mà nhà tôi đã ở hồi cuối năm ngoái, vẫn 150 USD/đêm, không đổi. Đây là những điều rất lạ trong một mùa du lịch cực cao điểm, rất hấp dẫn. Nếu lễ 30.4 – 1.5 được nghỉ tới 5 ngày thì chắc tôi chỉ ở TP.HCM, hoặc vé máy bay không quá cao thì về Quảng Ngãi thăm ba mẹ thôi”, chị Phương Vy chia sẻ.
Tour ngoại đang lấn lướt
Trong khi kế hoạch chơi lễ của nhiều gia đình vẫn còn bỏ ngỏ thì ghi nhận tại các doanh nghiệp (DN) lữ hành, nhiều công ty cũng đang chờ thông tin chính thức về lịch nghỉ để lên chương trình tour mới.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing thuộc Công ty TST Tourist, đánh giá phương án nghỉ 5 ngày tính từ 27.4 đến hết 1.5 là phù hợp để kích cầu du lịch nội địa. Nhiều gia đình không có kế hoạch chơi lễ nhưng nếu thời gian nghỉ dài, họ sẽ tính toán lại. Ngay cả không đi tour thì những hoạt động du lịch tự túc cũng có thể kích cầu rất tốt cho hệ sinh thái dịch vụ của địa phương. Tuy nhiên, do chưa có quyết định chính thức nên các DN chưa thể chủ động trong việc bố trí dịch vụ.
“Nếu quyết định số ngày nghỉ được thông qua sớm, chúng tôi sẽ có thêm cơ hội phục vụ khách, nhưng cũng khá cập rập vì chỉ còn 10 – 15 ngày để chốt khách. Những đường tour trong nước, tour gần đi bằng đường bộ, tour Đông Nam Á sẽ có khả năng đón nhận thêm một lượng khách nhất định từ quyết định tăng thêm ngày nghỉ lễ dịp 30.4 – 1.5 này”, ông Mẫn nói.
Ông Nguyễn Minh Mẫn, Giám đốc Truyền thông – Marketing thuộc Công ty
Trực tiếp bán tour tại Ngày hội du lịch TP.HCM đang diễn ra, đồng thời cũng là cách khảo sát nhu cầu du khách, ông Nguyễn Minh Mẫn đánh giá đang có sự thay đổi lớn trong nhu cầu chọn tour, chốt tour của khách. Thay vì khách tập trung vào cuối tuần như thời điểm ngày hội du lịch năm 2023 thì năm nay khách lại đặt mua tour ngay từ ngày đầu khai mạc, thậm chí ngay khi TST đang thi công gian hàng, khách đã check-in và liên hệ hỏi thông tin tour.
Những tour du khách quan tâm tại gian hàng TST tập trung vào các quốc gia như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Úc, châu Âu, Mông Cổ, Ấn Độ. Số khách thường từ 2 đến 8 người cho thấy đi theo nhóm cá nhân sẽ là xu hướng chính của mùa lễ và hè sắp tới. Bên cạnh các tour nước ngoài, du khách cũng quan tâm các điểm đến gắn liền với biển trong nước như Quy Nhơn, Phú Yên, Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, Đà Lạt…
“Giá vé máy bay cao, một số tour tàu hỏa cũng bắt đầu khởi động, có tín hiệu quan tâm của khách hàng vì sự hấp dẫn của cảnh quan cùng những cải tiến hiện đại của phương tiện. Tuy vậy, với các tuyến không quá xa ở khu vực miền Trung, phần lớn du khách vẫn chọn hàng không để tiết kiệm thời gian, tham quan được nhiều hơn”, ông Mẫn thông tin thêm.
Vietluxtour cũng đang ghi nhận sự “lấn lướt” của các tour ngoại mùa lễ 30.4 – 1.5. Theo bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc truyền thông và tiếp thị Vietluxtour, các tour thị trường outbound đã đạt trên 70% kế hoạch kinh doanh tour lễ 30.4, tập trung ở các tuyến châu Âu, Mỹ, Úc, Đông Bắc Á… Các tour Đông Nam Á có thể bán đến gần ngày khởi hành vì không phải làm thủ tục visa. Nếu dịp tết, hè, du khách thường chọn các tour dài từ 5 – 8 ngày thì các dịp lễ khác trong năm như 30.4, 2.9, tour có thời gian từ 2 – 4 ngày được du khách ưa chuộng. Tuy nhiên, nhiều nhóm khách vẫn thu xếp được ngày nghỉ nên các tour 4 – 5 ngày như tuyến Đông Bắc Á vẫn được ưa chuộng và đặt từ rất sớm (từ cuối tháng 2).
Trong khi đó, thị trường tour nội địa mới đạt khoảng 60% gồm các loại tour trọn gói, combo, F&E (vé máy bay và phòng khách sạn), tour option. Các tuyến Quy Nhơn, Phú Yên… đã có xu hướng khách chuyển sang đường bộ khá nhiều từ sau dịch. Các cung đường này thuận tiện cho đường bộ, khung cảnh khá đẹp nên những du khách không quá cập rập về thời gian sẽ chọn để vừa ngắm cảnh vừa giảm được chi phí vé máy bay, dành kinh phí cho dịch vụ lưu trú tốt hơn từ 4 – 5 sao. Năm nay, ngoài hình thức tour trọn gói, du khách cũng quan tâm nhiều đến loại hình F&E và đặt các dịch vụ từng phần như phòng khách sạn, ô tô, vé máy bay.
Liên quan đến giá tour, bà Bảo Thu cho biết giá các sản phẩm du lịch nước ngoài dịp lễ năm nay tương đối ổn định; riêng thị trường du lịch nội địa, một số tuyến đường bay có tăng nhẹ do giá trần vé máy bay tăng. Tuy nhiên, nhìn chung giá tour lễ 30.4 – 1.5 năm nay không thay đổi quá nhiều so với cùng kỳ, một phần nhờ các DN lữ hành đã đặt loạt dịch vụ từ trước và tung nhiều chương trình khuyến mãi. “Giá vé máy bay thường chiếm khoảng 50 – 60% giá tour tùy tuyến (nội địa) nên việc tăng giá trần cùng với thời điểm lễ, nhu cầu di chuyển nhiều sẽ khiến giá vé một số tuyến bay nội địa tăng lên. Để giữ được giá tốt, du khách có thể đặt tour sớm, nếu có thể chọn đặt dịch vụ lệch các khung thời gian cao điểm thì giá sẽ mềm hơn”, bà Thu nói.
Liên kết để kích cầu du lịch nội địa
Lễ 30.4 – 1.5 và cao điểm hè là mùa du lịch nội địa lên ngôi. Vì thế, các địa phương coi đây là cơ hội “vàng” để khai thác dòng khách nội, thông qua các chương trình, sản phẩm hấp dẫn.
Là địa phương “chịu thiệt thòi” nhất khi giá vé máy bay tăng cao, các DN làm du lịch ở Phú Quốc đã bắt tay hợp tác liên kết, ưu đãi giá các gói tour, cùng địa phương kiểm soát chặt giá cả, làm sự kiện để kích cầu du khách đến chơi lễ 30.4. Đơn cử, từ 1.4, hãng tàu cao tốc Phú Quốc Express đã thực hiện chương trình ưu đãi giảm giá dành cho khách hàng đi tuyến TP.Rạch Giá, TP.Hà Tiên – TP.Phú Quốc. Cụ thể, đơn vị giảm giá còn 235.000 – 500.000 đồng/vé (tùy loại vé); tuyến TP.Hà Tiên – TP.Phú Quốc có giá bán 148.000 – 360.000 đồng/vé, trung bình giảm 40.000 – 45.000 đồng/vé so với trước.
Các công ty lữ hành tại Phú Quốc đang tích cực đẩy mạnh các tour tuyến đường bộ, đường biển, đưa khách từ Tây nguyên, Đông Nam bộ, Tây Nam bộ và khách quốc tế từ Campuchia, Lào, Thái Lan theo tuyến Hà Tiên tới Phú Quốc. Nhiều chủ homestay địa phương cũng cam kết thực hiện không phụ thu và sẵn sàng đi chợ hộ cho du khách.
Đại diện Lữ hành Saigontourist cũng khẳng định trong bối cảnh giá vé máy bay tăng cao, việc liên kết giữa các DN trong hệ sinh thái du lịch là yếu tố quan trọng trong công cuộc phục hồi thị trường nội địa. Với lợi thế về hợp tác bền vững với đối tác cung ứng dịch vụ trong và ngoài nước, Saigontourist vẫn đảm bảo chi phí tour hợp lý với các hành trình du lịch trong và ngoài nước dịp lễ này. Cụ thể, Saigontourist liên kết với Vietnam Airlines triển khai sớm chùm tour nghỉ lễ 30.4 – 1.5 với lịch khởi hành liên tục. Hãng bố trí giờ bay đi vào buổi sáng, về vào buổi chiều tối để du khách hưởng trọn ngày tham quan, đồng thời áp dụng chính sách giá trọn gói, hợp lý với nhóm khách 10 – 12 người và có giá ưu đãi cạnh tranh nhất dành cho khách nhóm.
Theo ông Nguyễn Minh Mẫn, hiện nay hầu hết các địa phương đều đang tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch. Quảng Bình, Quảng Trị, các tỉnh phía bắc Trung bộ từ vùng trũng du lịch đang bắt đầu có nhiều thay đổi tích cực, nhiều sáng tạo về sản phẩm. Lãnh đạo các tỉnh, thành cũng đã chủ động tới các thị trường nguồn như TP.HCM để giới thiệu tài nguyên. DN lữ hành thì dồn sức xây dựng nhiều chương trình tour trong nước mới lạ, thêm nhiều điểm hấp dẫn, chất lượng cao hơn, đáp ứng đúng xu hướng của du khách. Song giá vé máy bay là cản trở rất lớn.
“Nhiều khách hàng tìm đến chúng tôi, thấy tour hay quá nhưng than giá cao. Sau khi so sánh, đối chiếu, họ chọn đi Thái Lan, Singapore. Thật ra đối với các DN lữ hành, doanh số vẫn đạt theo kế hoạch. Chỉ có điều buộc lòng phải chuyển hướng đưa khách ra nước ngoài thì các điểm đến trong nước thiệt thòi, khách hàng thiệt thòi, cả ngành du lịch VN đều thiệt thòi. Cần có chính sách quản lý giá, thúc đẩy liên kết giữa các đơn vị để hình thành một sản phẩm tốt với giá hấp dẫn. Ngành du lịch cần một đơn vị đứng ra cầm trịch, tổ chức một chương trình “tiêm thật mạnh, kích thật mạnh” vào nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân, đặc biệt vào những mùa lễ như cách mà Thái Lan đang làm rất hiệu quả”, ông Nguyễn Minh Mẫn đề xuất.
Lần đầu tiên TP.HCM có rạp chiếu phim ngoài trời
Sở Văn hóa – Thể thao TP.HCM thông tin sẽ tổ chức chương trình chiếu phim ngoài trời trong khuôn khổ LHP quốc tế TP.HCM lần thứ 1 – năm 2024. Lịch chiếu phim cụ thể: từ 18 giờ 30 đến 22 giờ từ 7 – 12.4 tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (P.Bến Nghé, Q.1) và 19 – 22 giờ tại Công viên bờ sông Sài Gòn (P.Thủ Thiêm, TP.Thủ Đức). Ban tổ chức sẽ chiếu phim kinh điển, tiêu biểu của VN và thế giới; kết hợp giao lưu, gặp gỡ các nhà làm phim, các nghệ sĩ, diễn viên điện ảnh nổi tiếng trong nước và quốc tế. Ngoài ra còn có các hoạt động nghệ thuật và các hoạt động đi kèm đa dạng, hấp dẫn. Đây là lần đầu tiên hoạt động này được tổ chức tại TP.HCM nhằm phục vụ người dân và du khách.
Sôi động khuyến mãi tại Ngày hội Du lịch TP.HCM
Ngày hội Du lịch TP.HCM lần thứ 20 (4 – 7.4) gồm 150 gian hàng, trong đó có sự góp mặt của 43 gian hàng từ các tỉnh, thành, 35 DN kinh doanh dịch vụ du lịch và các đơn vị khác. Có gần 400 sản phẩm, dịch vụ du lịch của các công ty lữ hành, cơ sở lưu trú, điểm tham quan đăng ký tham gia chương trình với nhiều chính sách khuyến mãi, giá ưu đãi lên đến 50%, cùng nhiều quà tặng và các dịch vụ đi kèm. Chương trình du lịch nội đô với những sản phẩm mới lạ bên cạnh gần 40 chương trình khám phá TP.HCM, sản phẩm đường thủy, sản phẩm về đêm, giảm giá đến 60% với giá chỉ từ 299.000 đồng… Gần 20 chương trình du lịch trải nghiệm những nét rất riêng TP.HCM cũng như các tỉnh ĐBSCL và Đông Nam bộ với giá vé khuyến mãi lên đến 35%. Ngày đầu khai mạc, Ngày hội Du lịch TP.HCM đã có 1.740 lượt khách mua tour, sản phẩm với tổng doanh thu hơn 26,3 tỉ đồng, tăng 49% so với năm 2023.